Nắng nóng gay gắt - Nông dân đối mặt với khó khăn
(Baonghean) - Nắng nóng kéo dài, làm cho cây trồng, vật nuôi nhiều địa phương trong tỉnh bị thiệt hại nặng nề. Theo dự báo năm nay sẽ có nhiều đợt nắng nóng kéo dài, các địa phương cần chủ động các biện pháp ứng phó. Trong cơ cấu vụ hè thu cần tính toán lượng nước dự trữ trong các hồ, đập để cơ cấu mùa vụ cho phù hợp. Chuyển số diện tích có nguy cơ hạn cao sang trồng các loại cây chịu được hạn, tăng cường các biện pháp tiết kiệm nước…
Diễn Châu: Dưa héo, cá chết vì hạn
Có mặt tại cánh đồng dưa hấu xóm 5 xã Diễn Phong, Diễn Châu chúng tôi được tận mắt chứng kiến thiệt hại do hạn hán gây ra. Đó là những vạt dưa hấu héo quắt đang nằm phơi mình dưới cái nắng như thiêu như đốt. Chị Trần Thị Phương đang phủ lại ni lông cho dưa hấu cho biết: Gia đình tôi có 2 sào dưa hấu thì đã chết hết, chỉ còn 0,5 sào, trong khi chi phí bỏ ra khá tốn kém. Theo chị Phương thì nắng hạn kéo dài khiến cho mạch nước ngầm cạn kiệt, người dân đồng loạt kéo điện ra đồng, nhà nhà đều bơm trong khi hệ thống điện không đáp ứng được, nước từ máy bơm chảy ra nhỏ giọt không thể tưới được cho dưa hấu. Sát bên, ruộng dưa hấu của chị Nguyễn Thị Hoa cùng cảnh ngộ, nhiều bụi dưa bị héo phải nhổ đi nhìn ruộng dưa chỉ còn toàn cát trắng. Chị Hoa chia sẻ: Đào giếng khoan, dùng máy bơm cũng không được vì điện quá yếu, để cứu 2,5 sào dưa chỉ bằng cách đi “vét” nước ở các ao làng bỏ vào thùng phi chở bằng xe trâu ra ruộng dưa để tưới nhỏ giọt. Lượng nước tưới không đủ, trời quá nắng nóng, vạt dưa cứ chết dần chết mòn, cây sống được thì khẳng khiu không phát triển được.
Người dân Diễn Vạn (Diễn Châu) dùng tranh nứa thả xuống ao tạo bóng mát cho cá trú ẩn. |
TIN LIÊN QUAN |
---|
Không chỉ các loại cây trồng gặp khó khăn do hạn hán mà các vùng nuôi cá cũng đang quay quắt vì nắng hạn. Về xã Diễn Vạn - Diễn Châu, nơi có diện tích nuôi cá khá lớn, tại đây đã xuất hiện tình trạng cá chết do nắng nóng gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi cá. Ông Nguyễn Văn Sửu – Chủ nhiệm HTX nuôi thủy sản Vạn Thành cho biết: Gia đình tôi có trên 5.500 m2 ao nuôi, cá sắp đến kỳ xuất bán mỗi con nặng từ 1-1,2 kg do nắng nóng, gần 1 tháng qua bị chết khoảng trên 320 kg… Tại Diễn Vạn có khá nhiều hộ nuôi cá vược bị chết như hộ ông Hoàng Văn Thủy, Lưu Văn Viện, Hoàng Linh… Được biết giống cá vược khá đắt từ 12.000-15.000 đồng/con, mỗi hộ thả cá từ 800-1000 con giống, nếu thắng lợi mỗi năm lãi từ 35-40 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Sửu cho biết thêm: Diễn Vạn có gần 15 ha nuôi cá nước ngọt và nước lợ, tính đến thời điểm này toàn xã bị chết khoảng trên 2 tấn cá các loại, nguyên nhân là do nắng nóng kéo dài. Khó khăn đặt ra hiện nay là do nằm ở cuối nguồn nước nên nhiều ao hồ cạn kiệt, với ao nuôi nước lợ thì phải chờ thủy triều, nguồn nước không đảm bảo cũng góp phần làm tăng tỷ lệ cá chết trong mùa nắng nóng.
Anh Sơn: Ngô xuân hè nguy cơ mất trắng
Ông Nguyễn Đình Hồng ở xóm 1, xã Tam Sơn – Anh Sơn phàn nàn: “Gia đình tôi trồng 7 sào ngô, nhưng đến nay thời tiết khô hạn thì 4 sào ngô trồng giáp với Khe Rạn (Bồng Khê – Con Cuông) đã bị héo quắt, khả năng không thu hoạch được và nắng nóng, khô hạn tiếp tục kéo dài thì cây ngô sẽ bị chết trên diện rộng”. Xã Tam Sơn là một trong những địa phương có rất nhiều kinh nghiệm trồng ngô trên diện tích lớn và luôn có năng suất cao. Hiện xã có diện tích gần 200 ha ngô và cơ cấu trồng 3 vụ/năm. Vụ xuân năm nay xã cơ cấu trồng hơn 160 ha với các loại giống là 919, DK 6919… đây là giống cho năng suất cao, rất hợp với chất đất ở Tam Sơn.
Tuy nhiên, trong vụ xuân lại xẩy ra tình trạng hạn hán, khô hạn kéo dài. Được biết, nguồn nước tưới cho cây ngô ở Tam Sơn đều phụ thuộc vào mưa trời và từ đầu năm 2014 đến nay nơi đây chỉ có vài cơn mưa nhỏ không thấm đất, đã vậy thời tiết hiện nay rất phức tạp, nắng nóng kéo dài nên gần 50% diện tích cây ngô của Tam Sơn bị héo ảnh hưởng rất lớn đến năng suất. Năm 2013, trên 160 ha ngô xuân xã Tam Sơn đạt sản lượng là 1.120 tấn (năng suất ngô vụ xuân bình quân 7 tấn/ha). Hiện nay, trên vùng đất cát, đất vệ ở Tam Sơn cây ngô đã bị cháy héo vì khô hạn và một số diện tích ngô đất bãi cũng đang bị ảnh hưởng của khô hạn. Theo cán bộ xã Tam Sơn cho hay: Khô hạn trên diện rộng, nên rất khó cứu được ngô. Người dân muốn bơm nước từ sông lên tưới cho ngô thì khó kéo được điện và lại thiếu những máy bơm nước công suất lớn… Nếu tình trạng khô hạn tiếp tục kéo dài, ngô vụ xuân ở Tam Sơn sẽ mất mùa lớn.
Cây ngô bị khô héo do hạn hán kéo dài. Ảnh: P.V.M |
Vụ ngô xuân 2014, huyện Anh Sơn gieo trỉa 2.636 ha/2.000 ha KH (vượt 30%) và ngô được gieo trỉa 2 trà. Trà 1 gieo trước 10/3 trên diện tích 800 ha, trà 2 gieo từ ngày 10 – 20/3 trên diện tích 1.836 ha. Ngô xuân ở Anh Sơn triển khai muộn do ảnh hưởng từ vụ ngô đông trước đó. Do đó, mặc dù được huyện và bà con nông dân chú trọng đầu tư, nhưng thời gian trổ cờ, phun râu gặp nắng nóng gay gắt kéo dài, kết hợp gió Tây Nam về sớm làm cho diện tích ngô ở vùng đồi vệ, vườn nhà và đất bãi cát bị khô héo. Ông Nguyễn Công Thế - Trưởng phòng NN &PTNT huyện Anh Sơn cho biết: “Hiện nay trên địa bàn có hơn 600 ha ngô đang ở thời kỳ trổ cờ, phun râu bị thiệt hại nặng nề. Cây bị héo do khô hạn không thụ được phấn, tỷ lệ hạt/bắp thấp và khả năng sẽ không có thu hoạch.
Nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng kết hợp gió Tây Nam khô nóng, thì diện tích ngô còn lại trên 2.000 ha đang giai đoạn héo râu, chín sữa sẽ bị giảm năng suất từ 30 – 70%”. Để giúp người dân khắc phục khó khăn, tiếp tục sản xuất trong điều kiện khó khăn do tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, huyện Anh Sơn đã có phương án bổ cứu sản xuất cây ngô. Theo đó, trên diện tích ngô đến 30/6 vẫn chưa thu hoạch được, không có khả năng cho năng suất khá thì chủ động hợp tác bán sản phẩm cây ngô tươi từ nay đến ngày 20/6 để giải phóng đất kịp gieo trỉa ngô hè thu trước ngày 30/6 . Đối với trà ngô trổ gặp hạn trên đồng đất vệ, đất vườn nhà, đất cát bị khô héo không có khả năng phục hồi và diện tích trổ muộn (khoảng 600 ha) thì cần giải phóng nhanh đất sớm để chủ động gieo trỉa đậu xanh hoặc ngô hè thu.
Anh Sơn là địa phương có diện tích trồng ngô lớn, tuy nhiên một vấn đề bất cập hiện nay đối với loại cây trồng này, là nguồn nước tưới chủ yếu phụ thuộc vào nước trời, nên sản xuất gặp nhiều khó khăn. Để người dân Anh Sơn yên tâm đầu tư phát triển cây ngô, nhất thiết phải quy hoạch, đầu tư phù hợp nhằm phát triển hệ thống thủy lợi, có như vậy mới không xẩy ra tình trạng ngô héo, chết vì khô hạn.
Văn Trường - Hoàng Vĩnh