Nét đẹp “kính già, trọng lão” ở Anh Sơn

(Baonghean) - Nét đặc trưng ở huyện trung du Anh Sơn là cùng với lễ kỷ niệm của hội người cao tuổi (1/10), con cháu các gia đình còn tổ chức lễ chúc thọ ông, bà, cha, mẹ. Đây chính là nép đẹp “kính già, trọng lão” của người dân Anh Sơn…

Về xã Đỉnh Sơn, chúng tôi được gặp cụ Hà Hồng Giao ở xóm 8 – “cây đại thụ” ở xã khi năm nay cụ tròn 100 tuổi. Người bạn đời của cụ là cụ Hà Thị Nghi năm nay đã 95 tuổi. Mặc dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng cả hai cụ vẫn còn mình mẫn, tinh anh, vẫn tự phục vụ mình trong sinh hoạt hàng ngày như nấu nướng, quét dọn, chăm sóc vườn cây. Anh Hà Hồng Thủy – con trai út của cụ Giao phấn khởi: "Không gì vui hơn khi thấy bố, mẹ tuổi cao vẫn mạnh khỏe. Đó là niềm hạnh phúc không phải gia đình nào cũng có nên những năm gần đây, ngoài dịp Tết Nguyên đán, nhân ngày Quốc tế Người cao tuổi hàng năm, 10 người con trai, gái, dâu, rể cùng 16 cháu, chắt nội, ngoại trong gia đình dù bận bịu đến mấy cũng tập trung về mừng thọ bố mẹ. Đây cũng là dịp để chúng tôi nhắc nhở các thế hệ cháu con không ngừng phấn đấu, sống có trách nhiệm để các cụ luôn sống vui, sống khỏe, sống có ích”.
Còn tại xã Lĩnh Sơn, dịp này, nhà cụ Trần Lê Thành (90 tuổi) – Lê Thị Vân (86 tuổi) cũng vui như hội, bởi con cháu đều về sum vầy bên ông bà. Chị Nguyễn Thị Khánh – con dâu hai cụ cho biết: “Bố mẹ luôn là chỗ dựa tinh thần, không chỉ cho con trai, con gái mà còn cho cả những dâu, rể như chúng tôi. Mỗi năm còn được tổ chức mừng thọ cho cha mẹ là niềm hạnh phúc của những người làm con. Chính vì vậy, việc tổ chức mừng thọ nhân ngày Quốc tế Người cao tuổi ở Anh Sơn là một nét đẹp văn hóa rất đáng trân trọng. Đây cũng là cách giáo dục, răn dạy con cháu bổn phận ăn ở có trước, có sau”. 
Ông Nguyễn Viết Nhàn (thứ 2 bên trái sang) năm nay 82 tuổi vẫn đảm đương việc khối. Ảnh: Nguyên Sơn
Giao lưu cầu lông giữa Hội Người cao tuổi Thị trấn Anh Sơn và xã Lĩnh Sơn. Ảnh: Nguyên Sơn
Cụ Đặng Ích Mơi – Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Lĩnh Sơn cho biết: “Lĩnh Sơn là xã có số người cao tuổi nhiều nhất huyện với 1.150 cụ, sinh hoạt ở 14 chi hội. Những năm qua, Hội Người cao tuổi xã chú trọng hoạt động chi hội để tập hợp hội viên: thành lập các CLB thể dục dưỡng sinh; duy trì hoạt động CLB thơ Yên Lĩnh, nhằm tạo sân chơi tinh thần cho các cụ. Ngày Quốc tế Người cao tuổi thực sự là ngày hội của những người cao tuổi trên địa bàn xã Lĩnh Sơn. Tất cả các thôn đều tổ chức lễ chúc mừng cho các cụ. Đơn giản chỉ là ấm nước chè gay, mấy đĩa kẹo, bánh và các tiết mục ngâm thơ, ca hát… do chính các cụ tự biên, tự diễn.
Đặc biệt, tất cả các gia đình trên địa bàn xã đều tổ chức gặp mặt con cháu, chúc thọ ông bà, bố mẹ. Tùy điều kiện từng gia đình mà lễ mừng thọ được tổ chức với quy mô khác nhau, nhưng đặc điểm chung là con cháu xa gần đều cố gắng thu xếp công việc để về sum vầy bên ông bà, cha mẹ. Không khí sum vầy, đầm ấm đã khiến các cụ hết sức phấn khởi vì thấy rằng ở tuổi già bóng xế, mình mãi là nguồn vui, là niềm hạnh phúc của các con. Đây chính là dịp để Hội tôn vinh người cao tuổi, động viên các cụ sống vui, sống khỏe, sống có ích. Những năm qua, trên địa bàn xã đã có nhiều người cao tuổi có những đóng góp tích cực vào phong trào văn hóa – văn nghệ của xã nhà như cụ Nguyễn Thị Đương (Chi hội 5), Nguyễn Văn Hướng (Chi hội 13) hay phong trào xây dựng nông thôn mới như cụ Phan Văn Kim (Chi hội 9), Văn Thị Liên (Chi hội 13)…”. 
Huyện Anh Sơn hiện gần 12.600 hội viên tham gia sinh hoạt ở 21 cơ sở hội, 252 chi hội. Từ năm 1993, Hội đã phát động phong trào con cháu tổ chức chúc thọ ông bà nhân ngày Quốc tế Người cao tuổi và nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhiều gia đình. Khi đời sống vật chất được cải thiện, phong trào đã thực sự trở thành nếp sống đẹp của mỗi gia đình. Nhờ sự động viên của con cháu mà những người cao tuổi huyện Anh Sơn đã hưởng ứng tích cực, sôi nổi phong trào “Tuổi cao nêu gương sáng”. Đến nay toàn huyện có trên 30% hội viên tham gia sản xuất, kinh doanh, trong đó có 55 cụ là chủ trang trại; 4 cụ là chủ doanh nghiệp; 323 cụ làm kinh tế giỏi. Để nâng cao sức khỏe, giúp các cụ sống vui, sống khỏe, sống có ích, Hội đã hình thành và phát huy có hiệu quả 183 CLB thể dục dưỡng sinh, cầu lông, cờ vua, cờ tướng, thơ, văn nghệ… Năm 2012, có 90% chi hội đạt danh hiệu “Tuổi cao gương sáng”; 85% gia đình người cao tuổi đạt gia đình văn hóa. Tuổi thọ của các cụ vì vậy cũng ngày một cao. Trên địa bàn huyện có 45 cụ trên 100 tuổi, 22 cụ tròn 100 tuổi, 2.142 cụ từ 80 – 99 tuổi. 
Ông Nguyễn Hữu Chức – Nguyên Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh cho biết: “Việc tổ chức mừng thọ không chỉ thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, mừng cái phúc của gia đình, tỏ lòng hiếu đễ với ông bà, cha mẹ mà còn nhân lên nét đẹp văn hóa “kính già, trọng lão” trong cộng đồng dân cư. Mừng thọ là để động viên, khích lệ tinh thần tuổi cao để các cụ tiếp tục khỏe mạnh, sống lâu, sum vầy với con cái; con cháu được mừng thọ ông bà, cha mẹ được thêm niềm vui, niềm tự hào. Chính vì vậy, tổ chức mừng thọ vào dịp Ngày quốc tế Người cao tuổi (1/10) ở Anh Sơn là một cách làm hay, cần nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh”.
Bài, ảnh: Minh Quân

tin mới

Trần Thị Trâm.

Người mẹ được cụ Phan gọi là Quốc mẫu và chuyện chiếc khăn tay tiễn con xuất dương

(Baonghean.vn) - Một người phụ nữ nhỏ bé, được giáo dục dưới sở học và lễ nghĩa phong kiến, nhưng bằng tài hoa, khí phách và lòng yêu nước vô bờ, đã vượt qua bao gian truân để 3 lần sang Xiêm mua vũ khí cho nghĩa quân. Đó là bà Trần Thị Trâm - người được cụ Phan Bội Châu khâm phục gọi là Quốc mẫu, "Tiểu Trưng", là nữ kiệt đất Hồng Lam.
Ném pao

Bản làng người Mông nô nức vào hội ném pao

(Baonghean.vn) - Dịp đầu năm mới, khắp các bản làng người Mông ở vùng cao Nghệ An lại nô nức bước vào hội ném pao. Đây là nét đẹp trong văn hóa của cộng đồng người Mông mỗi dịp Tết đến Xuân về, đồng thời cũng là thời điểm các nam thanh nữ tú tìm hiểu nhau để nên duyên vợ chồng.
Người Mông Nghệ An

Lợn trong đời sống người Mông Nghệ An

(Baonghean.vn) - Nếu như các dân tộc khác coi việc chăn nuôi lợn là để phục vụ đời sống đồng thời mang lại nguồn thu nhập cho gia đình, thì một số người Mông ở Nghệ An cho rằng lợn chỉ được dùng để giết thịt phục vụ cho các ngày lễ, Tết.
Bà Sầm Thị Vinh (áo trắng, ngoài cùng bên trái) dạy các thành viên trong CLB các làn điệu dân ca Thái. Ảnh: Chu Thanh

Người lưu giữ làn điệu dân ca Thái

(Baonghean.vn) - Đến với bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, già trẻ, trai gái trong bản không ai không biết đến bà Sầm Thị Vinh (1950), một trong số ít người “lưu giữ” được nhiều làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Thái.