Ngăn chặn đốt nương rẫy
(Baonghean) - Chúng tôi về xã Tiền Phong – Quế Phong ngoài diện tích rẫy được giao theo quy hoạch thì có khá nhiều hộ dân nơi đây phát nương làm rẫy trái phép. Đi dọc vào bản Na Dến, các bản tái định cư Piêng Cu I, Piêng Cu II, Huồi Muồng và Na Câng, những cánh rừng tự nhiên đều nằm sát khu dân cư, bị bà con phát, chờ nắng nóng để đốt làm rẫy. Lô Văn Xuân ở bản Na Dến - một trong những hộ dân phát nương làm rẫy trái phép cho hay: Do thiếu đất sản xuất nên gia đình đã làm liều phát trộm nương làm rẫy để trồng sắn kiếm sống.
(Baonghean) - Chúng tôi về xã Tiền Phong – Quế Phong ngoài diện tích rẫy được giao theo quy hoạch thì có khá nhiều hộ dân nơi đây phát nương làm rẫy trái phép. Đi dọc vào bản Na Dến, các bản tái định cư Piêng Cu I, Piêng Cu II, Huồi Muồng và Na Câng, những cánh rừng tự nhiên đều nằm sát khu dân cư, bị bà con phát, chờ nắng nóng để đốt làm rẫy. Lô Văn Xuân ở bản Na Dến - một trong những hộ dân phát nương làm rẫy trái phép cho hay: Do thiếu đất sản xuất nên gia đình đã làm liều phát trộm nương làm rẫy để trồng sắn kiếm sống.
Na Dến có 110 hộ dân chủ yếu đồng bào Thái, cuộc sống bà con còn rất khó khăn, tỷ lệ đói nghèo chiếm 83%, cả bản chỉ có chưa đầy 8 ha lúa nước, và trên 10 ha rẫy theo quy hoạch. Thiếu đất sản xuất trầm trọng nên nhiều hộ dân đã vào rừng phát nương làm rẫy trái phép để sản xuất lương thực. Ông Nguyễn Đình Kiệm - Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong lo lắng: Điều đặc biệt nguy hiểm là hiện nay 4 bản tái định cư Piêng Cu I, Piêng Cu II, Huồi Muồng và Na Câng đất sản xuất của bà con chưa được giao nên việc ngăn cấm các hộ dân tái định cư phát nương làm rẫy trái phép là rất khó khăn.
Ông Bạch Đức Hạnh - Trạm trưởng kiểm lâm Trung tâm – Hạt Kiểm lâm Quế Phong (phụ trách địa bàn 2 xã Hạnh Dịch và Tiền Phong) cho biết: Từ ngày 15/3 đến nay lực lượng kiểm lâm phối hợp với UBND xã Tiền Phong đã phát hiện và đình chỉ 17 hộ dân phát nương làm rẫy trái phép tại khu vực bản Na Dến, với diện tích rẫy trái phép trên 12.000 m2, nhiều hộ dân phát nương rẫy với quy mô lớn là Vi Văn Tuyết 1.800 m2, Nguyễn Thị Tâm 1000 m2, còn lại là từ 500 - 800 m2.
Phát nương đốt rẫy ở Mường Nọc – Quế Phong. |
Ở xã Thông Thụ có khá nhiều hộ phát nương làm rẫy trái phép tập trung ở các khu vực Hiệp An, Hiệp Phong… Toàn xã Thông Thụ có trên 40.000 ha rừng (diện tích nhiều nhất huyện), có 13 thôn bản trong đó có đến 9 bản của vùng tái định cư Thủy điện Hủa Na, chủ yếu đều sống sát với bìa rừng. Trước đây toàn xã có 138 ha lúa nước, nhưng do thu hẹp của lòng hồ thủy điện nên nay chỉ còn gần 60 ha, cộng với 30 ha rẫy được giao theo quy hoạch thì bà con xã Thông Thụ vẫn thiếu đất sản xuất. Vì vậy, ngay từ những đợt nắng nóng đầu hè năm 2014, nhiều bà con đã tổ chức phát nương làm rẫy trái phép. Lực lượng chức năng của Hạt Kiểm lâm Pù Hoạt và xã Thông Thụ mới đây đã phát hiện và đình chỉ được 13 hộ dân phát nương làm rẫy trái phép.
Ông Lê Hải Lý - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quế Phong trao đổi: Toàn huyện Quế Phong được giao diện tích nương rẫy theo quy hoạch trên 800 ha thuộc 8 xã. Tuy nhiên, do nhu cầu đất sản xuất nên từ đầu năm 2014 đã xuất hiện tình trạng đốt nương làm rẫy trái phép ở các xã Đồng Văn, Thông Thụ, Tri Lễ, Tiền Phong…Từ đầu vụ nắng nóng Hạt Kiểm lâm Quế Phong đã phối hợp với các chủ rừng, UBND các xã đẩy đuổi, đình chỉ trên 50 đối tượng đốt nương làm rẫy trái phép trên toàn huyện và đang tham mưu cho các xã xử phạt theo quy định.
Hạt Kiểm lâm Quế Phong phối hợp với UBND huyện Quế Phong giao đất nương rẫy cho bà con xã Tiền Phong. |
Nhằm giảm thiểu đốt nương làm rẫy gây cháy rừng, Hạt Kiểm lâm Quế Phong, Hạt Kiểm lâm Pù Hoạt đã tăng cường phối hợp với các ngành chức năng của huyện, xã rà soát ranh giới, diện tích nương rẫy và quy hoạch để ổn định sản xuất và làm tốt công tác PCCCR. Từ đó triển khai kế hoạch giám sát chặt chẽ việc sản xuất nương rẫy theo đúng quy trình. Hướng dẫn nhân dân làm rẫy đúng với quy hoạch, đúng quy định về PCCCR, yêu cầu trước khi đốt rẫy phải thông báo với chính quyền địa phương và Hạt Kiểm lâm. Lực lượng cán bộ kiểm lâm cơ sở có trách nhiệm hướng dẫn quy trình đốt rẫy, trong thời điểm phát đốt nương rẫy phân công cử người trông coi thường trực đề phòng lửa cháy lan vào rừng, đồng thời huy động lực lượng chữa cháy nếu có cháy rừng xảy ra. Trong thời điểm khô hạn kiệt, nguy cơ cháy rừng ở cấp cực kỳ nguy hiểm cần phải tạm dừng việc đốt dọn nương rẫy. Xử lý nghiêm minh người có hành vi vi phạm hoặc lợi dụng canh tác nương rẫy để phá rừng trái phép hoặc gây cháy rừng. Thống kê, xác định cụ thể hiện trạng diện tích, loại hình canh tác và đối tượng canh tác nương rẫy; rà soát, quy hoạch nương rẫy bảo đảm sự thống nhất với quy hoạch 3 loại rừng và quy hoạch sử dụng đất đai của địa phương.
Để hạn chế nguy cơ cháy rừng trong mùa nắng nóng, Quế Phong cần xây dựng chương trình chuyển đổi canh tác nương rẫy bền vững trên địa bàn theo hướng thâm canh ruộng bậc thang. Địa phương cần có cơ chế, lồng ghép các chương trình, dự án tạo hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn kỹ thuật cho đồng bào trồng rừng, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả và cây làm thức ăn gia súc... để giải quyết việc làm, tăng thu nhập gắn với bảo vệ rừng. Đối với các bản tái định cư Thủy điện Hủa Na cần được giao đất sản xuất sớm để bà con ổn định cuộc sống, hạn chế vào rừng đốt nương làm rẫy.
Văn Trường