Nét tươi mới của bóng đá Việt Nam
(Baonghean) - Trong Trận đấu được coi là "derby Việt Nam" giữa Hà Nội T&T và SLNA vào chiều chủ nhật vừa qua, bên cạnh những dấu ấn chuyên môn, thì một hình ảnh cũng gây ấn tượng không kém là hình ảnh các CĐV SLNA phủ vàng sân Hàng Đẫy và cổ vũ hết mình cho đội bóng con cưng của họ.
Nếu không có trận đấu hôm qua, sân Hàng Đẫy chẳng biết bao giờ mới tràn ngập trong không khí bóng đá như thế kể từ kỳ Tiger Cup 1998 bởi bấy lâu nay, những đội bóng chủ sân như Hòa Phát HN, HN.ACB (cũ), HN T&T...đều không thể kéo được khán giả tới sân. Và cũng nhờ có trận “kinh điển” của Việt Nam, BTC giải mới thu về được hơn 400 triệu đồng từ bán vé, các nhà gửi xe mới thu được bộn tiền... Đặc biệt CĐV SLNA đã mang đến cho khán giả cả nước thưởng thức một bữa tiệc bóng đá thực sự. Họ cùng nhau ca hát, nhảy múa, hò hét, cổ vũ và động viên thầy trò HLV Hữu Thắng từ trước khi trận đấu bắt đầu cả tiếng đồng hồ cho đến khi tiếng còi mãn cuộc vang lên.
Ngay cả khi đội bóng xứ Nghệ bị đội chủ nhà vượt lên dẫn trước, các CĐV Nghệ vẫn cháy hết mình với đội bóng, không một tiếng trách móc hay la ó. Những làn sóng vàng trên khán đài ấy thực sự là chỗ dựa tinh thần, là vũ khí lợi hại và là cầu thủ thứ 12 của đội bóng xứ Nghệ. Đáp lại tình yêu của CĐV nhà, các học trò của HLV Hữu Thắng đã cống hiến một trận đấu thực sự đẹp cả về chuyên môn lẫn tinh thần thi đấu, dù họ chỉ giành được 1 điểm.
Các CĐV SLNA trên sân Hàng Đẫy chiều 7/4/2013.
Được biết, để có được sự tiếp lửa tuyệt vời đó, một tháng trước khi diễn ra trận Hà Nội T&T-SLNA, CLB SLNA đã ra công văn về việc kiện toàn lại CLB CĐV SLNA nhằm mục đích thành lập một Hội CĐV xứ Nghệ thống nhất trên toàn quốc. Theo kế hoạch này, sẽ có 4 phân hội CĐV SLNA được thành lập trên toàn quốc. Ở khu vực miền Bắc (từ Thanh Hóa trở ra), sẽ có phân hội riêng chịu trách nhiệm điều hành lực lượng CĐV đến sân cổ vũ mỗi khi SLNA đá trên sân khách.
Trước trận đấu với Hà Nội T&T trên sân Hàng Đẫy, phân hội này đã lên kế hoạch cố gắng kéo đến sân Hàng Đẫy khoảng một vạn khán giả để tiếp lửa cho thầy trò HLV Hữu Thắng. Ngay trước khi diễn ra trận đấu một tháng, Hội đã gửi công văn trực tiếp cho ông Trần Duy Ly, trưởng BTC giải, và CLB Hà Nội T&T để đề nghị được bố trí khu vực khán đài B cho khán giả Nghệ An ngồi xem và cổ vũ đội nhà. Thêm vào đó, Hội sẽ chịu trách nhiệm phát hành vé cho BTC để nhận vé bán cho CĐV người Nghệ An để tránh hiện tượng phe vé. Chính vì vậy, khoảng 10 thành viên của phân hội đã bỏ tiền riêng mua vé của BTC và bán lại cho CĐV mình.
Trước đó, thông qua các kênh thông tin diễn đàn chính thức của Hội như diễn đàn www.slna-fc.com và facebook.com/cdvslna, phân hội đã tuyên truyền kêu gọi để đông đảo tầng lớp tri thức, sinh viên, người lao động yêu bóng đá Nghệ An tại Hà Nội được biết về thời gian, địa điểm diễn ra trận đấu. Khoảng 50 thành viên đã đi phát tờ rơi, tặng khăn và băngrôn tại tất cả các khu vực có nhiều người Nghệ An sinh sống để “kéo” họ đến sân bằng lòng nhiệt huyết của “dân choa”. Và kết quả là những gì diễn ra trên khán đài sân Hàng Đẫy là điều mà nhiều đội bóng ở V-Leauge mơ ước, thèm muốn. Bất cứ một ai yêu bóng đá được chứng kiến những hình ảnh trên đều cảm thấy phấn khích, muốn được hòa vào không khí đó. Vì vậy, đây có thể là bước ngoặt làm sôi động lại nền bóng đá nước nhà vốn đã hẩm hiu bấy lâu nay.
Những mùa giải gần đây, nhiều khán đài ở V-Leauge luôn phải đối mặt với cảnh trống vắng khán giả. Người hâm mộ bóng đá sẽ không quay lưng nếu như các trận đấu có chất lượng chuyên môn cao, còn công tác tổ chức không để lại những vết gợn đáng tiếc. Tuy nhiên, có một thực tế là không phải địa phương nào cũng nhận được sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả nhà và không phải sự quan tâm của người hâm mộ lúc nào cũng có giá trị bền vững.
Sở dĩ SLNA nhận được sự ủng hộ lớn lao của các CĐV xứ Nghệ trong cả nước là bởi đây là nơi sản sinh ra rất nhiều nhân tài cho bóng đá Việt Nam và tinh thần cũng như lối chơi của đội bóng đã tạo được bản sắc riêng không lẫn vào đâu được. Bên cạnh đó, Hội CĐV của đội bóng này cũng được tổ chức và hoạt động một cách bài bản, chuyên nghiệp. Do đó, dù ở hoàn cảnh khó khăn đến đâu, các CĐV vẫn luôn trung thành, cổ vũ hết mình cho đội bóng. Thế nên, đây có thể xem là một mô hình cần nhân rộng ở V-League trong thời gian tới.
TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn đã từng nhấn mạnh, một giải bóng đá có thành công hay không, người ta nhìn vào số lượng khán giả đến sân. Theo ông Viễn, ngoài tính truyền thống, bản sắc cần được các đội bóng duy trì, thì các Hội CĐV cũng phải chuyên nghiệp hơn. Ở các nước có nền bóng đá phát triển, chính lực lượng CĐV là những người nuôi sống đội bóng. Ở Việt Nam thì chưa thể phát triển được các mảng về dịch vụ, thương mại, nhưng trong tương lai phải làm tốt khâu này để hướng tới sự bền vững. Ngoài tình yêu với bóng đá của người hâm mộ Việt Nam được hâm nóng, thì chính chất lượng các trận đấu, sự chuyên nghiệp trong khâu tổ chức giải, cũng là những điều kiện rất quan trọng để lôi kéo khán giả đến sân. |
Minh Quân