Nắng nóng, bệnh nhi nhập viện tăng đột biến
(Baonghean.vn) - Nắng nóng trên diện rộng những ngày qua khiến tình trạng trẻ em trên địa bàn tỉnh nhập viện tăng đột biến. Chỉ trong 2 ngày nắng nóng, đã có gần 2 ngàn trẻ em tới khám bệnh tại Bệnh viện Sản- Nhi Nghệ An, trong đó gần 1 ngàn trẻ phải nhập viện điều trị.
Mới sáng sớm, mặt trời đã chói chang, bỏng rẫy. Mặc dù chưa đến giờ làm việc nhưng quanh khu vực sân, hành lang và phòng chờ của BV Sản - Nhi Nghệ An, người đã đổ về đông nườm nượp. Các ông bố, bà mẹ tay bồng tay bế, người nào người nấy mồ hôi nhễ nhại, chen chúc đi lại tất bật. Nắng nóng, đông người, cộng thêm mất điện làm cho không khí ở bệnh viện dường như đặc quánh, oi bức và ngột ngạt hơn. Tại khoa Truyền nhiễm mấy hôm nay, số bệnh nhi vào điều trị đã tăng hơn 100 ca. Gặp chúng tôi, trong lúc đang chăm sóc cho con là cháu Doãn Trần Tuấn Dũng mới 9 tháng tuổi, chị Trần Thị Chiên ở xã Nghi Thái- Nghi Lộc, tỏ ra lo lắng: “Mấy hôm nay trời nắng nóng quá, con tôi bị sốt rất cao, phải nhập viện điều trị hôm qua, cháu sốt hơn 40 độ, bác sỹ cho uống hạ sốt, đỡ hơn 1 tý giờ lại sốt lại rồi. Các bác sỹ chẩn đoán là cháu bị sốt virut.”
Theo thống kê của phòng Tổng hợp BV Nhi Nghệ An, bình quân mỗi ngày có từ 500-800 bệnh nhi đến khám bệnh. Thế nhưng, mấy ngày nắng nóng cao điểm, lượng bệnh nhân đến khám tăng đột biến. Chỉ tính trong 2 ngày qua, đã có gần 2 ngàn trẻ em tới khám bệnh, trong đó số bệnh nhi phải nhập viện điều trị hơn 960 trẻ. Đông nhất vẫn là các khoa Hô hấp, Tiêu chảy, Truyền nhiễm… nhiều khoa đang ở trong tình trạng quá tải, bệnh nhi phải nằm ghép giường đôi, thậm chí 3 trẻ/giường. Trẻ nhập viện chủ yếu do mắc một số bệnh thường gặp vào dịp nắng nóng như: đường tiêu hóa, hô hấp, sốt vi rút, tay-chân-miệng….
Lý giải nguyên nhân trẻ dễ nhiễm các bệnh mùa hè, bác sỹ Nguyễn Văn Sơn, trưởng khoa Truyền nhiễm BV sản nhi Nghệ An cho biết, nguyên nhân nhiễm bệnh là do sức đề kháng của trẻ em yếu, thời tiết nắng nóng trẻ khó thích nghi kịp nên dễ bị nóng, sốt cao; chất lượng thực phẩm, thức ăn, đồ uống không đảm bảo an toàn vệ sinh là những nguyên nhân dẫn đến bệnh tiêu chảy.
Hàng trăm người đưa con nhỏ đi khám tại Khoa chẩn đoán hình ảnh bệnh viện Sản – Nhi phải ngồi chờ vì mất điện.
Khổ như đi bệnh viện, câu nói cửa miệng, qủa thật đúng với tình cảnh của những bệnh nhân phải đi khám chữa bệnh trong đợt nắng nóng này. Ở đâu, trong bệnh viện chúng tôi cũng bắt gặp cảnh đông đúc, chật chội quá tải, từ khoa Khám bệnh, cho đến Chẩn đoán hình ảnh, người xếp hàng ngồi chờ từng dãy dài.
Trao đổi với chúng tôi, bác sỹ Hoàng Văn Công- Trưởng phòng Hành chính bức xúc nói, mấy ngày nay nắng nóng cao điểm, bệnh nhân nhập viện khám và điều trị tăng đột biến nhưng tình trạng mất điện lại xảy ra liên tục. Điển hình như ngày hôm qua, 15/5 bệnh viện mất điện tới 10 lần. Việc mất điện đã làm tê liệt toàn bộ hệ thống phòng khám, máy móc ngừng hoạt động, môi trường làm việc ngột ngạt, nóng bức.
Chăm sóc trẻ tại khoa Hồi sức cấp cứu BV Sản – Nhi.
Nghiêm trọng hơn, tình trạng mất điện đột ngột, liên tục trong khi các bệnh nhân cấp cứu đang phải thở máy, rất dễ dẫn tới tử vong. Các bác sỹ, y tá phải thay nhau bơm bóng hỗ trợ đường thở cho bệnh nhân. Nhiều bệnh nhi được chỉ định chụp Xquang, siêu âm, điện tim phải nhịn ăn từ 3-4 tiếng đồng, mất điện không chụp chiếu được, đành phải chờ đến chiều, các cháu phải nhịn đói cả ngày, rất đáng thương. Bệnh nhân nhập viện tăng đột biến, không chỉ bệnh nhân chịu khổ mà các bác sỹ cũng thở không ra hơi mới có thể khám hết lượt bệnh nhân đã đăng ký.
Bác sỹ Nguyễn Sỹ Trường- Phó khoa Chẩn đoán hình ảnh cho biết thêm:Có những trường hợp chúng tôi phải siêu âm tim cho các cháu nhỏ, mà siêu âm tim thì phải tiêm thuốc an thần cho các cháu nằm im, như sáng nay có mấy trường hợp đã tiêm an thần rồi, đùng cái mất điện không làm được cho các cháu, mà máy móc ở đây thì công suất lớn không thể chạy máy nổ công suất bình thường được..
Nói về nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất điện liên tục xảy ra trong mấy ngày nắng nóng, bác sỹ Hoàng Văn Công- Trưởng phòng Hành chính cho biết do quá tải, automat tự ngắt điện. Quá tải bệnh nhân, dẫn tới quá tải máy móc làm việc, riêng hệ thống điều hòa hơn 110 chiếc đã ngốn bao nhiêu là điện năng, chưa kể các máy chụp, máy chiếu… Trong khi Trạm điện của bệnh viện công suất chỉ có 250KW thì toàn bộ công suất của bệnh viện đã lên tới 420KW. Bác sỹ Công trao đổi:Lượng bệnh nhân tới khám rất đông, tiêu thụ điện quá lớn nên điện quá tải liên tục, mặc dù chúng tôi đã có hệ thống đóng tự động của máy nổ nhưng vẫn quá tải. Trạm điện do chi nhánh điện Vinh quản lý, khi nhảy automat như vậy phải gọi thợ của chi nhánh để đóng automat, nhưng có khi họ vừa về điện đã bị ngắt.
Hiến Chương –Từ Thành