Nga - Mỹ: Chuyện nào ra chuyện ấy?

30/10/2014 09:46

(Baonghean) - Thông qua việc bày tỏ quan điểm và hành động trong việc giải quyết các điểm nóng, các xung đột và tranh chấp có khả năng tác động xoay chuyển cục diện thế giới, có thể khẳng định giữa Nga và Mỹ đang tồn tại quá nhiều những vấn đề để hình thành quan hệ đối đầu. Nhìn rộng ra thì có thể thấy, quan hệ Nga - Mỹ đã rơi vào giai đoạn xấu nhất kể từ sau chiến tranh lạnh kết thúc. Ấy vậy mà, Nga vẫn đưa ra đề nghị sẵn sàng chuyển hàng lên vũ trụ giúp Mỹ, là sao?

Ngay sau khi tên lửa Antares của Mỹ từ căn cứ Cơ quan Hàng Không vũ trụ Mỹ (NASA) tại Wallops, bang Virginia bị phát nổ chỉ sau khi phóng vào khoảng không chừng 6 giây vào ngày 28/10, phía Nga đã lập tức đưa ra thông tin sẵn sàng giúp Mỹ vận chuyển hàng hóa lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS). Động thái này được đưa ra ngay trong khi cả Nga và Mỹ đang có những quan hệ lợi ích mang tính đối kháng xung quanh cuộc bầu cử ở Ukraina, làm cho dư luận thế giới không khỏi bất ngờ. Liệu chuyện “trên trời” và chuyện “dưới đất” có thật sự không quan liên quan gì đến nhau?

Tên lửa Antares nổ tung sau khi rời bệ phóng.
Tên lửa Antares nổ tung sau khi rời bệ phóng.

Trước hết, chuyện “dưới đất”, những diễn biến bất lợi quá nhanh không kịp trở tay đối với chính quyền đương nhiệm thân Mỹ của Tổng thống Petro Poroshenkko, Mỹ và Phương Tây đang tìm mọi cách để ngăn cản Nga thừa nhận kết quả bầu cử quốc hội ở miền Đông Ukraina. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo Nga và các tay súng ly khai vi phạm các thỏa thuận quốc tế nếu thừa nhận cuộc bầu cử quốc hội ở miền đông Ukraine vào đầu tháng 11. Sở dĩ Mỹ lo ngại điều này là bởi một khi Nga thừa nhận kết quả bầu cử có lợi cho phe ly khai, thì coi như chính quyền ly khai đã được hợp pháp hóa. Lúc này, bộ máy chính quyền của Chính phủ do ông Poroshenkko chẳng những bị “đứt gãy” ở vùng miền Đông, tiến trình hòa bình của Ukraina trở nên xa vời hơn, mà nguy cơ đòi độc lập như “hiện tượng Crimea” là điều khó tránh khỏi.

Kiểm phiếu tại một điểm bỏ phiếu ở TP. Kramatorsk, miền Đông Ukraine.
Kiểm phiếu tại một điểm bỏ phiếu ở TP. Kramatorsk, miền Đông Ukraine.

Vì vậy, Mỹ và Phương Tây không những không công nhận điều này, mà còn cực lực phản đối ý định công nhận của Nga. Ngược lại, không đời nào Chính quyền của ông Putin rời bỏ “vùng đệm” duy trì quyền lực của mình ở miền Đông Ukraina. Trong khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố “Mỹ và cộng đồng quốc tế sẽ không công nhận cái gọi là cuộc bầu cử của phe ly khai nếu các cuộc bầu cử này không diễn ra trong khuôn khổ của luật đặc biệt được thông qua bởi Quốc hội Ukraine và được ký bởi Tổng thống Poroshenko”, thì chính quyền Matxcơva đã thông báo ý định thừa nhận kết quả cuộc bầu cử quốc hội diễn ra đầu tháng 11 tại Donetsk và Luhansk. Rõ ràng, ở “dưới đất” giữa Nga và Mỹ đang tồn tại quan điểm trái ngược nhau, và đó có thể xem là mâu thuẫn có tính đối kháng.

Tuy nhiên, cũng tại thời điểm mà chuyện “dưới đất” đang căng thẳng, thì chuyện “trên trời” lại diễn ra theo chiều hướng khác. Khi hay tin tên lửa Antares mang theo khoảng 2,5 tấn hàng hóa bao gồm thực phẩm, đồ tiếp tế, thí nghiệm khoa học, bị nổ tung thành tro bụi giữa không trung, Nga đã lập tức đưa tin sẵn sàng giúp đỡ. Có thể, người Mỹ luôn làm chủ tình thế, và không để mất thể diện về phương diện khoa học vũ trụ nên chưa chấp thuận lời đề nghị được giúp đỡ của Nga.

Còn phía Nga, liệu có phải họ quan niệm việc sẵn sàng hỗ trợ Mỹ vì đó chỉ đơn thuần là câu chuyện “không biên giới” giữa các nhà khoa học với nhau? Thực ra, Nga và Mỹ đã có một thỏa thuận hỗ trợ lẫn nhau giữa cơ quan vũ trụ Liên bang Nga Roscosmos với NASA. Thỏa thuận này ghi nhớ, nếu có nhu cầu phát sinh, chẳng hạn như sau khi mất một tàu hàng hoặc các trường hợp khẩn cấp khác, thì các bên sẵn sàng hỗ trợ nhau trong khả năng có thể. Và về phương diện nghiên cứu vũ trụ thì quan hệ giữa Nga và Mỹ là quan hệ đối tác. Vì vậy, trong trường hợp này, Nga bày tỏ ý đồ muốn giúp đỡ là hành động nằm trong khuôn khổ quan hệ đối tác giữa hai cơ quan nghiên cứu vũ trụ của hai nước. Được biết, ngày 29/10, Nga đã phóng thành công tàu không gian Progress M-25M, mang theo gần 3 tấn thực phẩm, nhiên liệu và trang thiết bị cho ISS, bằng một tên lửa Soyuz từ Kazakhstan.

Diễn biến phức tạp trong quan hệ Nga – Mỹ cho thấy, đó cũng là đặc điểm chung trong nhiều mối quan hệ quốc tế hiện nay. Tình trạng các mối quan hệ song phương, đa phương tồn tại các quan hệ hợp tác và đấu tranh đan cài lẫn nhau như “trận đồ bát quái” đã trở thành xu thế. Vì vậy, cũng có thể “trên trời” và “dưới đất” chuyện nào ra chuyện ấy, đấu tranh vẫn phải đấu tranh, còn hỗ trợ lẫn nhau thì lại là chuyện khác!

C.L.S

Mới nhất

x
Nga - Mỹ: Chuyện nào ra chuyện ấy?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO