Nắng nóng, trẻ nhập viện tăng cao

07/05/2015 08:26

(Baonghean) - Nắng nóng những ngày qua, nhiệt độ phổ biến 35-38 độ C, khiến cuộc sống sinh hoạt của người dân bị đảo lộn và tình trạng trẻ nhập viện tăng cao. Trong hai ngày 4 - 5/5, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An tiếp nhận trên 1.000 bệnh nhân/ngày so với mức 300 - 400 bệnh nhân trong suốt 6 ngày nghỉ lễ. Trẻ nhập viện chủ yếu mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa, hô hấp.

Chờ thăm, khám tại Khoa khám bệnh Bệnh viện  Sản – Nhi Nghệ An (sáng 5/5). Ảnh: Đ.N
Chờ thăm, khám tại Khoa khám bệnh Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An (sáng 5/5). Ảnh: Đ.N

Tại Khoa Hô hấp của bệnh viện, để đáp ứng điều trị cho 96 bệnh nhân nội trú, khoa đã phải kê giường bệnh dọc hành lang nhằm hạn chế nằm đôi để tránh lây nhiễm chéo. Lượng bệnh nhân tăng nhiều nhất là ở Khoa tiêu hoá. Hiện tại khoa có 22 bệnh nhân đang điều trị, tăng gần gấp đôi so với ngày thường. Chủ yếu các trường hợp bệnh nhi mắc các bệnh về đường tiêu hoá do virus.

Bé Nguyễn Duy Anh, 10 tháng tuổi ở xã Nghi Hoa (Nghi Lộc), nhập viện với các biểu hiện sốt, nôn trớ và tiêu chảy nhiều lần trong ngày. Mẹ của bé, chị Đặng Thị Anh, cho biết, có cho bé uống thuốc nhưng không đỡ, bé có biểu hiện mệt mỏi nên gia đình cho bé nhập viện. Trường hợp trẻ bị tiêu chảy, trong thời tiết nắng nóng nên xảy ra tình trạng mệt mỏi do mất nước khá nhiều.

Theo bác sỹ Trần Văn Cương, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi, nhiệt độ môi trường cao, trẻ dễ ra mồ hôi nên cơ thể dễ mất nước, nắng nóng cũng khiến trẻ ăn uống kém hơn, dẫn đến sức đề kháng suy giảm. Mặt khác, nắng nóng tạo điều kiện thuận lợi cho các loài trung gian như ruồi, muỗi phát triển và các chủng virus, vi khuẩn sinh sôi, gây ra các loại bệnh về đường tiêu hoá và hô hấp. Sức đề kháng của trẻ yếu sẽ dễ bị nhiễm cùng lúc nhiều bệnh từ tiêu hoá và viêm mũi, họng, viêm tai… Khi trẻ mắc các bệnh về hô hấp, tiêu hoá thì biểu biện ban đầu hầu hết là trẻ sốt. Bởi vậy, lưu ý của các bác sĩ trong thời điểm thời tiết nắng, nhiệt độ cao là đề phòng trẻ sốt cao dẫn đến co giật.

Tại khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Sản - Nhi, hiện có 22/66 bệnh nhi đang được điều trị tại khoa với biểu hiện sốt cao co giật mà nguyên nhân chủ yếu là do virus đường hô hấp. Cháu Nguyễn Hữu Hưng 2 tuổi, ở phường Đông Vĩnh (TP. Vinh) nhập viện trong tình trạng sốt cao, co giật toàn thân. Đây là bệnh nhi tiền sử bị co giật, nhưng trong những ngày thời tiết nắng nóng, phụ huynh không kiểm soát được hoạt động của con, dẫn đến lặp lại tình trạng trên. Chị Nguyễn Thị Thu Hoài, mẹ của cháu Hưng, cho biết, gần một tuần nay thời tiết nắng nóng, cháu ăn uống kém hơn, lại thường xuyên chạy nhảy, ra mồ hôi nhiều nên bị mệt. Cháu bị sốt 2 ngày nay nhưng mẹ cháu thường có thói quen dùng tay nhận biết xem cháu có sốt hay không, trời nắng nóng nên chị Hoài không cảm nhận được cơn sốt của cháu, chưa kịp cho cháu uống thuốc thì cháu bị co giật.

Thăm khám bệnh nhi tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Sản - Nhi NA. Ảnh: Đ.N
Thăm khám bệnh nhi tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Sản - Nhi NA. Ảnh: Đ.N

Trường hợp khác là bé Nguyễn Linh Đan, 15 tháng tuổi, ở phường Cửa Nam (TP. Vinh), mặc dù gia đình theo dõi sức khoẻ cháu, cặp nhiệt độ và đã cho uống thuốc hạ sốt nhưng vẫn không cắt được cơn sốt và do không kịp thời đưa cháu đến cơ sở y tế nên cháu bị co giật.

Bác sĩ Nguyễn Văn Sơn, Trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Sản - Nhi khuyến cáo: Việc xử lý ban đầu đối với trẻ bị sốt là rất quan trọng, bằng cách cho uống thuốc hạ sốt đúng cách và bù nước. Ngoài ra, các bậc phụ huynh có thể thực hiện các thủ thuật hạ sốt đơn giản cho bé bằng cách lau mát, đặt trẻ nằm nơi thoáng mát, nới lỏng quần áo… Cần dùng nhiệt kế để theo dõi tình trạng của trẻ. Bởi thực tế có một số trường hợp trẻ không đáp ứng một số loại thuốc hạ sốt nên khó cắt cơn sốt. Với những trường hợp này, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị. Mặc dù thời gian gần đây tại khoa không có trường hợp biến chứng nặng do sốt cao, co giật. Tuy nhiên nguy cơ xảy ra biến chứng do sốt cao, co giật là rất lớn và để lại di chứng như trẻ bị động kinh, ảnh hưởng đến sự phát triển trí não…

Để phòng tránh có hiệu quả các loại bệnh cho trẻ vào thời điểm nắng nóng như hiện nay, lời khuyên của các bác sĩ là cần tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng và vệ sinh sạch sẽ cho trẻ. Cho trẻ uống nhiều nước ở nhiệt độ thích hợp, không nên cho trẻ uống nước quá lạnh. Mặt khác, trong những ngày nắng nóng, không nên đưa trẻ đi ra ngoài nhiều, hạn chế tiếp xúc nơi đông người để tránh nguồn lây nhiễm. Thời tiết nắng nóng trẻ thường ra mồ hôi nhiều thì nên lau kịp thời, tránh trường hợp mồ hôi thấm ngược lại gây bệnh cho trẻ. Các gia đình sử dụng các loại quạt máy, điều hoà nên sử dụng đúng cách, ở nhiệt độ thích hợp. Khi trẻ có các triệu chứng sốt, ho kéo dài, cần đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để khám, điều trị và mua thuốc theo đơn của bác sĩ; không tự ý mua thuốc bên ngoài cho trẻ uống, dễ gây ảnh hưởng tới gan, thận… và nguy hiểm tới tính mạng.

Đinh Nguyệt

Mới nhất

x
Nắng nóng, trẻ nhập viện tăng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO