Nâng trách nhiệm phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

(Baonghean) - Mùa mưa lũ cũng là thời điểm  nhạy cảm với tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM), dịch cúm gia cầm đã xuất hiện, nguy cơ phát tán, lây lan dịch trên diện rộng có thể xẩy ra. Công tác quản lý, giám sát và phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi trở nên cấp thiết...

Sau ảnh hưởng của bão số 10 và số 11, chị Hồ Thị Cúc - xóm 1 Hưng Tân (Hưng Nguyên) đang tích cực vệ sinh chuồng trại, bón vôi khử trùng, tiếp tục chăm sóc con trâu đang điều trị bệnh LMLM. Chị cho biết “ Sau bão số 10 khoảng 10 ngày, tôi phát hiện con trâu và con nghé nhà mình đi nhắc, ăn kém, móng có dấu hiệu bị long, có nước chảy sùi nên đã báo xóm trưởng. Sau khi kiểm tra phát hiện bệnh  đang ở mức nhẹ, cán bộ thú y xã đã hỗ trợ gia đình cách điều trị thủ công như chà chanh, rửa nước ấm, bôi mỡ cho trâu kịp thời. Đến nay đã gần 1 tháng, trâu đang hồi phục". Xóm 1 Hưng Tân - là vùng thấp trũng nhất xã, mưa lớn, nước dồn về, khả năng tiêu thoát nước chậm, cả xóm như một lòng chảo nước. Do ngập cục bộ trong thời gian khá lâu nên rác thải từ sinh hoạt, chăn nuôi, cây thối, nhất là xác động vật chết trôi về gây ô nhiễm nặng môi trường chăn nuôi.

Ông Võ Ngọc Thảo- Xóm trưởng xóm 1, cho biết: Sau ảnh hưởng bão số 10 và mưa lũ, cả xóm có 8 con trâu, bò, bê, nghé bị LMLM. Ngoài ra, trên 250/2.500 con gà vịt bị rù, bỏ ăn. Một số gà, vịt bị chết. Sau khi báo cáo lên xã và Trạm thú y huyện, xóm được cấp 6 lọ thuốc Benkocid phun tiêu độc khử trùng tất cả các chuồng nuôi. Xóm đã vận động bà con bỏ tiền mua thuốc phòng trị dịch cúm gia cầm, mua 3 tạ vôi bột để khử trùng khu vực chuồng và các trục đường chính trong xã. Đặc biệt, yêu cầu bà con quản lý 100% đàn trâu, bò trong chuồng nuôi. Tuy nhiên, nguy cơ lây lan, phát tán dịch bệnh trong mùa mưa bão  rất khó lường.    

Vệ sinh chuồng trại chăn nuôi sau mưa lũ ở Hưng Tân (Hưng Nguyên).
Vệ sinh chuồng trại chăn nuôi sau mưa lũ ở Hưng Tân (Hưng Nguyên).
Xã Nam Cường (Nam Đàn) hiện có 1.200 con trâu bò vỗ béo, trên 13 ngàn con gà vịt. Sau ảnh hưởng bão số 10 và các trận mưa lớn vừa qua, 4/11 xóm của xã bị ngập nặng, chia cắt bên kia sông Lam. Do nước lũ dâng, 20 ha ngô trải dày ven sông và 5 ha cỏ trồng làm thức ăn cho trâu, bò bị  hư hại. Sau mưa lũ, trên địa bàn xã xuất hiện một số con bò bị LMLM. Tuy nhiên, qua trao đổi với ông Đặng Công Huấn- Trưởng ban Thú y xã Nam Cường, được biết: Do hệ thống chuồng trại chăn nuôi chưa có cống tiêu thoát. Hố thải không đảm bảo nên đa phần rác thải từ chăn nuôi xối xả ra đường. Đặc biệt, khó khăn nhất trong thời điểm này cũng là dịp các hộ chăn nuôi chuẩn bị nguồn thực phẩm cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán. Năm nay, bà con xuất bán bò thịt ra thị trường nhiều hơn các năm trước. Lượng trâu bò vận chuyển bằng ô tô diễn ra hàng ngày không có cơ quan nào quản lý nên khó kiểm soát dịch bệnh.
Ông Hồ Nghĩa Bính - Trưởng Trạm Thú y huyện Quỳnh Lưu cho biết: Đợt mưa bão số 10, cả huyện Quỳnh Lưu và Thị xã Hoàng Mai có trên 2 ngàn con lợn, trâu bò bị chết, trên 150 ngàn con gia cầm bị nước cuốn trôi. Tổ xử lý môi trường thú y 2 địa bàn Quỳnh Lưu và Hoàng Mai đã tổ chức gom xác động vật, gia cầm chết, tổ chức hướng dẫn bà con chôn, tiêu hủy. Riêng 6 phường, xã vùng chăn nuôi bị nặng gồm Quỳnh Vinh, Quỳnh Thiện, Quỳnh Trang, Quỳnh Xuân, Quỳnh Dị, Mai Hùng đã tổ chức phun 700 lít tiêu độc khử trùng. Song, ảnh hưởng hoàn lưu bão số 10 chưa qua, đợt mưa kéo theo lũ mới làm môi trường ô nhiễm nặng. Thức ăn cho gia súc, gia cầm khan hiếm, phân, rác, các loại mầm bệnh phát tán trên diện rộng. Thời gian tới, nguy cơ xảy ra các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm, bệnh trên tôm nuôi là rất lớn.
Sau các đợt mưa lớn vừa qua, hàng trăm ngàn hộ chăn nuôi, chuồng trại, bãi chăn thả trên địa bàn tỉnh bị ngập. Đặc biệt, các xã bị ngập nặng hoặc bị cô lập hoàn toàn như 10 xã của Thị xã Hoàng Mai, một số xã bên kia sông của huyện Nam Đàn, vùng thấp trũng ven đê, ven biển, ven sông các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc. 
Ông Đặng Văn Minh -  Phó Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Nhìn chung, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi sau các đợt mưa lũ đang ở mức ổn định, chưa có nhiều biến động. Tuy nhiên, đối với các cơ sở chăn nuôi không đáp ứng yêu cầu về hạ tầng, không tuân thủ các quy trình cơ bản trong phòng chống dịch bệnh, đặc biệt quản lý tổng đàn không tốt thì đây là thời điểm đặt ra nhiều thách thức. Để đảm bảo tốt công tác quản lý dịch bệnh trên đàn vật nuôi, Chi cục đã ban hành Công văn số 604/TY-DT về việc “Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi và thủy sản 3 tháng cuối năm 2013”. Theo đó, yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát dịch bệnh LMLM, tai xanh, cúm gia cầm..., phát hiện ổ dịch nhanh, khống chế và xử lý trong diện hẹp.
Tham mưu UBND các huyện chỉ đạo, đôn đốc để nâng cao tỷ lệ tiêm phòng, tổ chức tiêm triệt để 100% đàn gia súc, gia cầm trong diện tiêm, nhất là các ổ dịch cũ, vùng nguy cơ cao, vùng thấp trũng ngập, lụt. Các địa phương lưu ý việc tiêm bổ sung cho gia súc, gia cầm nuôi mới, nhập đàn, tái đàn. Tổ chức triển khai đợt khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi sau lũ lụt, đợt 3 năm 2013 theo Quyết định số 1284/QĐ- SNN của Sở nông nghiệp. Đối với các đơn vị bị ngập lụt nặng gồm Thị xã Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, TX Thái Hòa cần thực hiện sớm. Quyết định thành lập tổ xử lý môi trường sau lũ tại Quỳnh Lưu và Thị xã Hoàng Mai. Đến nay, Chi cục Thú y tỉnh phối hợp với các ban ngành chức năng và cơ sở tổ chức cấp hóa chất phun tiêu độc khử trùng cho các vùng bị ngập nặng, bao gồm 1.800 lít cho vùng TX.Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, 400 lít cho Nghĩa Đàn, 200 lít cho T.X Thái Hòa (theo kế hoạch 1284/QĐ - SNN-CN). 
Tuy nhiên, khó khăn đặt ra hiện nay là công tác quản lý dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại nhiều địa phương còn hạn chế. Thực tế cho thấy, những địa phương xuất hiện bệnh LMLM, cúm gia cầm sau mưa lũ đa phần đều trên các ổ dịch cũ, vùng nguy cơ cao. Ông Nghiêm Xuân Bảo- Trưởng Trạm Thú y Hưng Nguyên cho biết: Đa số trâu bò bị LMLM hoặc cúm gia cầm xuất hiện tại một số xã sau mưa lũ đều chưa được tiêm phòng vác xin chu đáo. Vụ thu 2013, toàn huyện chỉ tiêm được 8.600/14.000 liều tụ huyết trùng trâu bò, 5.700/10.700 liều tụ huyết trùng, dịch tả lợn, 5.500 liều vác xin cúm gia cầm, 820/ 10.000 liều LMLM. Nguyên nhân do ý thức người dân và chính quyền địa phương thiếu hợp tác, kể cả những hộ đã nộp tiền quỹ tiêm phòng theo phương án. Đặc biệt, năm nay, trong điều kiện Nhà nước không trợ cấp vác xin, việc người dân tự bỏ kinh phí 700 đồng/liều vác xin cúm gia cầm, 15.500 đồng/liều vác xin LMLM để tiêm phòng cho vật nuôi không phải là điều dễ dàng.
Bên cạnh đó, do các đợt mưa lũ kéo dài liên tiếp nên việc triển khai thực hiện công tác phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại nhiều địa phương gặp khó khăn. Tại Quỳnh Lưu, TX.Hoàng Mai, do thời tiết không thuận lợi nên mới triển khai phun phòng được 700/1.800 lít hóa chất cần phun. Tại xã Nam Cường (Nam Đàn) và nhiều địa phương bị ngập lụt, việc xử lý chuồng trại, chất thải sau mưa lũ bằng hóa chất tiêu độc khử trùng chưa được triển khai tới hộ chăn nuôi. 
Bài, ảnh: Lương Mai

tin mới

Nghệ An trồng thử nghiệm giống sắn mới kháng bệnh khảm lá

Nghệ An trồng thử nghiệm giống sắn mới kháng bệnh khảm lá

(Baonghean.vn) - Trong những năm gần đây, bệnh khảm lá sắn bùng phát và lan ra diện rộng khiến năng suất, chất lượng sắn giảm sút, người dân thất thu và nhà máy thì “đói nguyên liệu”. Hiện giải pháp tìm giống sắn mới kháng bệnh thay thế đang được triển khai ở các địa phương trong tỉnh.

Khoai mài, chuối sáp miền Nam 'bén duyên' trên đất Anh Sơn

Khoai mài, chuối sáp miền Nam 'bén duyên' trên đất Anh Sơn

(Baonghean.vn) - Từ sự năng động của lãnh đạo UBND, Hội Phụ nữ xã Thành Sơn (Anh Sơn) xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng, đưa giống cây củ mài và chuối sáp từ miền Nam về trồng tại xã Thành Sơn. Qua 1 năm thử nghiệm, mô hình mang lại thu nhập cao, người dân phấn khởi tiếp tục sản xuất.

Các mẫu xe đời mới hầu hết sử dụng nhiên liệu diesel đạt tiêu chuẩn Euro 5. Ảnh: Văn Trường

Người dùng ô tô ở Nghệ An vất vả tìm dầu diesel đạt chuẩn khí thải Euro 5

(Baonghean.vn) -Theo quy định của Chính phủ, từ ngày 1/1/2022, các mẫu xe ô tô mới bán ra tại thị trường Việt Nam đều phải đạt chuẩn khí thải Euro 5. Tuy nhiên tại địa bàn Nghệ An, số lượng cửa hàng bán xăng, dầu đạt chuẩn Euro 5 hiện vẫn còn rất hạn chế, khiến người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn.

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

(Baonghean.vn) - Theo tính toán dựa trên dự báo thời tiết và nguồn nước hiện tại, vụ hè thu - mùa 2024, Nghệ An có trên 4.200 ha lúa có nguy cơ hạn hán, thiếu nước tưới. Chủ động giải pháp chống hạn là nội dung ngành Nông nghiệp và các địa phương cần tập trung thực hiện ngay từ đầu vụ sản xuất.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

(Baonghean.vn) - Ngành Nông nghiệp và PTNT đã nỗ lực thu hút các nguồn vốn đầu tư vào hệ thống thuỷ lợi, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.