Nga và Ukraina bên bờ chiến tranh mạng
(Baonghean.vn) - Dựa vào một báo cáo của tập đoàn an ninh công nghệ thông tin Symantec, tờ Financial Times tiết lộ rằng một con virus cực kì tinh vi có tên là "Snake" (con rắn) đã xâm nhập thành công vào các máy tính trong văn phòng của thủ tướng Ukraina. Khoảng 60 máy tính đã bị xâm nhập từ năm 2012, khiến cho toàn bộ hệ thống của họ bị kiểm soát. Khoảng một chục đại sứ quán Ukraina cũng có cùng số phận.
Nhiều tin tức ngoại giao nhạy cảm đã rơi vào tay gián điệp, trong bối cảnh mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và Ukraina. Ai là kẻ chủ mưu đứng sau con virus này? Nhiều dấu vết hướng sự nghi ngờ về phía Mátxcơva: ví dụ như mã nguồn chứa các từ khoá tiếng Nga và múi giờ của Nga. Tất nhiên bấy nhiêu đó chưa đủ để khẳng định điều gì.
Một cảnh sát Nga tại Veliki Norgorod (AFP/Mikhail Mordasov) |
Tuy nhiên, con virus xuất hiện từ năm 2006 này lại chỉ mới lan truyền và tấn công đặc biệt mạnh mẽ vào hệ thống Ukraina từ năm 2013. Trong số 56 trường hợp được phát hiện trên thế giới từ năm 2010, 44 trường hợp được ghi nhận vào năm ngoái theo báo cáo của tập đoàn đến từ nước Anh BAE systems. Một nửa trong số đó nhắm vào Ukraina, với cường độ tăng dần cùng với khủng hoảng chính trị giữa Ukraina và Nga.
Điều này không có gì đáng ngạc nhiên bởi kể từ đầu khủng hoảng Ukraina, giới tin tặc 2 nước đã công khai đối đầu nhau trên chiến trường số. Vũ khí phổ biến nhất: tấn công bằng từ chối dịch vụ hoặc bão hoà yêu cầu trên trang mạng. Ngày 16 tháng 3, hôm diễn ra buổi trưng cầu dân ý ly khai Crimea, trang web tạo ra bởi phe ly khai nhằm theo dõi việc bỏ phiếu đã bị khoá. Trước đó, trang web của NATO bị tấn công và vô hiệu hoá trong nhiều giờ bởi nhóm tin tặc Ukraina có tên là "CyberBerkout" - nhại theo "Berkout", tên gọi của cảnh sát được điều động đến dẹp loạn ở Kiev. Tuy nhiên, trái với virus Snake, những cuộc tấn công kiểu này chỉ mang tính hình thức, phô trương thanh thế chứ không để lại hậu quả về mặt vận hành hệ thống, chuyên gia an ninh mạng Nicolas Caproni nhận định.
Chiến tranh mạng là một cuộc chiến tranh về mặt tuyên truyền và làm nhiễu thông tin. Ví dụ, giữa lúc cuộc nổi loạn Maidan đang căng thẳng (tháng 2), các trang mạng Nga tuyên bố nhóm tin tặc Anonymous đã xâm nhập vào hòm thư điện tử của lãnh đạo phe đối lập Vitali Klitshko, cho thấy phương Tây đứng sau hậu thuẫn về tài chính cho vụ nổi dậy này. Tuy nhiên không có bằng chứng nào được đưa ra và nhiều khả năng đây là chiêu tung hoả mù của Nga. Tương tự, sau khi máy bay MH17 gặp nạn, trang thông tin mở Wikipedia dành cho sự kiện này đã bị chỉnh sửa bởi VGTRK, một tập đoàn truyền thông của chính phủ Nga, khẳng định chiếc máy bay đã bị quân Ukraina bắn hạ. Mục đích của chiến tranh mạng là làm chủ không gian thông tin điện tử, từ đó áp đặt ý kiến của mình, chi phối các quan điểm chính trị và dư luận, kêu gọi sự ủng hộ trong và ngoài nước...
Tuy nhiên, khó có thể xác định được chủ mưu của những vụ tấn công như thế này là các nhóm tin tặc độc lập hay là các tổ chức trực thuộc chính phủ. Tất nhiên là họ chưa từng đứng ra thừa nhận, nhưng theo chuyên gia an ninh mạng của CNRS Daniel Ventre thì "Rất có thể điện Kremlin đứng sau các vụ tấn công này, và Ukraina cũng thế". Nhóm tin tặc CyberBerkout được cho là được giật dây một cách trực tiếp hoặc gián tiếp bởi điện Kremlin.
Chiến tranh mạng nhằm vào Ukraina do Nga khơi mào hoàn toàn có thể xảy ra khi mà vào năm 2007, Estonia khi đó đang trong mối quan hệ căng thẳng với Nga cũng bị tấn công hàng loạt trên không gian số, khiến một phần đất nước bị tê liệt. Thế nên nếu như khủng hoảng Nga-Ukraina leo thang thì rất có thể, một cuộc chiến số hoá sẽ đi kèm với cuộc chiến tranh thực sự theo đúng nghĩa đen của nó. (Tin từ Le Monde 12/08)
Nấm Linh Chi