Nga và phương Tây không thể hóa giải khác biệt về Ukraine
Nhà khoa học chính trị, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Thông tin Tauride Alexander Bedritsky cho rằng, lập trường của Nga và phương Tây liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine hiện không thể hóa giải được, và các cuộc đàm phán về Ukraine chỉ có thể xảy ra có cơn địa chấn chính trị.
Theo RIA Novosti ngày 20/7, nhà khoa học chính trị, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Thông tin Tauride Alexander Bedritsky cho rằng, lập trường của Nga và phương Tây liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine hiện không thể hóa giải được. Các cuộc đàm phán thực sự sẽ có thể diễn ra sau một tình huống khủng hoảng có nguy cơ dẫn đến xung đột toàn cầu.
Cựu Tổng thống Mỹ, ứng cử viên tổng thống chính thức của đảng Cộng hoà, Donald Trump cho biết, đã có cuộc điện đàm “rất tốt đẹp” với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Theo ông Trump, nếu thắng cử cuộc đua vào Nhà Trắng, ông sẽ “mang lại hòa bình và chấm dứt chiến tranh”.
Nhà khoa học chính trị Bedritsky cho rằng, vị thế của ông Trump càng được củng cố, nhất là sau vụ ông bị ám sát không thành công đã khiến chính quyền Kiev căng thẳng.
“Ở Kiev, họ chắc chắn đã rất căng thẳng, bởi vì Tổng thống Zelensky rất tin tưởng vào Tổng thống Biden. Nhưng ông Zelensky vẫn tiếp tục phần việc của mình, nhằm mục đích tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ hai, và cần có sự đảm bảo rằng, các đại diện của Nga có mặt ở đó. Mặt khác, còn nhằm để chương trình nghị sự thảo luận về những đề xuất của ông Zelensky. Tuy nhiên, trong trường hợp này, những lời lẽ hoa mỹ sẽ không phát huy hiệu quả, bởi việc đàm phán với Mỹ và châu Âu, hoặc với NATO là một chuyện, còn cố gắng lôi kéo Nga vào các cuộc đàm phán lại là một câu chuyện khác” – nhà khoa học chính trị Bedritsky nhận định.
Chuyên gia này cho rằng, các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt tình trạng thù địch một cách nghiêm túc trong tình hình hiện tại là không thể, vì hai lý do. Thứ nhất, điều đó không thể với ông Zelensky và các cố vấn. Thứ hai, hiện sự khác biệt trong các quan điểm giữa Nga và phương Tây không hể hoá giải. Điều này được phản ánh trong tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh NATO và trong lập trường của Mỹ, cũng như của từng quốc gia châu Âu.
“Không ai bày tỏ muốn đàm phán nghiêm túc với Nga, có tính đến lợi ích của Moskva. Và nó chỉ xảy ra sau một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nào đó, có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh lớn hơn. Nếu không có những cơn địa chấn như vậy, ít nhất là cho đến thời kỳ thay đổi của giới tinh hoa của Mỹ. Nghĩa là vào tháng 10-11 năm nay, về nguyên tắc là không thể thực hiện được đàm phán” – nhà khoa học chính trị Bedritsky cho hay./.