Nga: Kinh tế đi xuống, đồng rúp đi ra

12/08/2015 09:17

(Baonghean) - Cơ quan thống kê nhà nước Nga ngày 10/8 vừa qua công bố trong quý 2/2015, kinh tế Nga suy giảm 4,6%. Trước đó, ngày 31/7, Ngân hàng trung ương Nga đã hạ lãi suất lần thứ 5 kể từ đầu năm. Và đương nhiên, đi liền với đó là sự mất giá của đồng ruble. Nguyên nhân thì đã rõ: do các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây, do tình trạng giá dầu giảm (cũng một phần liên quan đến chính sách trừng phạt của phương Tây). Từ năm 2009 đến nay, mức giảm 4,6% là mức suy giảm tồi tệ nhất của Nga.

Tuy nhiên, nền kinh tế Nga lúc này lại đang diễn ra những điều có vẻ như nằm ngoài các quy luật. Giữa lúc đồng nội tệ giảm, kinh tế khủng hoảng, thì số tỷ phú lại xuất hiện nhiều thêm. Lạ hơn nữa là việc xảy ra hiện tượng đồng ruble có khả năng “xuất ngoại” và thay thế USD.

Cụ thể, thời gian gần đây Nga có thêm hàng chục tỷ phú mới nổi. Theo số liệu chính thức của cơ quan thống kê liên bang, trong một năm qua số người nộp thuế với thu nhập hơn 1 tỷ ruble tăng gần 6%. Năm ngoái, số tỷ phú là 292, thì năm nay là 309. Số triệu phú cũng tăng lên đáng kể (từ 1 triệu đến 100 triệu ruble tăng 13%).

Ảnh minh họa: internet
Ảnh minh họa: internet

Theo các nhà kinh tế thì đây không phải do hoạt động kinh doanh tăng trưởng, mà là do chính sách của chính phủ nhằm kết thúc tình trạng trốn thuế, hạn chế tình tạng tài sản chảy ra nước ngoài, do đó số lượng người nộp mẫu khai thuế và tiền thuế tăng lên. Nhiều người giàu đã đem một phần tài sản ở nước ngoài của họ về lại Nga và thu nhập của họ được kê khai ở Nga.

Cùng với việc thu hồi tài sản về lại Nga, là việc “xuất khẩu” đồng ruble ra nước ngoài. Tại tỉnh Hắc Long Giang, Ngân hàng trung ương Trung Quốc quyết định đưa đồng ruble thay thế cho USD. Ngày 8/8 vừa qua, Ủy ban chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng trung ương Trung Quốc có thông báo chính thức về việc này và cho rằng lưu thông đồng ruble thay vì USD là một sự phát triển hài hòa trong mối quan hệ thương mại song phương. Tuy Phân Hà là thành phố biên giới giáp Nga, là trung tâm giao thương lớn của tỉnh Hắc Long Giang với Nga. Thành phố này chiếm 80% lượng xuất khẩu hàng hóa của tỉnh sang Nga và kim ngạch xuất khẩu năm 2014 đạt 7,59 tỷ USD. Do đó, việc quyết định lưu hành đồng ruble rộng rãi tại Tuy Phân Hà là để thu hút các đối tác, khách hàng Nga.

Được biết, trước đó, năm 2014 Nga và Trung Quốc đã thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trị giá 150 tỷ nhân dân tệ (24,5 tỷ USD). Điều này thực ra không khó lý giải bởi Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nga.

Việc hoán đổi tiền tệ và xuất khẩu đồng ruble cũng là sự phản ánh khá rõ nét bản chất các mối quan hệ

chính trị. Khi nền kinh tế Nga đứng trước sự phong tỏa của Mỹ và phương Tây, thì Trung Quốc chính là cánh cửa rộng lớn đang mở ra với Nga. Trung Quốc sử dụng đồng ruble lúc này, cũng là cách để Nga và Trung tạo mối quan hệ thêm phần khăng khít nhằm củng cố thêm thế đối trọng với với Mỹ và phương Tây.

Chí Linh Sơn

Mới nhất

x
Nga: Kinh tế đi xuống, đồng rúp đi ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO