Nga - Nhật khó "trở mặt"
(Baonghean) - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã hủy kế hoạch tiếp đón Tổng thống Nga Vladimir Putin tới thăm nước này trong năm nay, do căng thẳng bắt nguồn từ việc Tokyo áp đặt các biện pháp trừng phạt Moskva liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine và sức ép từ Mỹ. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến mối quan hệ Nga - Nhật - vốn đang được “làm ấm” trong thời gian qua.
Báo chí Nhật Bản nhận định chuyến thăm của Tổng thống Nga Putin tới “đất nước Mặt trời mọc” nhiều khả năng bị hoãn cho đến đầu năm sau hoặc muộn hơn, và điều này phụ thuộc vào mối quan hệ giữa Nga và Mỹ. Bởi hiện nay, Nhật Bản đang “cùng chiến tuyến” với Mỹ và châu Âu trong nỗ lực cô lập Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Dù muốn hay không, Nhật Bản không thể làm “mất lòng” Mỹ, cho dù trong thời điểm này, Nga cũng là một đối tác quan trọng của nước này. Chính vì thế, dù giới chức Nga - Nhật đã đồng ý về chuyến thăm của ông Putin vào “mùa Thu năm nay”, nhưng khi Mỹ yêu cầu Tokyo hoãn lại, giới chức Nhật Bản buộc phải hủy chuyến thăm này. Không những thế, truyền thông Nhật Bản còn cho biết, nước này có thể sẽ công bố một gói trừng phạt mới nhằm vào Nga do những liên quan tới khủng hoảng Ukraine trong những ngày tới. Trước đó, Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe cũng đã tuyên bố đưa vào danh sách trừng phạt 39 chính trị gia và quan chức có liên quan đến sự kiện sáp nhập Crimea và hai nước Cộng hoà Nhân dân Donetsk, Lugansk. Nhật Bản cũng cấm nhập khẩu hàng hoá từ Crimea. Qua những động thái này, Nhật Bản muốn thể hiện rằng, nước này đang “sát cánh” với phương Tây, sau khi nước này cùng Mỹ và châu Âu ban hành các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga vì đã can thiệp vào Ukraine.
Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bên lề Đại hội Olympic mùa Đông Sochi tháng 2/2014. (Ảnh: RIA Novosti) |
Tuy vậy, vẫn có nhiều lý do để lạc quan rằng, mối quan hệ Nga - Nhật sẽ không bị ảnh hưởng nhiều sau quyết định vừa rồi của Tokyo, nhất là khi hai nước gần đây nỗ lực “làm ấm” mối quan hệ vốn đóng băng trong một thời gian dài. Trên thực tế, Thủ tướng Nhật Bản Abe từng cam kết, từ nay đến cuối nhiệm kỳ sẽ giải quyết ổn thỏa tranh chấp đã kéo dài gần 70 năm giữa hai nước đối với một số hòn đảo ở phía Bắc Hokkaido, mà phía Nga gọi là Nam Kuril. Nga và Nhật Bản cũng đã nhất trí khôi phục lại đàm phán về hiệp ước hòa bình vĩnh viễn giữa hai nước vốn bị cản trở bởi vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Xét về lợi ích, mối quan hệ giữa Tokyo và Mátxcơva đang bị điều phối bởi những nguồn lợi chung về năng lượng. Nga dự kiến tăng gấp đôi lượng dầu khí xuất sang châu Á trong 20 năm tới, trong khi Nhật Bản buộc phải viện đến các nguồn nhập khẩu dầu mỏ lớn để thay thế năng lượng hạt nhân, khi các lò phản ứng đã bị đóng cửa sau thảm họa sóng thần hồi tháng 3/2011. Không dừng ở đó, hơn lúc nào hết, Nhật Bản cần Nga giữ thái độ trung lập trong những tranh chấp của nước này với Trung Quốc trên Biển Hoa Đông. Nhật Bản đủ khôn ngoan để hiểu không thể tạo ra quá nhiều mối đe dọa một lúc, đặc biệt là với các nước láng giềng. Về phía Nga, dù nước này đang trong "tuần trăng mật" với Trung Quốc, thì vẫn rất cẩn trọng, đặc biệt là tham vọng của Bắc Kinh khi nước này không ngừng mở rộng ảnh hưởng với vùng Siberia giàu tài nguyên, nhưng dân cư thưa thớt. Tổng thống Putin từng khẳng định, nước Nga và Trung Quốc không làm bạn với nhau để chống lại bất kỳ ai, kể cả Nhật Bản. Ông Putin cho rằng, Nga có mối quan hệ riêng với Nhật Bản, còn Trung Quốc có mối quan hệ của họ. Moscow và Bắc Kinh hoàn toàn hành xử như các đối tác, nâng cao mối quan hệ song phương, nhưng không xây dựng liên minh. Vậy nên, Nga cũng chẳng dại gì mà làm căng với Nhật Bản.
Vì thế, dù sẽ không có cuộc hội đàm trực tiếp tại Tokyo, song Thủ tướng Nhật Bản Abe và Tổng thống Nga Putin vẫn hy vọng tiến hành đối thoại trong thời gian Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra ở Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc vào tháng 11 tới. Mới đây nhất, hôm Chủ nhật, đúng vào ngày sinh nhật Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm thảo luận về quan hệ song phương và tình hình Ukraine, hai nhà lãnh đạo thống nhất sẽ duy trì hoạt động đối thoại ở nhiều cấp độ, bao gồm cả ở các hội nghị thượng đỉnh. Ẩn chứa nhiều toan tính, mối quan hệ giữa Nga và Nhật Bản được xem là bước đi cùng có lợi của chính quyền hai nước. Chính vì thế, dù cho vấn đề Ukraine có là vật cản, Mỹ có gây sức ép, cũng khó có thể khiến Nhật - Nga “trở mặt”.
Thanh Huyền