Nâng vị thế công đoàn doanh nghiệp ngoài quốc doanh

20/04/2015 11:07

(Baonghean) - Theo số liệu của LĐLĐ tỉnh, trên địa bàn tỉnh có trên 10.000 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, nhưng mới chỉ 369 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn. Thực trạng tổ chức đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của công nhân lao động trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh quá thiếu và yếu…

Công ty cổ phần Xi măng và vật liệu xây dựng Cầu Đước là doanh nghiệp có bề dày truyền thống. Tổ chức công đoàn ở đây từng được Công đoàn ngành Xây dựng đánh giá cao, vậy nhưng 3 năm trở lại đây đã hoàn toàn "tê liệt". Vừa qua, ở công ty này xẩy ra vụ việc các cổ đông nhỏ cùng công nhân lao động vây nhà máy, không cho lãnh đạo công ty bán máy móc. Ông Nguyễn Tú Huy - Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Xi măng và vật liệu xây dựng Cầu Đước thành thật cho biết: “Từ năm 2012 đến nay, công đoàn hầu như không còn hoạt động, không được HĐQT và ban giám đốc cho tham dự các cuộc họp; kể cả đại hội cổ đông hàng năm cũng không được tham gia”...

Theo ông Nguyễn Khắc An - Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Vinh, Công ty CP Xi măng và vật liệu xây dựng Cầu Đước chỉ là một ví dụ minh họa cho sự "yếu" của công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Và ở Thành phố Vinh, những ví dụ như vậy không hề hiếm, vì trong thời gian vừa qua, vì nhiều lý do khác nhau, đã có hơn 10 công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp ngoài quốc doanh phải giải tán. Đánh giá về tình hình công nhân lao động, theo báo cáo năm 2014 của LĐLĐ Thành phố Vinh, khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nên đã ảnh hưởng tới vấn đề việc làm, thu nhập của công nhân lao động.

Việc thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động ở nhiều doanh nghiệp chưa tốt; việc giao kết hợp đồng lao động thiếu cụ thể, thời hạn hợp đồng chưa đúng quy định và không phù hợp tính chất công việc. Nhiều doanh nghiệp có tính chất quy mô gia đình, chỉ đóng BHXH cho lao động quản lý; số lao động còn lại chỉ ký hợp đồng 3 tháng; tình trạng trốn đóng và nợ BHXH tại các doanh nghiệp ngày càng diễn biến phức tạp.

Công nhân Công ty May Minh Anh - Kim Liên trong giờ làm việc.
Công nhân Công ty May Minh Anh - Kim Liên trong giờ làm việc.

Ở huyện Quỳ Hợp, theo số liệu của ngành Thuế, cho đến thời điểm hiện tại có khoảng 220 doanh nghiệp còn đăng ký mã số thuế. Theo bà Đinh Thị Hải Lý - Chủ tịch LĐLĐ huyện Quỳ Hợp, trong số này có 10 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn, "nhưng chỉ có Công đoàn của Công ty CP Đá Phủ Quỳ là hoạt động tương đối hiệu quả". Bởi đặc thù các doanh nghiệp ở Quỳ Hợp chủ yếu là khai thác, chế biến khoáng sản, số lượng công nhân lao động khá lớn, công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại nên LĐLĐ huyện Quỳ Hợp mong muốn công đoàn cơ sở được phát triển và phát huy vai trò. Tuy nhiên, để vận động thành lập tổ chức công đoàn và duy trì được hoạt động là hết sức khó khăn.

Theo ông Nguyễn Tử Phương - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, vấn đề việc làm, tiền lương, thu nhập đời sống của công nhân lao động đang là một vấn đề hết sức bức thiết. Tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn nên tìm cách giảm chi phí đầu vào, nợ lương, nợ BHXH của người lao động vẫn diễn ra thường xuyên ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người lao động; tình trạng trốn đóng BHXH, BHTN tại các doanh nghiệp, nhất là tại doanh nghiệp ngoài quốc doanh diễn ra phổ biến. Trong khi đó, là đại diện và có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của công nhân lao động nhưng số lượng công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp còn rất thấp và hoạt động không mấy hiệu quả.

Toàn tỉnh có hơn 10.000 doanh nghiệp ngoài quốc doanh nhưng mới chỉ có 369 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn. Thời gian qua, LĐLĐ tỉnh đã tập trung chỉ đạo thành lập tổ chức Công đoàn tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh nhưng kết quả còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân cơ bản là bởi chủ doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về vai trò của tổ chức Công đoàn; bên cạnh đó, công nhân lao động cũng chưa ý thức được về quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của mình để từ đó thấy được sự cần thiết của tổ chức Công đoàn. Về hoạt động của công đoàn cơ sở, do hưởng lương từ doanh nghiệp, vậy nên, cán bộ công đoàn bị lệ thuộc vào ý chí của chủ doanh nghiệp, từ đó, mọi hoạt động cần thiết, từ công tác tuyên truyền chủ trương chính sách, tổ chức các hoạt động văn hóa tinh thần cho đến đại diện bảo vệ quyền lợi của người lao động đều bị xem nhẹ.

Thời gian tới, tỉnh cần có chế tài để doanh nghiệp tuân thủ các quy định, trong đó, tạo mọi điều kiện để thành lập tổ chức công đoàn. Về phần các tổ chức công đoàn, cần phải quan tâm, có những hoạt động cụ thể, thiết thực gắn với doanh nghiệp để công nhân lao động và chủ doanh nghiệp thấy được vai trò và sự cần thiết của tổ chức công đoàn. Tới đây, LĐLĐ tỉnh sẽ thử nghiệm đưa cán bộ về hoạt động chuyên trách tại một doanh nghiệp có trên 500 công nhân lao động... Bên cạnh đó, cần phải xác định rằng việc củng cố và nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn ngoài quốc doanh không chỉ là trách nhiệm của liên đoàn lao động các cấp mà còn đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành nhằm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Nhật Lân

Mới nhất
x
Nâng vị thế công đoàn doanh nghiệp ngoài quốc doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO