Ngân hàng đối mặt với... “tiền tồn kho”
Sau thời gian dài doanh nghiệp đối mặt với hàng tồn kho thì hiện nay, đúng như dự báo, các ngân hàng cũng đang đối mặt với... tiền tồn kho. Câu chuyện nghe có vẻ lạ khi thị trường thường nghe nói tới doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn chứ chưa có chuyện tiền ế. Thế nhưng, đó là thực tế đang diễn ra.
(Baonghean) - Sau thời gian dài doanh nghiệp đối mặt với hàng tồn kho thì hiện nay, đúng như dự báo, các ngân hàng cũng đang đối mặt với... tiền tồn kho. Câu chuyện nghe có vẻ lạ khi thị trường thường nghe nói tới doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn chứ chưa có chuyện tiền ế. Thế nhưng, đó là thực tế đang diễn ra.
Hiện nay, trên thị trường tín dụng, rất nhiều ngân hàng thừa vốn, muốn cho vay nhưng nhìn chung khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp rất kém. Doanh nghiệp lành mạnh thì không thiết tha, ngần ngại vay vốn mặc dù ngân hàng đã hạ lãi suất tiền vay và tăng khuyến mại; còn doanh nghiệp có tình hình tài chính kém thì ngân hàng không dám cho vay, sợ lâm vào cảnh "đem con bỏ chợ". Chính vì thế, ngân hàng rất khó đẩy tín dụng ra. Hiện nhiều ngân hàng đang ứ vốn phải xả, nhưng xả đi đâu khi mà Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa toàn tỉnh có 5.000 doanh nghiệp, nhưng đa phần là doanh nghiệp nhỏ quy mô lao động bình quân 5-8 người/doanh nghiệp, dịch vụ là chủ yếu và với trên 50% là thuộc nhóm yếu. Báo cáo thống kê từ chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho thấy, từ đầu năm đến nay, tình trạng tăng trưởng vốn huy động cao hơn dư nợ đang diễn biến khá lo ngại. Quý I/2013, huy động tiếp tục tăng cao, đạt 48.400 tỷ đồng, tăng 9,7% so với đầu năm, thì cho vay chỉ tăng rất nhẹ 1,3% (đạt 78.340 tỷ đồng).
Lãi suất cho vay giảm nhưng doanh nghiệp vẫn khó hấp thụ vốn.
Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH đóng tàu thuyền Hải Châu.
Ông Võ Minh Quân - Giám đốc Công ty CP Naconex Nghệ An, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Vinh, cho biết: “Không như trước đây, hiện nay với doanh nghiệp có tiềm lực, vay trả sòng phẳng được ngân hàng chăm sóc rất chu đáo. Doanh nghiệp chúng tôi có khá nhiều ngân hàng mời chào vay vốn, song với tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn như hiện nay, chúng tôi cũng vay rất dè dặt. Bởi ngoài lãi vay ngân hàng, còn rất nhiều chi phí khác như tiền công lao động, thuế, mặt bằng... không cẩn thận vay (cho dù lãi suất thấp) sẽ thêm gánh nặng. Hiện doanh nghiệp chúng tôi còn vay khoảng 60 tỷ đồng vốn ngân hàng và huy động các nguồn khác. Với số vốn vay này, hàng năm phải trả khoảng 7 tỷ đồng tiền lãi, ngoài ra là các khoản khác để duy trì việc làm cho 200 lao động. Trong điều kiện sản xuất khó khăn, doanh số 3 tháng đầu năm tiếp tục trượt giảm khoảng 30% so với cùng kỳ, vay bao nhiêu và phương án sản xuất như thế nào để duy trì là vấn đề mà chúng tôi luôn phải tính kỹ".
Tương tự, tại Công ty CP sản xuất và thương mại Hưng Phát (KCNN Nghi Phú), ông Nguyễn Văn Sinh - Giám đốc Công ty cho biết: “Việc vay vốn hiện nay không khó, chúng tôi vừa vay vài tỷ đồng từ Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Trung Đô với lãi suất 11,5%/năm. Thời gian qua công trình lớn rất ít, không triển khai được, doanh nghiệp chỉ có một số công trình nhỏ; doanh số quý I đạt 11 tỷ đồng, bằng 90% so với kế hoạch. Đầu ra khó khăn, sản phẩm tồn kho nên vay vốn là cần thiết nhưng phải cẩn trọng”.
Tại Ngân hàng Sacombank chi nhánh Nghệ An, đến cuối tháng 3, huy động đạt 630 tỷ đồng, tăng 80 tỷ đồng so với đầu năm, nhưng cho vay lại giảm 30 tỷ đồng so với đầu năm. Tại chi nhánh Ngân hàng SHB, huy động tăng đều, đến 31/3 là 1.465 tỷ đồng, tăng 300 tỷ đồng nhưng dư nợ chỉ đạt 760 tỷ đồng, tăng 30 tỷ đồng tương ứng với 3% so với đầu năm. Một cán bộ Chi nhánh Ngân hàng SHB cho hay, từ đầu năm đến nay hầu như không phát sinh dư nợ mới, nguyên nhân là lãi suất cho vay tại SHB đang cao, bình quân 14-14,5%/năm. Khách hàng có tài chính tốt không có nhưng có khách hàng tình hình tài chính xấu đến vay nhằm đáo nợ, chuyển nợ xấu từ ngân hàng này sang ngân hàng khác thì ngân hàng từ chối.
Tình trạng mất cân đối giữa huy động và cho vay trong 3 tháng đầu năm 2013 diễn ra không chỉ đối với ngân hàng cổ phần mà nhiều ngân hàng thương mại cũng chung cảnh. Tại Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Vinh, tính đến ngày 21/3/2013, tổng nguồn vốn huy động lên tới 5.413 tỷ đồng, nhưng dư nợ cho vay là 2.234 tỷ đồng. Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần chia sẻ: Trước đây, sau khi huy động, ngân hàng đẩy qua kênh tín dụng, ngoài việc trừ đi một tỷ lệ để trích lập dự phòng và dự trữ bắt buộc cùng các nghĩa vụ an toàn vốn theo quy định trước khi cho vay, số còn lại bán vốn trên thị trường liên ngân hàng. Nhưng nay, với quy định ngặt nghèo tại Thông tư 21, cánh cửa này gần như đóng lại. Ngân hàng dư vốn thì họ không mua, còn những ngân hàng yếu kém hơn, có thể mua vốn thì lại bị thông tư yêu cầu phải trích lập dự phòng quá lớn.
Như vậy, tín dụng tăng trưởng chậm, thậm chí có ngân hàng còn âm, giao dịch vốn trên thị trường liên ngân hàng cũng khó, còn mua trái phiếu Chính phủ thì lãi không đáng kể. Trước tình trạng vốn khả dụng dư thừa như hiện nay, các ngân hàng lựa chọn giải pháp “xả tiền” bằng cách giảm lãi suất huy động, xả bớt nguồn để tránh áp lực chi phí vốn. Mặc dù ngày 25/3/2013, Ngân hàng Nhà nước mới công bố áp trần lãi suất tiền gửi VND kỳ hạn dưới 12 tháng về mức 7,5%/năm từ mốc 8%/năm nhưng trước đó 2 ngày, Vietcombank và một số đơn vị đã đưa lãi suất kỳ hạn này về 7,5%/năm.
Hạ lãi suất huy động để xả nguồn và từ đó cân đối giảm lãi suất cho vay là cách mà ngân hàng thực hiện. Tuy nhiên, theo phản ánh, lãi suất cho vay của các ngân hàng cần giảm thêm thì doanh nghiệp mới có thể hoạt động được. Và, việc giảm lãi cho vay khơi thông dòng tiền là quan trọng nhưng bên cạnh đó, Nhà nước cần quan tâm tới chính sách thuế cũng như giải pháp đẩy hàng tồn kho,... nhằm hỗ trợ, tiếp sức thêm cho doanh nghiệp, vực dậy nền kinh tế.
Bài, ảnh: Thu Huyền