Nâng sức cạnh tranh của các sản phẩm truyền thống ở Tương Dương

Khánh Ly 29/11/2021 10:19

(Baonghean.vn) -Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 06 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển Khoa học và Công nghệ, huyện Tương Dương đã thu được những kết quả quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Nhất là trong ứng dụng KH&CN, tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh cao

Nhân rộng các mô hình hiệu quả

Xác định KH&CN là động lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững, gắn với mục tiêu, định hướng phát triển KT-XH của từng địa phương, huyện Tương Dương đã chỉ đạo xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình trồng trọt đạt hiệu quả cao.

Điển hình như mô hình ứng dụng KHKT vào sản xuất rau an toàn ở bản Phòng, thị trấn Thạch Giám do Sở KHCN hỗ trợ. Sau nhiều năm triển khai vẫn phát huy hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Ban đầu dự án sản xuất rau sạch ở bản Phòng chỉ có 23 hộ tham gia, sau đó mở rộng với 45 hộ trên tổng diện tích sản xuất hơn 3,5 ha, trung bình mỗi ngày, các hộ trồng rau ở đây cung ứng khoảng 200 - 400 kg rau an toàn cho thị trường huyện Tương Dương.

Vườn rau ở bản Phòng, xã Thạch Giám được người dân trồng hoàn toàn
Sản xuất rau an toàn ở bản Phòng, thị trấn Thạch Giám. Ảnh tư liệu: Đình Tuân

Bà Lô Thị Diện - một hộ trồng rau cho hay: "Rau ở đây được chúng tôi bón bằng phân xanh, phân vi sinh, không sử dụng phân hóa học, không sử dụng thuốc BVTV, ngoài ra, người dân còn đầu tư làm nhà phủ ni lông để hạn chế các điều kiện về môi trường bất lợi và ngăn chặn sâu bệnh nên rau đảm bảo an toàn, chất lượng”. Chỉ trên diện tích khoảng 350 m2/1 hộ nhưng thu nhập sau khi trừ chi phí có thể đạt 50 triệu đồng/năm Đặc biệt, được sự hỗ trợ của Dự án JICA, bà con đã thành lập Tổ hợp tác xã sản xuất rau, quả sạch bản Phòng, xây dựng thành công thương hiệu “Cà chua múi bản Phòng”, làm cầu nối để quảng bá sản phẩm của địa phương.

Mô hình trồng cây ăn quả của hộ ông Tống Văn Chiến ở làng Bãi Sở, xã Tam Quang, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh ĐN
Mô hình trồng cây ăn quả của hộ ông Tống Văn Chiến ở làng Bãi Sở, xã Tam Quang, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh tư liệu ĐN

Còn vùng đất Bãi Sở, xã Tam Quang lại thành công với mô hình thanh long ruột đỏ. Theo lãnh đạo xã này, đến nay toàn xã có khoảng 50 hộ trồng thanh long ruột đỏ có quy mô lớn với tổng diện tích khoảng 6 héc-ta. Xã Tam Quang cũng chọn loại cây ăn quả này làm mô hình kinh tế trọng điểm để phát triển với mục tiêu không chỉ sản xuất nông nghiệp mà còn hướng tới du lịch sinh thái từ những vườn thanh long rộng lớn. Hiện nay, mỗi năm xã Tam Quang bán được hơn 120 tấn thanh long ruột đỏ, trong đó, chủ yếu từ Bãi Sở. Hiện, nhiều xã miền núi cũng đã đến xã Tam Quang học tập nhằm nhân rộng mô hình.

Thu hoạch chanh leo ở huyện Tương Dương. Ảnh: Lê Quang Dũng
Thu hoạch chanh leo ở huyện Tương Dương. Ảnh: Lê Quang Dũng

Trong giai đoạn 2016-2020, huyện Tương Dương đã xây dựng được 10 mô hình trồng trọt đạt hiệu quả cao. Huyện đã chỉ đạo phối hợp với Hợp tác xã Thương Mại và Nông nghiệp Tây Nghệ xây dựng thành công 2 khu nhà màng chuyên trồng dưa lưới công nghệ cao do Công ty TNHH giải pháp nông nghiệp ATESO tư vấn và thiết kế; nhân rộng trên 69 ha chanh leo. Hình thành sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung mang tính hàng hóa đem lại hiệu quả kinh tế cao như: chanh leo, gừng, nghệ đỏ sắn nguyên liệu, ngô sinh khối.

Triển khai Ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun, tưới tiết kiệm nước cho cây ăn quả tại các xã có diện tích trồng cây ăn quả tập trung như các xã Tam Quang, Xá Lượng, thị trấn Thạch Giám, Nhôn Mai. Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 2083/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt thuyết minh Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ xây dựng mô hình phục hồi và phát triển giống xoài bản địa Tương Dương”. Sau gần 2 năm triển khai, đến nay diện tích xoài trên địa bàn hiện có khoảng 24,2 ha, tương đương 4.852 cây xoài.

Mô hình chăn nuôi đại gia súc của hộ anh Vi Văn Hải ở bản Chắn, thị trấn Thạch Giám. Ảnh Đ.C
Mô hình chăn nuôi đại gia súc của hộ anh Vi Văn Hải ở bản Chắn, thị trấn Thạch Giám. Ảnh tư liệu Đ.C

Việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất và ứng dụng KH&CN trong biện pháp canh tác cũng được đẩy mạnh. Hiện tổng lượng máy nông nghiệp đã được cung ứng trên địa bàn huyện là 383 máy các loại, trong đó, có 256 máy cày nhỏ phục vụ quy mô hộ gia đình, 122 máy cày lớn có công suất từ 30 CV trở lên và có 5 máy gặt đập liên hoàn, 1 máy cấy. Đặc biệt, trong quá trình sản xuất lúa đã ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa trong các khâu làm đất, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, từng bước du nhập, khảo nghiệm một số giống lúa mới cho năng suất cao, chống chịu bệnh tốt như NA2, NA6, SL9, J02.

Đây được xem là nền tảng cơ bản để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa trong thời gian tới. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo từng bước đưa các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng tốt vào sản xuất như: Giống lúa Japonica; NA2; NA6; SL9, nếp 97, nếp 87, Sumo; giống ngô CP888, CP511; CP111; giống lạc L14, L26 và các giống vật nuôi, như: Giống bò đực Zebu, bò laisind, bò Thái Lan, giống lợn ngoại, lai ngoại. Việc ứng dụng CNC và các tiến bộ kỹ thuật vào các khâu trong chăn nuôi góp phần quan trọng thúc đẩy ngành chăn nuôi nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Mô hình trồng cây ăn quả của một hộ dân trên địa bàn xã Xá Lượng. Ảnh Đ.C
Mô hình trồng cây ăn quả của một hộ dân trên địa bàn xã Xá Lượng. Ảnh Đ.C

Nhiều tiến bộ kỹ thuật mới, ứng dụng CNC đã được các hộ gia đình, cá nhân triển khai ứng dụng trong sản xuất, nhất là các tiến bộ về giống, thức ăn, vắc-xin, thuốc thú y phòng trị bệnh, giống lợn siêu nạc cao sản, các giống gia cầm siêu thịt, siêu trứng; có 5% hộ chăn nuôi ứng dụng công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi bằng bể bioga, đệm lót sinh học, chế phẩm vi sinh. Qua đó, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao góp phần nâng cao thu nhập, mở rộng thị trường tiêu thụ cho người dân.

Xây dựng các sản phẩm đạt chuẩn OCOP

Là một địa phương với sản phẩm chủ lực từ nông nghiệp là chủ yếu, huyện Tương Dương cũng xác định việc ứng dụng KHCN để đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng nông thôn mới bền vững gắn với phát triển du lịch cộng đồng - chính là thực hiện tốt Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).

Theo kết quả từ Hội nghị đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện năm 2021 mới được tổ chức gần đây, có 6 sản phẩm đạt 3 sao gồm: cà ngọt xã Xá Lượng, cà chua múi bản Phòng, gạo mường Chà Lạp, thanh long ruột đỏ xã Tam Quang, măng khô Tam Hợp và lạp xường được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện công nhận đạt sản phẩm 3 sao trở lên. Riêng sản phẩm rượu nếp cẩm của cơ sở SXKD sản phẩm sạch Hà Phương được nâng hạng 4 sao.

Xoài Tương Dương được thị trường ưa chuộng và đem lại thu nhập cao cho người dân. Ảnh tư liệu TĐ
Xoài Tương Dương được thị trường ưa chuộng và đem lại thu nhập cao cho người dân. Ảnh tư liệu TĐ

Trước đó, huyện Tương Dương cũng đã xây dựng được một số sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, khối lượng lớn, có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, có 2 sản phẩm đã được công nhận OCOP 3 sao là (bò giàng Tương Dương và tinh bột nghệ đỏ), chứng nhận quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ cho 1 sản phẩm (bò giàng Tương Dương), từng bước xây dựng thành chuỗi giá trị sản phẩm.

Rượu nếp cẩm - thức uống không thể thiếu trong ngày Tết của người dân vùng cao. Ảnh tư liệu Đào Thọ
Rượu nếp cẩm - thức uống không thể thiếu trong ngày Tết của người dân vùng cao. Ảnh tư liệu Đào Thọ

Công tác phát triển tài sản trí tuệ và bảo tồn, phát triển quỹ gen cũng được quan tâm, chú trọng. Huyện đã chỉ đạo hướng dẫn cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể đăng ký tem nhãn cho các sản phẩm đặc sản địa phương như mật ong, tinh bột nghệ đỏ, bò giàng Tương Dương, kẹo cà, nấm, lạp xường, hoa quả và các sản phẩm OCOP khác...

Trong đó, nhãn hiệu tập thể “bò giàng Tương Dương” đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận từ ngày 15/5/2018 và đang thịnh hành trên thị trường cả nước. Hàng năm, bên cạnh việc phối hợp với Sở KH&CN tổ chức tập huấn công tác sở hữu trí tuệ cho các cơ sở sản xuất trên địa bàn, huyện Tương Dương cũng chỉ đạo khảo sát, đề xuất các giống cây, con đặc sản địa phương gửi về Sở KH&CN đưa vào danh mục bảo tồn quỹ gen giai đoạn 2020 - 2025 như một số cây dược liệu tại Mai Sơn, Nhôn Mai (sâm cau, ba kích, xuyên đá...).

Thương hiệu Cà Chua múi bản Phòng  đạt tiêu chuẩn
Cà Chua múi bản Phòng đạt tiêu chuẩn 3 sao. Ảnh: Đình Tuân

Tuy đã có những chuyển biến tích cực, nhưng sự đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ ở huyện Tương Dương vẫn còn thấp (chủ yếu là vốn ngân sách Nhà nước), chưa đủ lực để tạo nên những đột phá trong nghiên cứu và triển khai ứng dụng; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của một số sản phẩm chưa cao. Triển khai thực hiện một số chương trình, đề án còn chậm; nông nghiệp sản xuất hàng hóa phát triển chưa mạnh, mô hình kinh tế có hiệu quả còn ít...

Từ thực tế đó, lãnh đạo huyện Tương Dương cho rằng: Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phải xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế -xã hội của địa phương. Kết quả của hoạt động khoa học và công nghệ phải có tác động mạnh mẽ vào sản xuất và đời sống; sản phẩm khoa học công nghệ phải được thị trường hóa để đảm bảo vừa hiệu quả kinh tế vừa hiệu quả về xã hội và môi trường.

Lãnh đạo huyện tương dương thăm mô hình sản xuất chanh leo của người dân Huồi cọ, xã Nhôn Mai. Ảnh tư liệu ĐT
Lãnh đạo huyện Tương Dương thăm mô hình sản xuất chanh leo của người dân Huồi cọ, xã Nhôn Mai. Ảnh tư liệu ĐT

Vì vậy, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên địa bàn huyện phải hướng tới việc ưu tiên đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ KH&CN, nhân rộng các mô hình có hiệu quả và nghiên cứu ứng dụng KH&CN tiến tiến trong việc nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm truyền thống vốn có của địa phương để trở thành các sản phẩm hàng hóa, có sức cạnh tranh trên thị trường.

Mới nhất
x
Nâng sức cạnh tranh của các sản phẩm truyền thống ở Tương Dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO