Ngân hàng tăng cường kiểm soát thị trường ngoại tệ

18/05/2011 11:47

Ngay sau khi ban hành thông tư 09/2011 quy định về mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng đô la Mỹ, Ngân hàng nhà nước Việt Nam tiếp tục tăng cường quản lý ngoại tệ bằng Thông tư 07 quy định cho vay bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay là người cư trú. Thông tư 07 chính thức có hiệu lực từ ngày 9/5 được đánh giá là có nhiều điểm mới so với quy định trước đó, tạo thuận lợi hơn cho cả ngân hàng và doanh, “hạ nhiệt” thị trường ngoại tệ vốn khá căng thẳng trong thời gian qua.

(Baonghean) - Ngay sau khi ban hành thông tư 09/2011 quy định về mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng đô la Mỹ, Ngân hàng nhà nước Việt Nam tiếp tục tăng cường quản lý ngoại tệ bằng Thông tư 07 quy định cho vay bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay là người cư trú. Thông tư 07 chính thức có hiệu lực từ ngày 9/5 được đánh giá là có nhiều điểm mới so với quy định trước đó, tạo thuận lợi hơn cho cả ngân hàng và doanh, “hạ nhiệt” thị trường ngoại tệ vốn khá căng thẳng trong thời gian qua.

Thực hiện đúng tinh thần Nghị định 11 của Chính phủ về việc siết chặt thị trường tín dụng, kiềm chế lạm phát, trước tình hình loạn thị trường tự do về ngoại tệ, Thông tư 07 ra đời quy định tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối xem xét quyết định cho khách hàng là người cư trú vay vốn bằng ngoại tệ. Cụ thế, cho vay ngắn hạn, trung và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ mà khách hàng vay có ngoại tệ để trả nợ vay từ nguồn thu sản xuất - kinh doanh, mua của tổ chức tín dụng cho vay hoặc tổ chức tín dụng khác phải được cam kết bằng văn bản. Đây là điểm mới, chặt hơn so với Quyết định 09 trước đó (trước đây không có cam kết về trả nợ). Cho vay ngắn hạn để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ để trả nợ vay từ nguồn thu xuất khẩu; trường hợp khách hàng vay bằng ngoại tệ đối với nhu cầu vốn này để sử dụng trong nước thì khách hàng vay phải bán sổ ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot).


Ảnh minh họa

Theo quy định tại Thông tư 07/2011/TT-NHNN, ngân hàng chỉ được cho vay ngoại tệ nếu khách hàng cam kết có ngoại tệ trả nợ. Quy định không cấm đơn vị nhập khẩu vay, nhưng muốn vay thì phải có điều kiện. Trong khi đó, nhà nhập khẩu chỉ có nguồn thu ngoại tệ trong trường hợp tạm nhập, tái xuất. Về phía ngân hàng, muốn cho doanh nghiệp vay, phải đi kèm cam kết bán ngoại tệ để doanh nghiệp trả nợ vào ngày đáo hạn. Điều đó có nghĩa là bên cho vay phải cùng lo trả nợ với bên vay. Như vậy, khi cho vay, các ngân hàng không chỉ nhìn vào nguồn vốn huy động USD, mà còn phải cân đối nguồn ngoại tệ thương mại hiện tại và tương lai để tránh rủi ro.

Như vậy, cộng với việc áp trần lãi suất huy động tiền gửi đối với USD chỉ còn 3%/năm và tăng trữ bắt buộc thêm 2% đối với tiền gửi ngoại tệ, khiến cho người dân không muốn găm giữ USD. Bởi lúc này, với trần lãi suất áp dụng cho tiền gửi ngoại tệ từ mức cao nhất 6,5%/năm giảm xuống còn 3%/năm, không ít khách hàng đã chuyển sang tiền đồng để gửi tiết kiệm hưởng lãi suất lên đến 17 - 18%/năm. Đặc biệt, khi tỷ giá trên thị trường tự do dần ổn định và kéo sát về với tỷ giá niêm yết chính thức trong các ngân hàng thương mại, thì việc giữ USD sẽ không còn có lợi. Không còn căng thẳng ngoại tệ, hoạt động thị trường tự do lắng xuống và ngân hàng có cơ hội nhiều hơn để tăng dự trữ bắt buộc đối với ngoại tệ. Theo đó, doanh nghiệp cũng dễ dàng khi có nhu cầu trong hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu.

Tại Vietcombank, sau khi Thông tư 09 quy định về mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng đô la Mỹ và Thông tư 07 quy định cho vay bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng có hiệu lực, mức huy động USD tại Ngân hàng này giảm mạnh nhưng doanh số mua vào tăng vọt, nguồn cung ngoại tệ dồi dào, trái với suy nghĩ của nhiều người rằng, với tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ tăng thêm 2%, các ngân hàng sẽ khó đẩy mạnh cho vay ngoại tệ, điều này dẫn đến nguồn vốn huy động bằng ngoại tệ của các ngân hàng vốn đã khó khăn nay càng khó hơn.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An cho thấy tính đến ngày 30/4 huy động vốn bằng ngoại tệ trên địa bàn đạt 4.320 tỷ đồng, tăng 255 tỷ so với đầu năm, bằng 6,3%. Cho vay ngoại tệ đạt 4.159 tỷ đồng, tăng 278 tỷ so với đầu năm, bằng 7,2%. Như vậy, dư nợ ngoại tệ chỉ bằng 8,2% so với tổng dư nợ. So với nhiều địa phương như Hà Nội hay TP.Hồ chí Minh, “cầu” về ngoại tệ ở Nghệ An không lớn, và với 2 thông tư mới này, nguồn USD đồng loạt đổ vào ngân hàng, doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu tại Nghệ An nhìn chung hết âu lo vì khan hiếm ngoại tệ.

Bà Nguyễn Thị Thu Thu - Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh Nghệ An cho rằng: Với các quy định được ban hành tại Thông tư là biện pháp cần thiết nhằm thực hiện các giải pháp tiền tệ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm tình trạng đô la hóa trên thị trường, chuyển dần quan hệ huy động - cho vay bằng USD ở trong nước của tổ chức tín dụng sang quan hệ mua - bán ngoại tệ, hoạt động huy động và cho vay bằng ngoại tệ sẽ giảm. Đặc biệt, với Thông tư 07, còn là động thái hạn chế nhập siêu những mặt hàng không cần thiết, góp phần kiềm chế lạm phát hiện nay.


Thu Huyền

Mới nhất

x
Ngân hàng tăng cường kiểm soát thị trường ngoại tệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO