Chờ đợi ông Troussier tiếp bước ông Calisto

Bùi Hoa 30/04/2023 13:51

(Baonghean.vn) -  Với riêng môn bóng đá nam tại các giải đấu khu vực, lứa U23 cũng như Đội tuyển Việt Nam, lâu nay thường quan tâm 2 câu chuyện. Đó là sớm gặp kình địch Thái Lan ở vòng bảng có lợi hay không và giải các bài toán từ vòng bán kết mới thực sự là nỗi lo cần phải quan tâm.

Thực ra, về lý thuyết, muốn đi đến trận cuối cùng của mỗi giải đấu thì việc vượt qua bất cứ đối thủ nào là điều bắt buộc, dù sớm hay muộn. U23 Việt Nam hay Đội tuyển Việt Nam nếu gặp người Thái ngay từ vòng bảng thì luôn có nhiệm vụ quan trọng là phấn đấu giành ngôi đầu, tức phải đánh bại người Thái ở trận “chung kết lượt đi” để dễ bề toan tính khi chỉ phải gặp đội nhì bảng ở bảng đấu còn lại.

Còn nếu không vượt qua được người Thái ở vòng bảng thì nguy cơ gặp đội nhất bảng còn lại và dễ thất bại ở bán kết lại luôn là điều hiện hữu. Nhưng nói chung, với trình độ hiện tại của bóng đá khu vực, việc gặp hay không người Thái ở vòng bảng không quan trọng bằng việc phải chơi tốt ở bán kết, tức là phải thắng người Mã hay người Indonesia. Và tất nhiên, phải tính toán việc chơi trận chung kết với người Thái trong mọi giải đấu và đó mới là điều quyết định cho thành bại ở mỗi giải đấu.

Ở SEA Games 32 này, U22 Việt Nam ở chung bảng với U22 Thái Lan và trận đấu cuối cùng giữa 2 kỳ phùng địch thủ, tức chung kết lượt đi sẽ quyết định ai giành ngôi đầu bảng, có thể dễ thở hơn ở bán kết. Cả U22 Việt Nam hay U22 Thái Lan nếu thất bại ở trận đấu này đều cũng xem như một “tai nạn” để sau đó lập lại trật tự như mong muốn trước các đối thủ.

Vấn đề nổi lên: Bóng đá luôn không phải là bài toán có sẵn lời giải. Luôn có những bất ngờ đến từ những đội bóng được coi là yếu hơn trong các giải đấu. Cả U23 Việt Nam lẫn Đội tuyển Việt Nam từng gặp khó với lối chơi đổ bê-tông lỳ lợm của người Indonesia, người Philippine, thậm chí cả người Singapore. U23 Thái Lan hay Đội tuyển Thái Lan cũng không dễ dàng khi gặp kình địch Malaysia hay Indonesia trong suốt thời gian dài. Đó là chưa kể gần đây, bóng đá Căm-pu-chia hay Lào đang có những tiến bộ vượt bậc và đang công khai thách thức sự thống trị của Thái Lan hay Việt Nam. Chiến dịch nhập tịch ồ ạt cầu thủ ngoại của Philippine, Indonesia và nhiều nước khác cũng không thể xem nhẹ khi họ thực sự làm thay đổi lực lượng của các đội tuyển khu vực.

Trận đấu mở màn của U22 Việt Nam tới đây với U22 Lào sẽ không thể là câu chuyện “biết rồi nói mãi”, tức chúng ta sẽ dễ dàng vượt qua người láng giềng thân thiện nhờ truyền thống và nhiều điều khác. Một mặt, màn lên dây cót tinh thần của các đối thủ yếu vốn là điều đã biết, có thể không phải quá bận tâm. Cũng không đáng ngại khi trong đội hình của U22 Lào có nhiều cầu thủ đang thi đấu ở nước ngoài, dù hạng đấu thấp và có cả 2 cầu thủ người Lào gốc Việt. Cái chính là U22 Việt Nam đang “vô hình” trong con mắt của mọi đối thủ và trong chính niềm tin của người hâm mộ Việt Nam. Cả một quá trình dài chỉ thua và thua liên tiếp đang khiến cho mối nghi hoặc tăng lên từng ngày và có thể khiến cho đối thủ tuyên bố càng mạnh miệng hơn? Người ta đang nói về câu chuyện năm 2008, khi ông Calisto cùng Đội tuyển Việt Nam chỉ thua và hòa liên tiếp 10 trận để “làm mù” đối thủ, để rồi sau đó với niềm tin tuyệt đối đã giành chiến thắng lịch sử ở AFF Cup 2008, trong đó có chiến thắng ở chung kết lượt đi trên sân kình địch Thái Lan.

Ngày nay, U22 Việt Nam dưới triều đại mới Troussier vừa trải qua 3 trận thua ở giải giao hữu quốc tế trước những đối thủ hàng đầu châu lục là một chuyện không ưng ý nhưng không quá bất ngờ. Đáng nói hơn là các trận giao hữu trong nước sau đó, U22 Việt Nam chỉ thắng được một trận, còn lại là thua và thua cho đến sát ngày lên đường cho “trận đánh lớn”. Đến đây thì “niềm tin” ở U22 Việt Nam đang ở mức nào là điều rất khó nói, dù phần lớn người am hiểu vẫn xác định mọi việc sẽ ổn ở vòng bảng, nhưng từ bán kết thì thực sự chưa thể nói được điều gì?

Mọi lý thuyết đặt ra, chơi phòng ngự-phản công hay kiểm soát bóng, nói cho cùng chỉ là câu chuyện trên truyền thông, còn kết quả trên sân cỏ mới là điều khẳng định năng lực thực sự của thầy và trò U22 Việt Nam. Đối đầu với các đội bóng yếu thì câu chuyện kiểm soát thế trận, dù không nói vẫn cứ diễn ra và chưa chắc U22 Việt Nam đã có thể giải quyết mọi việc gọn ghẽ. Còn khi gặp Thái Lan hay Malaysia, kể cả muốn chơi kiểm soát cũng không hề dễ vì đối thủ không cho phép chúng ta làm điều đó. Nói thế để thấy sự linh hoạt về đấu pháp, về thế trận luôn thường trực với bất cứ ai, đôi bóng nào. Đó chính là lúc cần có những “quân bài tẩy” trong tay để quyết định số phận mỗi trận đấu. Trò giỏi bắt đầu từ thầy giỏi chính là chỗ đó.

Và chúng ta có quyền hy vọng vì hơn ai hết, ông Troussier từng trải qua những trận đánh lớn tầm cỡ trong lịch sử và từng giành được vô vàn chiến thắng trong toan tính chi li, khoa học của một chiến lược gia tài năng ở châu Á, châu Phi? Tất nhiên, bóng đá Việt cần ông Troussier cho một “trận đánh lớn” World Cup sau này, còn trận mở màn với SEA Games tới đây chỉ là bước khởi đầu, có thể thắng, có thể không thắng nhưng nhất thiết phải đạt được một bước đi, một bước tiến cụ thể trên hành trình không đơn giản ở phía trước./.

Mới nhất

x
Chờ đợi ông Troussier tiếp bước ông Calisto
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO