Nét mới vụ đông ở Cẩm Sơn (Anh Sơn)

24/12/2012 18:07

(Baonghean) - Ngược theo Quốc lộ 7, xe chúng tôi chạy băng qua nhiều cánh đồng dọc bãi ven sông Lam. Về Cẩm Sơn, cảnh tượng mở ra trước mắt là những vựa rau trải dài trù phú, đều được bắc dàn leo, cọc trụ bằng tre, nứa vững vàng.

Thời điểm này, 2 sào bí của hộ anh Vương Đình Quý thôn Hội Lâm trồng hơn 1 tháng, mỗi cây đã có từ 3-5 lá. Bí vừa được cắt ngọn chuẩn bị cho giai đoạn đẻ nhánh. Thông thường, cây bí sau khi được cắt bỏ ngọn sẽ ra nhiều ngọn mới nhưng chỉ giữ 3 nhánh chuẩn bị cho giai đoạn ra hoa, cho quả. Anh Quý nói khi đang cùng chiếc xe bò lốp mang nứa, mét ra phía bãi để bắc giàn leo cho bí: “Nhà tôi phân công rõ lắm, chồng đi cắm cọc, chôn choải nứa, vợ làm giàn cho cây bí leo lên, chăm sóc cây mỗi người mỗi việc được phân công cụ thể nên vào mùa là tự biết phần việc của mình”. Mỗi năm 2 vụ rau chính là rau hè thu và rau đông xuân, nhưng vụ hè thu thường hay gặp mưa bão nên rủi ro cao, có nhiều năm mất trắng. Đây cũng là lý do bà con nông dân Cẩm Sơn luôn chăm bẵm, dành ưu tiên và chú trọng đầu tư số một cho sản xuất vụ đông trên quỹ đất màu và đất vệ. Theo anh Quý, sau vụ rau hè thu sẽ tiếp tục trồng bí. Trồng bí chỉ khoảng 2,5 tháng là có thu hoạch, nếu thời tiết mưa lạnh thì có thể sau 4 tháng là có quả thu hoạch nhưng vẫn không bị ảnh hưởng về thời tiết. Sau 1,5 tháng bí bắt đầu ra hoa phải quét phấn đủ, lấy hoa đực chấm đều cho 1-3 hoa cái, hoa được quét phải đủ phấn, thì về sau sẽ cho quả đầy đặn, cân đối. Chăm bón 1 sào bí phải đầu tư 1 khối phân chuồng (2 xe bò lốp), 2,5 yến NPK, 1 yến lân, càng nhiều lân càng tốt; chăm sóc cây bí giai đoạn cây có lá mầm phải phun thuốc chống ẻo, thối rễ; phòng ngừa bọ rùa, bọ trĩ xuất hiện nhiều bằng thuốc.



Nông dân Cẩm Sơn chăm sóc cây vụ đông

Mấy năm về trước, Cẩm Sơn được nhắc đến với thương hiệu dưa hấu. Cây dưa hồng được trồng nhiều trên đất vệ, tuy nhiên 2 năm gần đây diện tích dưa hồng được bà con thu hẹp, nhường chỗ cho cây bí và cây đậu. Chị Lương Thị Liên hiện có gần 3 sào bí, cho hay: “Đây là năm thứ 2 nhà mình trồng bí, trồng dưa hồng được 3 đến 4 năm là dừng cho đất nghỉ thay cây khác, gieo trồng luân phiên thay thế nhau các cây trồng trên cùng đơn vị diện tích thì chất đất và giống cây mới đỡ thoái hóa và thu hoạch như ý”.

Cây bí ngày càng được nhân rộng diện tích ở Cẩm Sơn, một phần cũng để thay thế các cây trồng kém hiệu quả khác trên vùng đất màu và đất vệ. Cùng với nhiều hộ bà con nông dân khác, chị Nguyễn Thị Huệ - thôn 4 Hội Lâm, phân tích: “Nhà tôi thầu 4 sào đất vùng cánh đồng thu nhập cao của xã, mỗi năm đóng 500 ngàn đồng/sào, canh tác 2 mùa rau/năm. So với cây ngô thì bí cho thu nhập cao hơn và ổn định”. Theo tính toán của chị thì chi phí cho một sào ngô mất 400 ngàn đồng bao gồm giống, phân, công, đạm, thâm canh tốt ngô đạt năng suất 70 yến/sào, bán ngô khô được 50 ngàn đồng/yến, tổng thu nhập đạt 3,5 triệu đồng/sào. Trong khi đó, đầu tư cho bí mất 200 ngàn đồng tiền giống, 5 tạ phân chuồng với giá khoảng 200 ngàn đồng, chưa kể tiền bạt, giàn, tiền lân, đạm.., cây bí được chăm sóc kỹ lưỡng, thu nhập đạt 2 tấn/sào, tính theo giá bán thị trường thì bình quân bí đạt 4.000 - 5.000 đồng/kg, như vậy có thể thu nhập trên 10 triệu đồng/sào bí. So với trồng ngô thì trồng bí cho thu nhập cao gấp 3 lần, đầu ra được các tư thương đến từ Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương vào tận nơi mua hết, nên người dân Cẩm Sơn yên tâm trồng bí.

Sau bí xanh là cây đậu cove. Theo tính toán của bà con thì đậu cove là cây truyền thống trong vụ đông. Giá đậu ổn định, lấy tại vườn 7 ngàn đồng/kg. Theo như anh Vương Đình Quý thì mùa thu hoạch rộ, hái 1 lứa có thể đạt 1,2 tạ/sào, chi phí trồng lại không đáng kể. Nếu tính thu nhập thì đậu cove có thể thu về cả chục triệu đồng/sào. Cùng với cây đậu cove thì bắp cải đang được bà con nơi đây gieo trồng trên đất màu vệ rất tốt. Cây bắp cải được bố trí trồng từ tháng 10, hàng năm, sau 3 - 4 tháng là cho thu hoạch. Sau đó là rau mùi, xà lách, rau cúc để bán vào dịp Tết và dịp đầu năm mới.

Toàn xã Cẩm Sơn hiện có trên 800 ha đất nông nghiệp, sau 5 năm dồn đổi đất từ nguyên bản theo Nghị định 64/CP, đến nay toàn xã đã hoàn thành xong việc chuyển đổi sang đất bãi vệ, thâm canh cây trồng vụ đông. Hiện nay, xã có trên 200 ha ngô, 30 ha bí xanh và 10 ha rau màu các loại. Cánh đồng thu nhập cao 30 ha được xây dựng trên vùng đồng cạn và bãi vệ xóm 2,3,4 nay được gọi là cánh đồng 3 vụ/năm với các hình thức luân canh, thâm canh, cụ thể: 2 bí + 1 dưa, 1 dưa + 1 bí +1 rau đông, 2 lúa + 1 ngô đông trên ruộng.

Theo ông Đậu Xuân Phú - Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn: “Sản xuất vụ đông đã thành chiến lược trong Nghị quyết đại hội Đảng bộ xã khóa 2010-2015. Đến nay, bà con đã chủ động hoàn toàn trong sản xuất và làm vụ đông theo lối tư duy kinh tế thị trường. Bình quân sau 2 vụ sản xuất chính trên đất màu và đất vệ, mà chủ lực là vụ đông, mỗi hộ nông dân Cẩm Sơn có thể thu về lãi ròng không dưới 100 triệu đồng, mức thu nhập này gấp 3 - 5 lần so với phương thức canh tác trước chuyển đổi”. Kết quả này tạo đà cho xây dựng nông thôn mới trên địa bàn sớm về đích.


Lương Mai

Mới nhất
x
Nét mới vụ đông ở Cẩm Sơn (Anh Sơn)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO