Nâng ý thức chấp hành của người dân

22/03/2012 18:24

(Baonghean) Mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có đề xuất đưa vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 34 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Trong đó, Bộ GTVT đã nghiên cứu và đề xuất tăng mức phạt thật cao đối với các vi phạm vốn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, nhất là vi phạm về uống rượu, bia điều khiển phương tiện, đua xe trái phép, chở quá số người quy định...

Theo đó, với người điều khiển ô tô trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu, hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/1 lít khí thở (tương đương khoảng 2 chai bia) sẽ bị phạt hành chính từ 8-10 triệu đồng, đồng thời sẽ bị áp dụng thêm hình thức xử phạt bổ sung là tạm giữ phương tiện 10 ngày và giữ giấy phép lái xe 30 ngày. Nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở (tương đương khoảng 3-4 chai bia) ngoài việc bị giữ bằng lái, giữ xe, người vi phạm còn phải chịu phạt 15-25 triệu đồng.

Trước đó, ngày 24/9/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trong đó đặc biệt đẩy mạnh các hoạt động nhằm ngăn chặn, xử phạt nghiêm khắc người điều khiển phương tiện ô tô sử dụng rượu, bia và người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy sử dụng rượu, bia quá nồng độ quy định; xử phạt mức cao nhất đối với người không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở.

Theo trung tá Nguyễn Thanh Thọ, Đội phó Đội CSGT Thành phố Vinh, chỉ tính từ cuối tháng 2/2012 đến trung tuần tháng 3/2012, trên địa bàn tỉnh đã có trên 120 trường hợp bị xử phạt vì uống bia rượu quá mức cho phép. Vì thế, việc tăng mức xử phạt người tham gia giao thông có sử dụng rượu bia là hoàn toàn hợp lý, góp phần đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Rất nhiều người dân đã rất đồng tình với đề xuất này của Bộ GTVT. Bà Phạm Thị Nga ở số 180Nguyễn Văn Cừ (TP Vinh), người đã mất con gái trong một vụ TNGT cách đây mấy năm, bức xúc: "Xử nặng, có thể nặng hơn nữa đối với những kẻ uống bia rượu mà còn điều khiển xe là mong muốn của bà con khu phố chúng tôi".


Trên chuyến xe Tiến Yến (chạy tuyến Vinh - Quế Phong, 2 chiều/ngày), khi được hỏi về vấn đề này, chủ xe Nguyễn Văn Tiến cũng đồng tình với mức xử phạt cao nhất là 25 triệu đồng/xe vi phạm: "Đằng sau tôi là hàng chục hành khách, tính mạng của họ đặt cả vào tay lái của mình. Vì thế, đã ngồi sau vô lăng thì đừng bao giờ uống rượu bia".

Cũng không riêng gì anh Tiến, hầu như những tài xế chở khách chạy cả tuyến đường QL7 lẫn QL48 đều đồng tình với mức tăng xử phạt theo như đề xuất của Bộ GTVT. Tài xế Lê Đặng Kim (xe Kim Minh-đường 7), kể: "Ngày 15/3 mới đây, lúc tôi vừa vào cua ở ngay dốc Dừa (Tường Sơn-Anh Sơn), trên xe lúc đó có chừng trên 20 khách, phía Con Cuông chạy lên là một xe ô tô 4 chỗ ngồi chạy nhanh không tưởng được, chỉ kịp liếc qua thấy người cầm lái là một thanh niên trẻ và loáng thoáng mấy người ngồi trong, người cầm lái mặt rất đỏ, ép sát xe tôi để lấn đường, làm tôi phanh cháy lốp phải trước và ôm hẳn vào taluy dương. Hành khách được một phen hú vía!".


Theo tìm hiểu của chúng tôi, về cơ bản, hầu như ai cũng đồng tình với Dự thảo của Bộ GTVT về việc tăng nặng các mức xử phạt, đặc biệt đối với từnhững người có phương tiện thường xuyên vận chuyển hàng hóa, hành khách trên các tuyến đường cố định. Còn người dân thì không phải bàn cãi, họ rất mong muốn được đi trên những chuyến xe an toàn "không rượu, bia". Điều quan trọng, là sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.


Trần Hải

Mới nhất
x
x
Nâng ý thức chấp hành của người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO