Nặng lòng câu ví, giặm…
(Baonghean) - Bà không chỉ sưu tầm, biểu diễn thành công nhiều làn điệu ví, giặm mà còn truyền ngọn lửa đam mê dân ca quê nhà đến với thế hệ trẻ. Đó là Nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Am (83 tuổi), ở xóm 7, xã Quỳnh Hậu (Quỳnh Lưu).
Nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Am (83 tuổi), ở xóm 7, xã Quỳnh Hậu (Quỳnh Lưu). |
Lên 8 tuổi, Nguyễn Thị Am bắt đầu “nhiễm” niềm đam mê dân ca ví, giặm trong một gia đình hát dân ca nổi tiếng ở làng Bèo Hậu (nay là xã Quỳnh Hậu) mà cả ông bà nội và bố đều đắm đuối vào đó. Theo năm tháng, tình yêu dân ca lớn lên trong bà rồi trở không thể thiếu; bà đã kỳ công ghi chép và sưu tầm những làn điệu cổ vào sổ tay dân ca của mình.
Đến nay bà đã ghi lại được trên 200 làn điệu, tuổi đã cao nhưng bà vẫn đau đáu, tâm huyết trao truyền lại cho các cháu nhỏ trong làng; rồi còn sáng tác, cải biên một số làn điệu mới phù hợp hơi thở cuộc sống, như về chủ đề mừng Đảng mừng Xuân, ca ngợi nông thôn đổi mới…
Cũng từ tình yêu dân ca trọn cuộc đời, Nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Am đến nay vẫn “gánh” vai trụ cột của Câu lạc bộ hát và bảo tồn dân ca ví, giặm của xóm 7, xã Quỳnh Hậu. Ngôi nhà của bà từ lâu trở thành nơi các thành viên câu lạc bộ gặp gỡ, sinh hoạt, cùng nhau tập luyện hát dân ca, trong đó có các sáng tác của bà mà không ít lần giúp câu lạc bộ giành giải tại các hội diễn cấp huyện, cấp tỉnh.
Thành viên “nhí” của CLB hát và bảo tồn Dân ca ví, giặm xóm 7 Nguyễn Thị Linh, năm nay lên 9 tuổi, nói: “Trước đây em theo ông bà nội đi sang nhà cụ Am nghe hát dân ca và rất mê giọng hát của cụ, rồi mê luôn làn điệu dân ca ví, giặm; nên từ 6 tuổi em đã tham gia CLB của xóm. Đến nay em đã hát dân ca một cách thành thạo và tự tin biểu diễn. Em muốn học tập cụ Am, truyền niềm đam mê dân ca tới các bạn ở lớp, ở trường…”.
Ghi nhận sự tâm huyết lưu giữ, trao truyền vốn quý dân ca ví, giặm cho thế hệ sau của bà Nguyễn Thị Am, tháng 7/2013, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã trao tặng bà Bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian.
Như Thủy