Năng lượng hạt nhân - con dao hai lưỡi

19/04/2015 08:03

(Baonghean) - Năng lượng hạt nhân là một trong những phát minh vĩ đại nhất của mọi thời đại, vì những lợi ích cũng như nguy hiểm khổng lồ mà nó mang lại. Đó có thể là thứ vũ khí huỷ diệt cả thế giới nhưng cũng vừa là giải pháp tốt nhất (tính đến thời điểm hiện nay) cho bài toán năng lượng của hành tinh. Nắm giữ năng lượng hạt nhân trong tay cũng giống như chơi với một con dao hai lưỡi có thể “phản chủ” bất cứ lúc nào. Và tất nhiên, mối nguy hiểm cũng có thể đến khi con dao nằm trong tay của một kẻ khác…

Năng lượng hạt nhân Nhật Bản vẫn chưa thể nóng lại

Thứ Ba, ngày 14/4, toà án Fukui ra phán quyết cấm khởi động trở lại 2 lò phản ứng hạt nhân của Trung tâm Takahama vì lý do tiêu chuẩn an toàn. Quyết định này như “gáo nước lạnh” dội vào tham vọng hâm nóng chương trình hạt nhân của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Đây không phải là lần đầu tiên ý định của ông Shinzo Abe vấp phải sự phản đối. Trên thực tế, đa số người Nhật Bản không đồng tình với việc trở lại “chung sống” với những rủi ro đến từ các nhà máy hạt nhân. Sau tai nạn thảm hoạ ở Fukushima thì việc đưa các lò phản ứng đi vào hoạt động trở lại đặt ra nhiều vấn đề hóc búa. Tuy nhiên, lần đầu tiên có một phán quyết mang tính pháp lý cho câu hỏi khởi động lại các nhà máy hạt nhân hay là không.

Trả lời một đơn kiện chống lại việc cài đặt, thiết lập lại các lò phản ứng hạt nhân, thẩm phán Hideaki HIguchi của Toà án Fukui (ở miền Trung Nhật Bản) cho rằng, các tiêu chuẩn an toàn được áp dụng vào năm 2013 “thiếu tính bảo đảm”. Trong số các yếu tố dẫn đến phán quyết này, có đề cập đến việc chủ đầu tư của dự án - Công ty Điện lực Kepco của vùng Kansai - đã đánh giá chưa đúng mực rủi ro địa chất ở nơi đặt lò phản ứng. Ngoài ra, phương án thoát hiểm trong trường hợp xảy ra sự cố cũng gây nhiều tranh cãi. Phán quyết này có hiệu lực tức thì cho đến khi có quyết định mới của toà án.

Thẩm phán Higuchi chắc chắn sẽ không phải là nhân vật ưa thích đối với những người chủ trương ủng hộ lĩnh vực hạt nhân. Vào tháng 5 năm 2014, ông này cũng đưa ra phán quyết tương tự đối với 2 lò phản ứng của Trung tâm Ohi (cũng ở tỉnh Fukui và cũng thuộc quyền sở hữu của Kepco). Ông lập luận: “Các lò phản ứng chỉ đơn thuần là công cụ sản xuất điện và tầm quan trọng của chúng không thể nào sánh bằng quyền cơ bản (được sống) của người dân”.

Ông Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Ngoại vụ của Nghị viện Mỹ. (Giữa)
Ông Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Ngoại vụ của Nghị viện Mỹ. (Giữa)

Đáp lại, Công ty Kepco cho rằng, quyết định nói trên là “không thể chấp nhận được” và yêu cầu hồ sơ vụ kiện liên quan đến lò phản ứng Takahama phải được rút. Tỉnh trưởng tỉnh Fukui là ông Issei Nishikawa - vốn ủng hộ chủ trương khởi động trở lại lĩnh vực hạt nhân - đã thể hiện thái độ đồng tình với Kepco. Hồi tháng 11 năm 2014, cơ quan điều phối hạt nhân (NRA) đã kiểm tra và đưa ra kết luận các lò phản ứng hạt nhân của Takahama đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn.

Đây được xem là tia hy vọng mở ra cánh cửa trở lại với con đường hạt nhân cho Kepco. Điều đáng lưu ý là trước thảm hoạ ở Fukushima, trong số 9 công ty điện lực của Nhật Bản thì Kepco là công ty phụ thuộc nhiều nhất vào lĩnh vực điện hạt nhân. Các nhà máy nhiệt điện là một phương án thay thế không mấy dễ chịu vì chi phí quá cao. Tổng kết tài chính đến cuối tháng 3 vừa rồi, Kepco đã thiệt hại tới 161 tỷ yên (khoảng 1.3 tỷ euro) và kết quả là đầu tháng 4, công ty này đã phải tăng giá điện lên 14% đối với các khách hàng doanh nghiệp của mình. Được biết, Kepco là nhà cung cấp cho các tập đoàn lớn đóng tại vùng Osaka, ví dụ như Panasonic hay Sharp.

Đối với chính phủ trung ương Nhật Bản, rõ ràng phán quyết của Toà án Fukui không phải là một tin đáng mừng, mặc dù người phát ngôn Yoshihide Suga tuyên bố rằng điều đó sẽ không làm thay đổi chính sách theo đuổi hạt nhân của Chính phủ Abe. Sau thảm hoạ Fukushima, các lò phản ứng hạt nhân ở Nhật đã dần ngừng hoạt động, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Nhật Bản. Trước năm 2012, năng lượng điện hạt nhân chiếm đến 28% trong tổng sản lượng điện năng Nhật Bản. Cũng chính bởi lý do kinh tế mà chính phủ của ông Abe chủ trương khởi động lại lĩnh vực hạt nhân, bất chấp sự phản đối của dư luận.

Một lý do khác là vấn đề khí thải nhà kính có chiều hướng gia tăng sau khi ngừng sản xuất điện hạt nhân và sử dụng nhiên liệu đốt. So với năm 2012, lượng khí thải năm 2013 tăng lên đến 1,3% và đạt 1,4 tỷ tấn - phá vỡ kỷ lục năm 2007. Nhật Bản đặt mục tiêu đến năm 2020, lượng khí thải ra phải thấp hơn mức năm 2005 là 3,8%. Tuy nhiên, số liệu năm 2013 thậm chí còn cao hơn mức tiêu chuẩn năm 2005 đến 0,8% và với xu hướng sản xuất và tiêu thụ năng lượng như hiện nay thì Nhật Bản khó đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, thảm hoạ Fukushima đã để lại một vết thương sâu sắc, một nỗi ám ảnh đối với người dân Nhật Bản và có lẽ sẽ rất khó để người Nhật “mở lòng” một lần nữa với năng lượng hạt nhân. Nhất là với sự kiện 160 con cá heo dạt vào mắc cạn trên bờ biển Thái Bình Dương từ ngày 10/4 vừa qua làm dấy lên những nghi ngờ về một cơn động đất mới.

Chính trường Mỹ “tăng nhiệt” vì hạt nhân Iran

Thứ Ba, ngày 14/4, với 19 phiếu tán thành (0 phiếu bác bỏ), Ủy ban Ngoại vụ Mỹ đã thông qua việc trao cho Nghị viện Mỹ quyền cho ý kiến về thoả thuận tại Lausane liên quan đến chương trình hạt nhân Iran. Quyết định đưa ra chỉ vài ngày trước khi vòng đàm phán giữa các nước 5+1 với Tehran mở trở lại này chắc chắn không phải là tin vui đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Cụ thể, mọi văn bản thoả thuận chính thức cuối cùng với Iran đều phải thông qua sự kiểm duyệt của Nghị viện trước khi được áp dụng. Chủ tịch Ủy ban Ngoại vụ Mỹ và cũng là một Nghị sỹ Cộng hoà - ông Bob Corker - đã thuyết phục được 8 Nghị sỹ Dân chủ và 1 đại biểu trung lập đến từ Maine bỏ phiếu tán thành cho định mức thời gian 60 ngày để kiểm duyệt các thoả thuận. Hạn mức này sau đó đã được thống nhất là 52 ngày. Bên cạnh đó, cơ chế đòi hỏi Tổng thống Obama phải chứng minh rằng Iran không có hoạt động khủng bố nào nhắm vào Mỹ đã được lược bỏ. Thay vào đó, chỉnh phủ của Obama sẽ phải thường xuyên báo cáo về “các hoạt động ủng hộ khủng bố của Iran” và về chương trình tên lửa đạn đạo của nước này.

Từ nhiều tuần nay, Tổng thống Obama đã nỗ lực phản đối lại quyền cho ý kiến mà Thượng viện Mỹ yêu cầu. Cũng như trong bức thư mà Tổng Thư ký Nhà Trắng - ông Denis McDonough - gửi đến Thượng sỹ Corker vào ngày 14/3, trong đó viết: “Các nhà đàm phán chính thức là năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc”. Như vậy, quyền được công nhận hay bác bỏ các điều khoản của một hiệp ước cuối cùng với mục đích tăng “tính hợp pháp quốc tế” chỉ thuộc về Hội đồng và hoàn toàn độc lập với ý kiến của các đại biểu Nghị viện Mỹ. Tuy nhiên, có vẻ như Tổng thống Mỹ đã phải “đơn thương độc mã” trong cuộc tranh luận này, khi mà ngay cả các thành viên đảng Dân chủ trung thành như Nancy Pelosi cũng nhận định rằng nên thông qua ý kiến của Nghị viện. Cuối cùng, Tổng thống đã phải chọn biện pháp thoả hiệp thay vì sử dụng quyền phủ quyết tối cao của mình.

Tuy nhiên, trên thực tế thì quyền hạn của Tổng thống cơ bản không có gì thay đổi. Theo thoả thuận chung về vấn đề Iran, Nghị viện sẽ có 3 phương án để lựa chọn khi bản hiệp ước với người Iran được đệ trình. Thứ nhất, Nghị viện thông qua và Tổng thống Mỹ có thể ngay lập tức dỡ bỏ cấm vận. Thứ hai, Nghị viện không thông qua nhưng Tổng thống Mỹ vẫn có thể dỡ bỏ cấm vận với điều kiện là sau thời hạn 30 ngày. Khả năng thứ ba, các đại biểu nhất trí bác bỏ hoàn toàn bản hiệp ước.

Trong trường hợp này, Tổng thống sẽ không có quyền hạn dỡ bỏ lệnh cấm vận. Tuy nhiên, ông vẫn có thể viện đến quyền phủ quyết trong thời hạn 12 ngày. Nghị viện sẽ có 10 ngày để lật ngược quyền phủ quyết - điều mà các chuyên gia nhận định là khó khả thi. Cần phải đạt được 2/3 số phiếu tán thành, tức 67 phiếu, thì mới có thể huỷ bỏ một lệnh phủ quyết của Tổng thống. Trong khi đó, đảng Cộng hoà chỉ nắm được 54 ghế ở Thượng viện.

Cuộc đối đầu giữa hai bên có lẽ sẽ còn tiếp diễn, thậm chí là trên các phương tiện truyền thông. Tạp chí Weekly Standard - tiếng nói của những chính khách đứng đầu ở Nghị viện - ra lời kêu gọi tiếp tục cuộc vận động: “Kết quả bỏ phiếu hôm nay rất tích cực nhưng hãy nhớ rằng: Mục tiêu là giết chết thoả thuận này chứ không đơn thuần chỉ là phức tạp hoá chặng đường đạt được cái đích đó”.

Ngược lại, nhóm quyền lực ủng hộ Iran Hội đồng quốc gia Iran - Mỹ thì hứa hẹn sẽ tăng cường gây sức ép lên các đại biểu Dân chủ. Trong trường hợp mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, việc dỡ bỏ cấm vận sẽ bị trì hoãn 52 ngày - một tình hình phức tạp nhưng không phải là bế tắc hoàn toàn, Tổng thống Obama khẳng định. Và điều quan trọng là người Iran tin tưởng vào khả năng đó của chủ nhân Nhà Trắng. Ngay sau khi công bố kết quả bỏ phiểu của Ủy ban Thượng viện, Tổng thống Iran Hassan Rohani đã “đánh tiếng” rằng đối tác đàm phán của Tehran không phải là Nghị viện Mỹ mà là các cường quốc lớn.

Thục Anh

(Theo Le monde)

Năng lượng hạt nhân - con dao hai lưỡi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO