Ngân hàng Phát triển Việt Nam có chủ tịch mới

06/06/2016 18:34

Với nhân sự mới cho giai đoạn phát triển mới, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) phải trở thành một định chế tài chính vững mạnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Thừa
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trao quyết định bổ nhiệm ông Phạm Quang Tùng giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị VDB - Ảnh: VGP/Thành Chung

Ngày 6/6 tại trụ sở VDB, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trao quyết định bổ nhiệm ông Phạm Quang Tùng giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị VDB.

Cách đây 1 tuần, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 929 bổ nhiệm ông Phạm Quang Tùng từ vị trí Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị VDB, thay cho ông Nguyễn Quang Dũng, quyền Chủ tịch Hội đồng quản trị của ngân hàng này nghỉ hưu theo chế độ.

Trong bối cảnh cả nước đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2021 và VDB đang trong giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mong muốn: “Ông Phạm Quang Tùng cùng toàn thể cán bộ, nhân viên ngân hàng phải đưa VDB trở thành một định chế tài chính vững mạnh, phát triển nhanh, bền vững, vì mục tiêu cao nhất là sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu các bộ, ngành và VDB hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tổ chức bộ máy và hoạt động của ngân hàng này. Cụ thể, VDB phải nghiêm túc thực hiện Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 3/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về điều lệ tổ chức hoạt động.

Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo các vụ, cục phối hợp chặt chẽ với VDB để sớm hoàn thiện Nghi định thay thế Nghị định số 75 về tín dụng đầu tư theo hướng điều chỉnh cả tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu, bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế; hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, nhất là doanh nghiệp sản xuất hàng nông sản xuất khẩu. Nghị định thay thế Nghị định 75 sẽ tạo điều kiện pháp lý để VDB xác định cơ quan chủ quản là Bộ Tài chính và thực hiện các giải pháp tín dụng phục vụ cho đầu tư, xuất khẩu.

Trong hoạt động cho vay ngắn hạn đối với các dự án mà VDB tập trung cho vay thì Bộ Tài chính và VDB phải ban hành các quy định chặt chẽ, bảo đảm an toàn và không cấp bù chênh lệch lãi suất cho các dự án này. Đối với lãi suất cho vay, phải theo hướng lấy lãi suất đầu vào để quyết định lãi suất đầu ra; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hỗ trợ các dự án ở địa bàn trọng điểm quốc gia hoặc trong các lĩnh vực tư nhân không thực hiện được.

Về trích lập dự phòng, lãnh đạo Chính phủ đề nghị VDB tuân thủ các quy định của thị trường và cho biết Nhà nước sẽ không bao cấp tràn lan cho hoạt động này và ngân hàng phải phát huy tính năng động của mình. “Cần để cho VDB huy động vốn và cho vay, đồng thời phải tăng cường phân cấp, phân quyền cho VDB hoạt động. Bộ Tài chính hay Chính phủ không quyết thay cho VDB”, Phó Thủ tướng nói.

VDB cũng sớm trình Bộ Tài chính ban hành các quy định để triển khai Quyết định 1515 của Thủ tướng Chính phủ; ban hành cơ chế tài chính và quy chế xử lý rủi ro, Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu 5 năm tới, Đề án cho vay vốn lưu động và ngân sách không cấp bù chênh lệch lãi suất, Đề án bổ sung vốn điều lệ, phân loại nợ cho VDB...

Phó Thủ tướng cũng đề nghị tập thể lãnh đạo và cán bộ, nhân viên của VDB nỗ lực, sáng tạo thực hiện thành công các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong năm 2016.

Theo Chinhphu.vn

Ngân hàng Phát triển Việt Nam có chủ tịch mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO