Nặng lòng câu ví giặm
(Baonghean) - Làng quê của nghệ nhân Lê Văn Kiệm (SN 1932) xóm 13, Đức Sơn (Anh Sơn) nằm bên tả ngạn sông Lam, phía bên kia là bãi bồi quanh năm xanh màu ngô, lạc. Con sông chảy qua làng uốn thành một đường cong mềm mại, làm nên vẻ duyên dáng và thơ mộng, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn biết bao thế hệ. Một tháng vài lần, ngôi nhà nhỏ bên sườn đồi của ông lại rộn vang tiếng hát, tiếng đàn. Đó là những ngày các thành viên của tổ âm nhạc xóm 13 về đây tập luyện, bà con trong xóm cũng náo nức đến xem...
Thuở nhỏ, gia đình ông rất nghèo, không được học hành đến nơi đến chốn, nhưng Lê Văn Kiệm rất mê đàn hát. Cậu thường theo những người có tài hát xẩm, ví, giặm và hát chèo để học hỏi. Lâu dần, Kiệm biết phân biệt các làn điệu và nắm vững các nguyên tắc biểu diễn và chỉnh âm. Lớn lên, Lê Văn Kiệm vẫn tiếp tục niềm đam mê đàn hát, không có cuộc vui nào trong làng ông vắng mặt. Một lần, đoàn Văn công Nghệ An về biểu diễn phục vụ bà con xã Đức Sơn, Lê Văn Kiệm tham gia giao lưu 2 tiết mục và lọt vào “mắt xanh” của vị trưởng đoàn. Đoàn mời ông gia nhập quân số, nhưng lúc bấy giờ đã lập gia đình, vợ ông vừa sinh con, không muốn chồng đi xa nên ông đành gác lại dự định...
Nghệ nhân Lê Văn Kiệm. |
Không theo các đoàn văn công chuyên nghiệp, nhưng dòng máu nghệ sỹ vẫn không ngừng chảy trong huyết quản nghệ nhân Lê Văn Kiệm. Sau khi thu hoạch mùa, ông lại khăn gói lên đường, hành trang là mấy loại nhạc cụ thường dùng và mấy bộ quần áo cũ. Ông đi khắp nơi, để được ngân lên tiếng hát, tiếng đàn, để được học hỏi thêm các bậc tài năng trong thiên hạ, từ Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu đến Nam Đàn, Thanh Chương. Cứ thế, ông đi khắp các làng quê, đến đâu nghỉ đó, hễ dừng chân là không ngơi đàn hát. Nghe tiếng đàn trong trẻo, nghe tiếng hát lắng sâu, bà con liền tìm đến thưởng thức và biếu ông một ít tiền, có người mời về nhà cơm nước, nghỉ ngơi chờ tối đến giao lưu đàn hát với cả làng. Hôm sau, ông lại lên đường đi đến với những làng quê khác, đi cho thỏa chí đam mê, đi để gặp gỡ và có thêm những người bạn.
Già yếu, cái chân không còn khỏe để đi khắp nơi như trước, nghệ nhân Lê Văn Kiệm vẫn thủy chung với khúc hát, tiếng đàn. Khi vui cũng như khi buồn, tiếng đàn trở thành bầu bạn, là nơi gửi gắm những cung bậc cảm xúc, để sẻ chia, đồng cảm. Tuổi cao, ông Kiệm vẫn tích cực tham gia phong trào văn nghệ địa phương, thường xuyên có mặt tại các kỳ hội diễn và Liên hoan “Tiếng hát Làng Sen”. Ông đã góp phần quan trọng đưa về cho xã và huyện nhiều giải thưởng văn nghệ, đặc biệt là ở các đợt Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, trong đó có 3 giải thưởng cấp tỉnh. Nhiều làn điệu và bài hát cổ vẫn được nghệ nhân Lê Văn Kiệm lưu giữ, trở thành một vốn quý trong kho tàng Dân ca xứ Nghệ. Mỗi khi khách đến làm việc tại xã có nhu cầu thưởng thức dân ca, người đầu tiên được mời đến biểu diễn không ai khác ngoài ông Kiệm.
Năm nay, nghệ nhân Lê Văn Kiệm đã bước sang tuổi 83, không chỉ say mê đàn hát, ông còn tự chế tác các loại nhạc cụ như đàn bầu, sáo và nhị. Ông cũng nhận thấy rằng, nếu không kịp thời truyền dạy cho thế hệ sau những giá trị âm nhạc cổ truyền của quê hương thì rồi sẽ đi vào mai một, quên lãng. Vì thế, lão ông thành lập Tổ âm nhạc cổ của xóm với mục đích luyện tập, trao tuyền những di sản của cha ông xưa để lại. 7 thành viên của tổ đều là những người yêu thích âm nhạc, có trách nhiệm với văn hóa quê hương.
Với những đóng góp của mình trong lưu giữ và truyền dạy âm nhạc cổ truyền, năm 2013 ông Lê Văn Kiệm được phong danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Năm nay, thêm một tin vui nữa là sắp tới ông sẽ được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Đó chính là sự ghi nhận xứng đáng đối với một con người nhiệt tình, tâm huyết và say mê dân ca, âm nhạc cổ truyền.
Công Kiên