Nắng nóng, gia tăng bệnh nhi viêm màng não
Số bệnh nhi bị viêm màng não tăng mạnh, khiến các bệnh viện càng thêm quá tải.
Tại miền Bắc, nắng nóng gay gắt và liên tục trong những ngày qua đã khiến số lượng bệnh nhi nhập viện có chiều hướng tăng. Số trẻ nhập viện chủ yếu mắc các bệnh sốt virus, tiêu chảy, bệnh liên quan đến đường hô hấp, ngộ độc thực phẩm.
Được bố mẹ cho về quê Phú Thọ chơi trong dịp nghỉ hè, cháu Phạm Quốc Anh ở phố Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân, Hà Nội bỗng dưng bị sốt, đau đầu, nôn liên tục và có biểu hiện cứng gáy. Thấy vậy gia đình cho cháu trở lại Hà Nội và khám tại Bệnh viện Bạch Mai. Kết quả xét nghiệm dịch não tuỷ cho thấy cháu bị nhiễm virus gây viêm màng não. Nếu không được điều trị kịp thời có thể sẽ dẫn đến sốt cao, li bì, hôn mê, co giật, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, thậm chí dẫn đến tử vong.
Anh Phạm Quốc Hương, bố cháu Phạm Quốc Anh cho biết: “Tôi định cho cháu ở lại quê chơi tiếp nhưng thấy cháu sốt nhẹ nên cho về. Đi trên ô tô cháu bị nôn, bình thường cháu không bao giờ bị nôn đi khi xe, về đến nhà thì lại kêu đau đầu, ăn xong lại nôn tiếp. Nghĩ có thể cháu bị ngã nên tôi cho cháu vào bệnh viện khám, nhờ bác sĩ chụp cắt lớp thì không vấn đề gì, sau đó phát hiện cháu bị viêm màng não”.
Theo bác sỹ Nguyễn Thành Nam, Quyền trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày khoa tiếp nhận gần chục bệnh nhân được chẩn đoán mắc viêm màng não, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm ngoái, đa số là viêm màng não do virus nhưng cũng có trường hợp viêm màng não do biến chứng từ bệnh quai bị, thủy đậu, tay chân miệng.
Một trong những bệnh nhi bị viêm não do virus |
Còn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị viêm màng não trong những ngày nắng nóng, gồm cả bệnh nhi lẫn người lớn. Giáo sư Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, chủ yếu bệnh nhân bị viêm màng não do virus, chưa phát hiện trường hợp nào bị viêm não mô cầu, trong khi tại TP HCM ghi nhận một trường hợp tử vong vì bệnh này:
“Nói đến viêm não, viêm não thì có nhiều nguyên nhân gây nên. Nếu do vi sinh vật thì gồm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng gây nên. Vi khuẩn có thể gây nên viêm não, màng não và nếu trong trường hợp viêm não mủ còn dẫn đến áp xe não. Vi khuẩn thì có vi khuẩn gram âm và dương, trong đó nguy hiểm nhất là não mô cầu thuộc vi khuẩn gram âm, vừa gây viêm, vừa gây xuất huyết. Còn nguyên nhân do virus thì rất nhiều loại, có loại tấn công trực tiếp và tế bào nơ-ron thần kinh như viêm não Nhật Bản B, viêm não do virus éc-pét, viêm não do bệnh dại”- Giáo sư Nguyễn Văn Kính nói.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, chỉ trong khoảng 1 tuần qua đã có hàng chục nghìn bệnh nhi tới khám và mỗi ngày có hàng trăm bệnh nhi phải nhập viện hoặc điều trị ngoại trú với nhiều chứng bệnh khác nhau như: sốt virus, tiêu chảy, bệnh liên quan đến đường hô hấp, ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là bệnh nhi bị viêm não và viêm màng não tăng mạnh khiến bệnh viện quá tải, các y, bác sỹ làm việc hết công suất và người nhà bệnh nhi phải tìm mọi cách đối phó với thời tiết nắng nóng.
Theo lãnh đạo bệnh viện, mặc dù hiện nay số bệnh nhi chỉ dừng ở mức tăng nhẹ nhưng theo quy luật, những ngày tới sẽ còn tăng cao do những ca bệnh nặng từ tuyến dưới chuyển lên hoặc bệnh nhân trở nặng khi tự điều trị tại nhà.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận bệnh nhân viêm não tử vong do tuyến dưới không chẩn đoán đươc, chỉ điều trị viêm phế quản khi thấy bệnh nhi bị ho, sốt. Đến khi gia đình chuyển bệnh nhi này lên tuyến trên thì bệnh đã nặng và không qua khỏi.
Tiến sỹ Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện đang là thời điểm dịch bệnh viêm não, viêm màng não phát triển mạnh: “Mùa này là mùa phát triển của muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản và cũng là mùa gia tăng bệnh này. Bệnh này rất nguy hiểm, gây nên hội chứng não cấp và tỷ lệ tử vong cao. Bệnh viêm não Nhật Bản B thì đã có vaccine phòng bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng nên phải đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch.
Bệnh viêm não Nhật Bản do muỗi truyền, mà vật chủ truyền bệnh là lợn. Do vậy, không nên để chuồng lợn sát nhà và không nên cho trẻ chơi gần chuồng gia súc để phòng muỗi đốt truyền mầm bệnh”.
Nắng nóng là nguyên nhân gây ra say nắng và nhiều loại bệnh, nhất là với trẻ nhỏ. Các bậc phụ huynh nên cho trẻ ở trong nhà thoáng khí, tránh để cho các cháu ở ngoài nắng quá lâu và không nên để trẻ tắm biển, tắm ở bể bơi vào thời điểm từ 10 - 16 giờ. Bên cạnh đó, không nên để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để quạt thổi trực tiếp vào người trẻ.
Cả trẻ em và người lớn cần được ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, tăng cường ăn hoa quả để bổ sung vitamin, tăng sức đề kháng của cơ thể. Tăng cường vệ sinh cá nhân và thường xuyên rửa tay xà phòng./.
Theo VOV
TIN LIÊN QUAN |
---|