Nắng vàng Mường Qụa

29/05/2012 09:28

(Baonghean) - Tôi không thể nhớ nổi mình đã bao lần đặt chân đến vùng đất Mường Qụa (xã Môn Sơn và Lục Dạ, Con Cuông), một miền quê trù phú, phong cảnh hữu tình và đậm đà bản sắc. Nhưng thật tình, tôi thích được đến vào dịp này, khi cánh đồng đã bắt đầu ngả sang màu vàng óng, khi niềm vui được mùa hiện hữu trên từng khuôn mặt của những người nông dân nơi đây.

(Baonghean) - Tôi không thể nhớ nổi mình đã bao lần đặt chân đến vùng đất Mường Qụa (xã Môn Sơn và Lục Dạ, Con Cuông), một miền quê trù phú, phong cảnh hữu tình và đậm đà bản sắc. Nhưng thật tình, tôi thích được đến vào dịp này, khi cánh đồng đã bắt đầu ngả sang màu vàng óng, khi niềm vui được mùa hiện hữu trên từng khuôn mặt của những người nông dân nơi đây.

Cũng như khắp mọi miền, nhờ mưa thuận, gió hòa nên vụ chiêm xuân này cánh đồng Mường Quạ được sai hạt, trĩu bông. Ra thăm đồng, nâng niu những hạt lúa căng mẩy dưới ánh nắng hè, ai cũng thấy sướng vui, rạo rực. Tìm đến bản Cằng thăm nghệ nhân Lương Văn Nghiệp, ông và các thành viên trong gia đình đang tất bật chuẩn bị cho mùa gặt mới.

Ông Nghiệp là người khá am hiểu về văn hóa Thái cũng như mạch nguồn lịch sử- văn hóa của quê hương. Hiện ông là Chủ nhiệm CLB Dân ca- Nhạc cụ bản Cằng (xã Môn Sơn). Mỗi khi có dịp giao lưu, biểu diễn văn hóa- văn nghệ, xã và huyện đều tìm đến ông để nhờ dàn dựng chương trình. Ông còn giữ vai trò của một nghệ nhân khi thường xuyên truyền dạy cho thế hệ sau cách sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc Thái (khèn bè, sáo, pí, xi-xlò...).




Hội thi ẩm thực về bữa cơm truyền thống của bà con dân tộc Thái.

Hỏi về lịch sử vùng đất này, ông Lương Văn Nghiệp cho hay: Khoảng 200- 300 năm trước, người Thái ở Tây Bắc bắt đầu những cuộc thiên di vào vùng rừng núi phía Tây của xứ Thanh và xứ Nghệ. Trên hành trình đi tìm vùng đất mới, một nhóm người Thái thuộc họ Vi, họ Lương và họ Lô dừng chân ở Mường Quạ. Nhận thấy nơi đây có địa hình lý tưởng, chung quanh được bao bọc bởi những dãy núi, giữa là thung lũng khá bằng phẳng và phì nhiêu, nguồn nước rất dồi dào, muông thú tụ tập đông đúc nên quyết định dừng chân khai bản, lập mường. Việc làm trước tiên của cư dân Mường Quạ là đắp đập, ngăn suối và khai hoang ruộng nước. Với sự kiên trì cùng ý chí quyết tâm, không bao lâu sau những bản làng đã được hình thành, cánh đồng Mường Quạ không ngừng được mở rộng. Ruộng lúa tốt tươi, cá tôm đầy suối, cuộc sống nơi đây luôn luôn no đủ.

Biết tin Mường Quạ là vùng đất lành, người Thái khắp mọi nơi tìm về đây sinh sống. Bản làng ngày một đông vui, vùng quê này ngày càng trở nên trù phú. Về sau, Hầu Bông, một vị tù trưởng có uy tín trong vùng huy động nhân dân tiếp tục khai hoang, mở mang đồng ruộng để cuộc sống thêm ấm no. Nói thêm về nhân vật Hầu Bông, vị tù trưởng này nổi tiếng trong phong trào Cần Vương vào cuối thế kỷ 19. Trước họa xâm lăng của giặc Pháp, Hầu Bông đã huy động dân binh và hăng hái gia nhập nghĩa quân của Lê Doãn Nhã. Khởi nghĩa bị thất bại, Hầu Bông chịu chung số phận với nhiều lãnh tụ Cần Vương. Nhưng dù sao, Hầu Bông chính là người khơi dậy truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng ở vùng đất Mường Quạ. Vì lẽ đó, trong những năm 1930- 1931, hòa chung với nhân dân toàn tỉnh và khắp cả nước, người dân nơi đây hăng hái tham gia các cuộc biểu tình chống thực dân Pháp. Trên cơ sở đó, tháng 4/1931, Chi bộ Đảng Môn Sơn được thành lập. Đây là chi bộ đầu tiên được thành lập ở các huyện vùng cao, khẳng định sự lan tỏa của phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.


Người dân Môn Sơn - Lục Dạ không giấu được niềm tự hào mỗi khi nhắc đến câu ca "Cơm Mường Quạ, cá sông Giăng". Cánh đồng Mường Quạ phì nhiêu, lại được tưới tắm bởi dòng nước mát trong của sông Giăng và khe Mọi nên hạt lúa luôn chắc mẩy, dẻo thơm. Mỗi khi bưng bát cơm, ta như cảm nhận được hương vị của mạch đất, tình người. Từ lâu, sông Giăng đã nổi tiếng khắp vùng bởi vẻ đẹp hùng vĩ và thơ mộng. Nước sông Giăng xanh ngắt màu xanh của đại ngàn. Ở đây có vô số cá tôm sinh sống, trong đó nổi bật là loài cá mát. Cá mát cư trú dọc sông Giăng, chỉ ăn các rong rêu và một số loài thủy sinh nên rất sạch, thịt cá mát vừa thơm, vừa bùi, thưởng thức một lần là nhớ mãi, lâu nay đã trở thành món ăn đặc sản trong các nhà hàng.


Mường Quạ nằm ở khu vực Vườn Quốc gia Pù Mát, một địa điểm du lịch khá nổi tiếng với thắng cảnh sông Giăng, đập Phà Lài, thác Khe Kèm... Đây chính là lợi thế và cơ hội để người dân địa phương phát triển kinh tế- xã hội. Hiện tại, Môn Sơn và Lục Dạ đang đẩy mạnh công tác bảo tồn bản sắc văn hóa (khôi phục nghề truyền thống, thành lập các CLB Dân ca - Nhạc cụ và phục hồi một số phong tục độc đáo...) để thu hút du khách và phát triển du lịch cộng đồng. Đến nay, một số bản ở Mường Quạ đã được gắn biển điểm du lịch cộng đồng. Nhiều du khách đến đây không chỉ say sưa trước cảnh non nước hữu tình, bản làng trù phú mà còn bị quyến rũ bởi câu lăm, điệu xuối, điệu xòe cùng tiếng cồng chiêng, tiếng khèn, tiếng pí ngân vang trong đêm đại ngàn hùng vỹ.


Dường như nghệ nhân Lương Văn Nghiệp còn có rất nhiều điều muốn nói về quê hương mình. Nhưng mùa gặt đã cận kề, hương lúa chín thơm lừng đang giục giã người nông dân ra đồng. Tôi đành hẹn dịp sau quay lại để được lắng nghe những câu chuyện về mạch đất, tình người Mường Quạ. Nắng vàng trải rộng trên cánh đồng vàng, sắc màu của cuộc sống ấm no và ngập tràn niềm tin, hy vọng...


Công Kiên

Mới nhất
x
Nắng vàng Mường Qụa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO