Nếp xưa Hưng Mỹ

16/10/2014 14:55

(Baonghean) - Nằm cận kề Thành phố Vinh, nhưng xã Hưng Mỹ (Hưng Nguyên) vẫn giữ được nét yên bình của một vùng quê thuần nông, chân chất mộc mạc, mà thắm thiết nghĩa tình. Nơi đây, còn lưu giữ được những nét đẹp của làng quê, vừa là nền tảng, vừa là động lực cho tiến trình phát triển đi lên của xã này...

Cây đa và mái đền Tiên Linh ở làng Mỹ Thượng  (Hưng Mỹ - Hưng Nguyên).
Cây đa và mái đền Tiên Linh ở làng Mỹ Thượng (Hưng Mỹ - Hưng Nguyên).

Mỹ Thanh có đền Ngọc Hốt

Hưng Mỹ sau mùa gặt, từng đàn vịt tung tăng lội giữa cánh đồng, từng đàn bò thong dong gặm cỏ. Những con đường làng thẳng tắp, những hàng cây trầm mặc trong cái se lạnh cuối Thu. Những mái ngói rêu phong, cổ kính nép mình dưới rặng cây, xung quanh là vườn rau tươi tốt. Tất cả gợi lên sự tĩnh lặng, thanh bình, mà vẫn ngập tràn sức sống. Phóng tầm mắt về Vinh, có thể thấy rõ những tòa nhà cao tầng đang đua nhau mọc lên. Từ đây, mất khoảng 10 phút chạy xe rẽ về phía xã Hưng Chính, rồi theo Quốc lộ 46 về xuôi; hoặc theo đường tránh Vinh, rồi rẽ về phía cầu Cửa Tiền là đến trung tâm thành phố. Nơi đây có tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua, tuyến đường tránh Vinh cũng suốt ngày tấp nập. Nhưng khi bước vào làng, không biết những âm thanh, nhịp điệu của phố phường, của tàu xe tan biến từ lúc nào, nhường chỗ cho âm thanh và nhịp điệu của một miền quê thôn dã...

Vào làng Mỹ Thanh, chúng tôi bắt gặp một ngôi đình khá khang trang vừa mới được phục dựng, người dân ở đây gọi là đền Ngọc Hốt. Thật may mắn, một cụ già đang đứng trước cổng đền, đôi mắt đăm đăm như đang nhìn vào miền tâm tưởng. Cụ là Phan Xuân Hạp, năm nay đã cận kề độ tuổi 90, nhà cách đền không xa. Cụ Hạp thuộc hàng lớn tuổi trong làng, đầu óc còn khá minh mẫn, đang nhớ khá nhiều thông tin về ngôi đền làng. “Đền Ngọc Hốt được xây dựng vào thời Hậu Lê, cách nay khoảng 6 thế kỷ. Vị thần được thờ trong đền là Trung Lang Bộ Lĩnh Đại vương (Lý Thái), một danh tướng nhà Trần, được nhân dân làng Ngọc Hốt tôn làm Thành hoàng. Trong thời kỳ chiến tranh, đền bị hư hại nặng, mới được dân làng góp tiền, quyên góp công đức để phục dựng và hoàn thành trong vài ba năm nay...”, cụ Phan Xuân Hạp cho biết.

Cũng theo lời của bậc cao niên kể trên, làng Ngọc Hốt xưa thuộc xã Đô Yên, tổng Đô Yên, phủ Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (nay là làng Mỹ Thanh, xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên), một vùng quê văn vật. Bởi nơi đây hội tụ những công trình văn hóa tâm linh như đình, đền, chùa, miếu, rồi cây đa, bến nước. Tất cả làm nên khung cảnh của một làng quê trù phú, ấm no và đậm đà bản sắc văn hóa. Trong đó, quy mô và linh thiêng nhất là đền Ngọc Hốt. Tương truyền, danh tướng Lý Thái có công lớn trong việc giúp triều đình nhà Trần đánh giặc giữ nước, bảo vệ biên cương và hy sinh tại vùng đất này. Khi nhà Trần suy vi, nhà Lê kế tục lãnh đạo đất nước, anh linh của vị tướng này vẫn tận trung với nước. Mỗi lần các vị vua và tướng nhà Lê trên đường chinh chiến qua đây, Lý Thái thường báo mộng để chỉ bảo cách đánh giặc và giành được thắng lợi. Vì thế, ông được vua Lê phong là Phổ bác đại vương triều và lệnh cho làng Ngọc Hốt lập đền thờ.

Từ đó, các thế hệ người dân làng Ngọc Hốt thay nhau hương khói và tu bổ, sửa sang ngôi đền và thực sự trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh trong các dịp lễ, tết. Hiện tại, người dân nơi đây vẫn còn lưu giữ được 7 đạo sắc của các vị vua Lê. Nội dung các sắc phong đều khẳng định công lao với nước, với dân của danh tướng Lý Thái. Đây là nội dung sắc phong do vua Lê Dụ Tông ban vào niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710) đã được dịch nghĩa: “... Núi non chung đúc khí thiêng, đất trời sinh ra tú khí, trừ tai ngăn họa khiến được an khang, ngầm giúp cho muôn dân, ban cho phúc lộc dài mãi, ngầm phù hộ vận nước vững bền, thần đã có nhiều công phù hộ, trong điển tịch sao chẳng bao phong. Vì Tự vương lên ngôi, ngự trong phủ chính phù hộ xã tắc, củng cố cơ đồ lớn lao, theo lễ ban thêm phẩm trật, xứng đáng gia phong. Nên gia phong là Trung lang Bộ lãnh ông, Phổ bác Quảng tế, Chí nhân Đôn tín, Hồng ân Vĩ lược, Tá tích Phong công, Hiển trung Chương nghĩa, Thùy hưu Hộ quốc, Bảo trị Diên khánh, Minh cảm Linh thông, Anh đoán Cương trực, Hùng uy Phấn vũ, Anh dũng Tế thế, Phù tộ Bảo dân, Anh quả Thông nghị Đại vương”.

Đền Ngọc Hốt được phục dựng với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng, phần lớn dựa trên nguồn lực xã hội hóa. Hàng tháng, vào ngày Rằm và mồng Một âm lịch, không ai bảo ai, người làng đều ra đây dọn dẹp, phong quang khuôn viên đền rồi thắp hương, dâng lễ. Vào trung tuần tháng 7 âm lịch, tại đền diễn ra lễ đại tế, dân làng và con cháu đang làm ăn, học hành ở xa tìm về dự lễ kỳ phúc, kỳ yên. Sau bao năm mong đợi, người dân làng Mỹ Thanh giờ đã có điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh và cộng đồng, để từ đó xây dựng, củng cố nếp làng và bồi đắp niềm tự hào về truyền thống quê hương cho hậu thế.

Mỹ Thượng có đền Tiên Linh

Từ làng Mỹ Thanh, chúng tôi ngược lên làng Mỹ Thượng. Con đường làng được rải nhựa sạch bong, phía xa xa thấp thoáng một cây đa cổ thụ tỏa bóng sum suê. Cây đa đứng ngay ở đầu làng, sừng sững và trầm mặc, phía trước là cánh đồng thẳng cánh cò bay. Phía sau cây đa độ mấy mươi mét, có một ngôi đền nhỏ cũng vừa mới được phục dựng theo kiểu kiến trúc cổ, mái ngói và tam quan của đình dường như vẫn còn vương vấn mùi sơn. Đang vào thời điểm trung tuần của tháng âm lịch, tức là sắp sửa đến ngày Rằm, nên mấy cụ già của làng Mỹ Thượng rủ nhau ra đền cắt cỏ trong khuôn viên và quét dọn, sắp đặt lại các gian thờ. Tiếng trống, tiếng chiêng bỗng vang lên rộn rã, rồi vang vọng khắp không gian. Mùi hương thơm nức loan tỏa, được ngọn gió đưa ra giữa cánh đồng thoáng đãng. Trước tam quan, ghi rõ 3 chữ “Đền Tiên Linh” bằng quốc ngữ. Có thể nói, cây đa và mái đền đã vẽ cho làng Mỹ Thượng một nét cổ kính, chứa đựng những giá trị văn hóa của làng xã cổ truyền, gợi lên mọt sự tôn ti, trật tự mà người xưa thường gọi là “đất lề, quê thói”.

Đang dọn dẹp phía trước cổng đền, thấy khách lạ dừng xe, cụ Hồ Thúc Hành (85 tuổi) nở một nụ cười đôn hậu thay cho lời chào. Khi biết khách muốn tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống của làng quê, cụ Hành rất vui và chia sẻ: “Làng trước đây có nhiều kiến trúc cổ lắm, do thời gian và chiến tranh tàn phá nên không giữ lại được. Ngôi đền Tiên Linh này vừa được phục dựng cách đây 4 năm. Còn cây đa kia, có từ lâu lắm rồi. Năm ngoái, có đoàn về nghiên cứu và xác định khoảng 200 năm tuổi”. Theo lời cụ Hồ Thúc Hành, từ khi tóc hãy còn để chỏm, giong trâu ra đồng cụ đã thấy cây đa đứng uy nghi, trầm mặc, không khác bây giờ là mấy. Dưới gốc cây, có bà cụ bán hàng nước và một số quà bánh, khách qua lại dừng chân nghỉ dưới bóng đa và rôm rả chuyện trò. Lớn thêm một tý, cụ và các bạn đồng niên treo lên cây đa bắt tổ chim hoặc chỉ để ngồi chơi hay nghêu ngao hát. Rồi một ngày, dân làng tập trung rất đông dưới cây đa, tay cầm khẩu hiệu rồi tiến về phía huyện lỵ.

Khi ấy, còn rất bé nên cụ Hành không biết điều gì xẩy ra, sau này được vị thân sinh bảo rằng đó là những ngày sục sôi của cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh. Đúng 15 năm sau, cảnh tượng ấy lại xuất hiện. Ngày ấy, cụ Hành đã là một thanh niên đứng trong hàng ngũ cùng dân làng đấu tranh trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Những năm bom Mỹ dội xuống làng quê, bao ngôi nhà bị đổ nát, bao khu vườn tan hoang, cây đa làng Mỹ Thượng vẫn giữ được tư thế uy nghi, thách thức sự tàn phá của bom đạn kẻ thù. Ngày nay, cây đa cổ thụ vẫn luôn là “điểm tựa” tinh thần của con dân Mỹ Thượng, đặc biệt là những người sinh sống, công tác và học tập ở nơi xa. Trước khi rời khỏi làng ra đi, họ thường dừng chân dưới gốc đa như để tiễn biệt và lặng thầm hứa hẹn. Lúc trở về, đến gốc đa lại dừng chân như để nói lời tâm tình sau những năm tháng đi xa. Cây đa đã trở thành chứng nhân lịch sử của làng quê, đã chứng kiến bao thăng trầm và biến đổi.

Về ngôi đền Tiên Linh, cụ Hồ Thúc Hành cho biết, đây là nơi thờ Cao Sơn Cao Các, vị thần đã phù hộ và che chở cho bản làng. Đền đã có từ rất lâu, khi còn bé cụ thường theo cha ra đây xem tế lễ. Người làng ra đông lắm, ai cũng mang theo lễ vật để dâng lên ban thờ để cầu lộc, cầu an. Rồi hai cuộc chiến đi qua, vừa dai dẳng vừa khốc liệt, thanh niên lần lượt lên đường nhập ngũ, phụ nữ và người già mải lo sản xuất để chi viện cho tiền tuyến, rồi bom đan dội xuống bao năm. Trong cảnh khẩn trương và bộn bề của thời chiến, dân làng không có nhiều thời gian để trùng tu nên đền ngày càng xuống cấp. Khi cuộc chiến đi qua, lại phải lo cái ăn, cái mặc và chuyện học hành nên dân làng vẫn chưa có điều kiện phục dựng đền thiêng.

Điều đó luôn trở thành nỗi day dứt của người dân Mỹ Thượng. Khoảng 10 năm về trước, chính cụ Hành đã đứng ra vận động, xây dựng hòm công đức để phục dựng đền Tiên Linh. Cụ kéo cả con cháu vào cuộc, những người sinh sống ở nơi xa cũng gửi tiền về quyên góp, thể hiện tấm lòng thảo thơm với quê hương. Đến năm Canh Dần (2010), đền được phục dựng và trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của làng Mỹ Thượng. Bà con rất vui, sau bao năm mong mỏi, đợi chờ, tấm lòng thành đã được đền đáp. Những người xa quê trở về có nơi dâng nén tâm hương, lớp trẻ có thêm dịp để biết rõ hơn nguồn cội, để mãi mãi giữ lấy “đất lề, quê thói”, giữ lấy nếp làng.

Phía ngoài thượng điện khắc 4 chữ Nho, cụ Hành dịch nghĩa cho tôi rõ là “Địa linh nhân thịnh”, còn giải thích thêm, chữ được dùng phổ biến là “Địa linh nhân kiệt”, thường dùng cho một vùng quê rộng lớn, có nhiều bậc hiền tài. Còn đền Tiên Linh là của riêng làng Mỹ Thượng, chỉ giới hạn trong một làng, nên các cụ dùng chữ “nhân thịnh” thay cho “nhân kiệt”, vừa thể hiện sự khiêm tốn, vừa nói lên ước vọng về cuộc sống làng quê ngày càng phát đạt và thịnh vượng. Ở đền còn có rất nhiều câu đối, nội dung chủ yếu là ca ngợi công đức của các bậc tiền nhân và tấm lòng tri ân của hậu thế. Trong đó, chúng tôi tâm đắc với câu: “Vạn cổ anh linh phù cứu thế/ Thiên thu hương hỏa chính tâm thành” (Tạm dịch: Muôn đời linh thiêng cứu giúp đời/ Nghìn năm hương khói chính là lòng thành).

Chúng tôi lại tiếp tục dạo bước khắp các làng quê Hưng Mỹ để cảm nhận nét thanh bình, mộc mạc của vùng đất ven đô. Nơi đây có những con người tâm huyết như cụ Phạm Xuân Hạp, cụ Hồ Thúc Hành và tinh thần trách nhiệm của người dân làng xã, chắc hẳn sẽ giữ được lâu dài những nét đẹp tổ tiên truyền lại từ bao đời!

Công Kiên

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Nếp xưa Hưng Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO