Nét tâm linh trong tục tế trâu

04/03/2015 17:56

(Baonghean) - Người Thái ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) có tục chia của cho người chết mang theo về trời. Một trong những của cải “có giá” nhất chính là con trâu...

Xung quanh tục lệ này, có nhiều nhận thức khác nhau. Người cho rằng cần chấm dứt ngay cảnh “người chết trâu cũng chết theo” này, bởi vừa gây tổn thất kép cho gia chủ đã đành, lại còn ảnh hưởng tới chăn nuôi, sức kéo. Người giải thích lý do phải cần thực phẩm cho một đám tang có khi đông tới hàng trăm người, nên phải thịt trâu mới đủ ăn trong một vài bữa khi còn quàn quan tài ở nhà... Có ý kiến đề nghị vận động đồng bào người Thái nên bỏ “hủ tục” này. Một khi đã cho là “hủ tục” thì cái chuyện tục lệ hiến tế trâu trở thành chuyện xã hội, vượt ra khỏi phạm vi tâm linh đơn thuần...

Về phía chúng tôi, những người đã bỏ khá nhiều công sức nghiên cứu văn hóa Thái, thì có những quan niệm riêng. Tất nhiên, chúng tôi không có ý định phân tích một tục lệ nhằm mục đích bênh vực cho tục lệ này. Sự tồn tại của một tục lệ, nhất là khi nó đã trở thành một nét văn hóa tâm linh, không hoàn toàn nằm trong ý chí của một cá nhân nào cả, mà nó thuộc về cộng đồng, không ai tự dưng “ra lệnh” tước bỏ đi được, trừ khi người dân tự thấy không còn phù hợp với xã hội mới và thời cuộc mới nữa.

Lễ đi vòng quanh con trâu cúng cho người chết.
Lễ đi vòng quanh con trâu cúng cho người chết.

Xuất phát từ nhân sinh quan và vũ trụ quan dân gian của cộng đồng người Thái từ xa xưa cho tới tận ngày nay, người Thái luôn quan niệm “chết không phải là hết”. Linh hồn người chết đã hết hạn của Thén Na cho phép được làm người bằng xương, bằng thịt ở dưới trần gian, nay phải trở về “Mường Then” theo ý trời.

Trở về Mường Then, người ta vẫn phải sinh sống, làm ăn bình thường như khi đang ở Mường Người, do vậy cần phải có một con trâu để lấy sức kéo, phục vụ cuộc mưu sinh ở nơi vĩnh hằng của kiếp người, bởi con trâu luôn gắn bó với cuộc sống, được đồng bào yêu quý nhất. Con trâu không chỉ giúp người cày bừa ruộng vườn, kéo gỗ về dựng nhà. Để có những mùa màng bội thu, có ngôi nhà sàn cao để ở, có thóc lúa để ăn... cần phải có con trâu. Trâu còn là tài sản lớn nhất ở trong nhà, có thể sinh sôi nảy nở nhiều thêm và thừa kế từ đời này sang đời khác.

Con trâu cũng là nguồn cung cấp thực phẩm, quan trọng hơn, trâu có vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh đối với dân bản, dân mường. Theo truyền thuyết từ xa xưa, rõ nhất là trong các truyện thơ “Quam Tô Mương”, “Lai Lông Mương” của người Thái vùng miền Tây Nghệ An, nói về thuở trời đất mới phân chia. Lúc ấy Trời cho loài người xuống hạ giới thì trâu xin theo xuống giúp người làm ruộng. Người không quên công lao của trâu, ban ngày kiếm cỏ ngon cho ăn, tìm khe suối trong mát cho trâu đằm mình sau buổi kéo cày, kéo gỗ vất vả. Mùa Đông giá lạnh thì che chắn cho trâu khỏi gió rét. Ngôi nhà sàn cũng được chia hai phần, người ở phần trên sàn thì trâu ở phần dưới sàn. Mùa hè thì trước khi đi ngủ còn làm đống rác to, đốt lên hun khói xua muỗi cho trâu... Hàng năm, người còn làm lễ cúng vía cho trâu bằng một mâm cỗ Tết riêng để cảm ơn trâu suốt một năm qua đã không quản giúp người làm ra của cải, đồng thời cúng vía để giúp cho trâu được khỏe mạnh, sinh sản tốt, tránh được rủi ro như dịch bệnh, rắn cắn, ngã vách đá. Đi ăn bị lạc không biết đường về. Tình cảm giữa người và trâu lúc sống đã vậy, lúc chết cũng vẫn gắn bó bên nhau.

Trong nhà có người qua đời, người Thái thường nhắm sẵn một con trâu trong đàn trâu của nhà hoặc phải tìm mua nếu trong nhà không có mà điều kiện cho phép. Trâu giết cúng cho người chết dù to hay nhỏ vẫn phải là trâu đen, riêng trâu trắng thì chỉ để giết thịt làm thực phẩm đơn thuần, hoặc chỉ được phép cúng cho trời (Pò then) mà thôi, người thường không được cúng bằng trâu trắng. Đảm đương việc giết và pha thịt trâu là các chàng rể trong nhà, trong họ.

Ngay sau khi con trâu được chọc tiết, cuộc lễ cúng hồn con trâu cho người chết cũng được bắt đầu. Lễ này diễn ra khá lạ mắt đối với những người khác dân tộc chưa nhìn thấy bao giờ. Các cô dâu mặc áo đỏ dài, tay cầm một ống nứa nhỏ, trong có đựng nước suối trong; các chàng rể “làm phúc” thường mặc áo dài màu mộc trắng hay màu vàng, thắt lưng bao dao, tay cầm một bó đuốc.

Các cô dâu, chú rể bắt đầu đi vòng quanh con trâu. Họ phải đi hết đúng ba vòng, vừa đi vừa châm đuốc vào con trâu tỏ ý xua đốt sên, đỉa,muỗi và các côn trùng khác bám trên mình trâu. Các cô dâu vảy nước vào mình trâu tỏ ý tắm cho sạch trâu trước khi xẻ thịt cúng cho người chết. Hết vòng thứ ba, mọi người mới dập lửa và đổ số nước còn lại trong ống nứa nhỏ cầm trong tay của các cô dâu lên xác trâu. Khi cuộc lễ đi vòng quanh con trâu (liệp quai) kết thúc, con trâu được các chàng rể xả thịt. Phần thịt, lòng... mỗi thứ một ít được luộc lên và đem dọn ra mâm dâng cúng ở đầu quan tài quàn trên nhà cho người chết “ăn” trước.

Riêng cái đầu trâu thì được để nguyên hình hài, lúc đưa ma sẽ có hai người khiêng đầu trâu theo để treo lên một cành cây bên cạnh mộ phần người chết. Đấy là nói về phần xác của con trâu. Về phần hồn, người chết được con cháu dâng cúng trâu để đem theo hồn trâu về trời.

Lời các thầy mo cúng có những câu: “Con trai dâng cúng trâu sừng mập/ Dâng cho trâu sừng đẹp về Mường Bôn gieo mạ/ Về Mường Then cấy lúa ruộng sâu/ Dâng cho trâu một sẽ thành trâu đàn/ Lúc còn sống buộc dây mây để dắt/ Giờ hãy lấy dây xe bằng sợi chỉ/ Dắt hồn trâu về Mường Then...”.

Đêm trước ngày đưa ma, một thầy mo hoặc thầy cúng sẽ hát kể lời hát đưa hồn ma và hồn trâu về Mường Then. Trên đường đi, hồn người chết dắt hồn trâu đi trước, hồn thầy mo chỉ cầm roi theo sau để giục trâu. Và thầy mo tiễn hồn đi đến ranh giới phân chia giữa ba mường, mường trời - mường dương gian - mường âm phủ là thầy mo phải trở về.

Các thầy mo của người Thái ở miền Tây Nghệ An tiễn đưa linh hồn người chết và hồn trâu theo đường đến núi Pu Quai ở Mường Tôn (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An ngày nay). Lời thầy mo hát tả cảnh núi Pu Quai có đoạn như sau: “Đến đây rồi, nhìn lên trời thấy mịt mờ mây đen vần vũ/ Dưới gầm trời nơi đây thiên hạ gọi Pu Quai/ Đường lên Mường Then vẫn còn xa lắm!”. Đến đây thì thầy mo không dám đi theo để tiễn hồn ma nữa, mà chỉ tả cảnh cho hồn ma biết về chặng đường phải đi tiếp để làm sao lên được đến Mường Then. Lên Mường Then lúc này chỉ còn lại hồn người vừa chết dắt theo hồn con trâu nữa mà thôi.

Trong đám tang, hầu như người Thái ở đâu, hoàn cảnh giàu nghèo ra sao cũng luôn phải gắng tìm cho được một con trâu để dâng cúng cho người chết. Không có tiền cũng phải vay mượn, nợ nần để có được một con trâu, bất đắc dĩ lắm mới phải làm khác đi, nhưng vẫn ân hận và nuối tiếc suốt đời về sau...Như vậy, việc giết trâu trong đám ma theo phong tục người Thái từng bị coi là mê tín, dị đoan, hoang phí bởi cho rằng việc giết trâu chỉ với mục đích phục vụ ăn uống đơn thuần; và cũng do chưa nắm được tập tục mang đậm nét tâm linh của cộng đồng dân tộc Thái, mà có những lời phê phán đưa ra như đã nói ngay từ phần đầu bài viết này...

Thái Tâm

Mới nhất
x
Nét tâm linh trong tục tế trâu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO