Nặng lòng điệu ví quê mình

14/11/2013 18:44

(Baonghean) - Một chiều đầu đông về thăm nghệ nhân Nguyễn Văn Kỳ ở xã Tân Sơn, huyện Đô Lương, Tôi như được hòa mình trong không khí rộn ràng tiếng đàn, tiếng hát của ông Kỳ và các hội viên trong CLB dân ca Tân Sơn. được ông Kỳ bồi hồi kể cho tôi nghe những câu chuyện về cuộc sống gắn liền với dân ca của ông với tất cả nhiệt huyết, đam mê.

Mới 10 tuổi ông Nguyễn Văn Kỳ đã gắn với những câu hò ví, dặm của cha, của mẹ. Ngày trước cha ông là một trong những giọng ca trụ cột của hội dân công, đồng thời cũng là một cây đàn đình đám. Mẹ ông ngoài hát dân ca phục vụ bà con còn là một diễn viên hát hay về thể loại tuồng thời đó. Hàng đêm, cậu bé Kỳ say mê học hát, học diễn để rồi không lâu sau được người dân tán thưởng khi cất lên những làn điệu ví, dặm quê mình. "Có lẽ sự kiên trì và niềm đam mê đã giúp tôi càng thêm yêu những câu hát dân ca”. Tuổi thơ của ông ngoài việc theo cha mẹ đi diễn, ông còn được các cô, các chú trong đoàn văn công chỉ bảo tận tình.

Tiết mục đạt giải Nhất cụm của CLB Dân ca Tân Sơn (Đô Lương) tại Liên hoan dân ca ví, dặm xứ Nghệ.
Tiết mục đạt giải Nhất cụm của CLB Dân ca Tân Sơn (Đô Lương) tại Liên hoan dân ca ví, dặm xứ Nghệ.

Ông Kỳ nhớ lại: “Có những ngày cha mẹ tui coi chừng tui học bài, thế mà tôi vẫn chạy lén đi xem khi nghe ngoài làng có đoàn văn công về. Ngày đó tôi “ngộ” lắm, trong khi đoàn văn công đang chuẩn bị, tôi chạy lên sân khấu và xin hát. Hát xong thấy mọi người vỗ tay khen hay nên tôi còn hát thêm một bài nữa”.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Kỳ
Nghệ nhân Nguyễn Văn Kỳ

Trong 12 năm học phổ thông, không những chịu khó học tập, ông còn tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ quần chúng, các hội diễn của nhà trường cũng như địa phương. Cũng bắt nguồn từ đam mê đó mà ông nhận ra rằng dân ca chính là một tài sản quý giá mà ông và tất cả mọi người phải luôn có ý thức gìn giữ và phát huy. Qua tìm hiểu và học hỏi ở những người đi trước, ông mới rõ dân ca ví, dặm xứ Nghệ có tới hàng chục làn điệu khác nhau như ví đò đưa, ví trèo non; ví phường đan, ví phường vải, ví đồng ruộng, ví mục đồng, ví ghẹo… Mỗi điệu hát được sử dụng trong những sinh hoạt văn hóa khác nhau; có tìm hiểu, nghiên cứu mới thấy được cái hay, cái đẹp và sự hấp dẫn của nó.

Năm 1999, UBND xã Tân Sơn thành lập CLB Dân ca và ông được các hội viên tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm. Ban đầu CLB chỉ có 7 hội viên là những người trong đoàn hát dân công với ông ngày xưa hội tụ lại với ý nghĩ cùng lưu giữ nét đẹp truyền thống của ông cha để lại. Qua hoạt động tuyên truyền và vận động bà con hội viên tham gia, đến nay CLB đã thu hút được hơn 30 hội viên, có quy chế hoạt động với nội dung cụ thể là phổ biến, luyện tập các làn điệu dân ca ví, dặm…

Vào những ngày cuối tuần, CLB hội tụ tại nhà văn hóa xã cùng nhau hướng dẫn, luyện tập các bài hát sao cho đúng về thanh nhạc, nhịp phách, trường độ, cao độ, chọn lựa tiết mục đi giao lưu, biểu diễn và bàn bạc, trao đổi các nội dung liên quan đến hoạt động của CLB. Định kỳ sáu tháng một lần, CLB tổ chức sinh hoạt rút kinh nghiệm. Sau ba kỳ sinh hoạt, CLB tổ chức thi giọng hát hay, lựa chọn ra giọng hát tốt nhất đi tham gia biểu diễn tại các hội thi, hội diễn cấp cơ sở vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc. Bà con nhân dân xã Tân Sơn vẫn thường nghe những làn điệu ví, dặm mượt mà đằm thắm, âm thanh của tiếng đàn rộn rã và lối hát thanh cao nền nã của ông Kỳ vang lên từ loa phát thành xã vào mỗi buổi sáng và chiều. Đó là những làn điệu ông sáng tác để luyện tập cho các hội viên và bà con học hát. Ông thường được các trường tiểu học, THCS mời dạy hát các làn điệu dân ca cho học sinh, giáo viên mỗi khi có các hội diễn.

Cùng với việc sưu tầm các bài hát dân ca cổ, ông còn dành nhiều tâm huyết đặt lời mới cho nhiều bài hát dựa theo các làn điệu dân ca ví dặm. Lời bài hát do ông sáng tác có ý nghĩa sâu sắc, nội dung trong sáng và mang tính giáo dục cao, dễ thuộc, dễ nhớ. Từ những bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa đến những bài hát tuyên truyền về phòng chống ma túy, chống bạo lực gia đình, tảo hôn… đều được những hội viên trong CLB cũng như bà con trong xã yêu thích.

Tại Liên hoan Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh năm 2013, ông Kỳ được vinh danh "Nghệ nhân dân gian" và được trao tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp dân ca, dân gian Việt Nam".

Ông Trần Như Ý - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Sơn cho biết: Những người đam mê hát dân ca ở địa phương luôn trăn trở vì hiện nay nhiều người không còn tha thiết với dân ca nữa, nhất là thế hệ trẻ. Vì thế những làn điệu dân ca dần mai một. Hiện nay, số người thuộc và hát được nhiều bài hát dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông Kỳ đang tiếp tục vận động những người yêu thích hát dân ca để dạy hát và thổi sáo, đồng thời tích cực cùng mọi người gây dựng và phát huy các phong trào, sinh hoạt văn nghệ ở địa phương. Việc làm của ông Kỳ góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa quê hương.

Đình Nguyên

Mới nhất
x
Nặng lòng điệu ví quê mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO