Ngân sách quốc phòng - vòng kim cô siết quân đội của ông Tập

08/03/2016 08:29

Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phê chuẩn mức tăng ngân sách quốc phòng "thấp một cách bất ngờ" là bằng chứng cho thấy ông đang muốn kiểm soát chặt chẽ hơn quân đội thông qua công cụ kinh tế.

ngan-sach-quoc-phong-vong-kim-co-siet-quan-doi-cua-ong-tap

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP

Nhiều quan chức quân đội Trung Quốc đang có những động thái hiếm gặp khi công khai thể hiện sự thất vọng trước mức tăng ngân sách quốc phòng quá thấp mà chính phủ Trung Quốc thông báo hồi cuối tuần trước, theo South China Morning Post.

Trung Quốc năm nay sẽ tăng 7,6% chi tiêu quân sự, lên đến 146 tỷ USD. Dù vậy, mức tăng này được đánh giá là tương đối thấp nếu so với tỷ lệ 10,1% của năm ngoái. Đây đồng thời cũng là mức tăng ngân sách quốc phòng một con số đầu tiên ở Trung Quốc kể từ năm 2010.

Thiếu tướng Qian Lihua, cựu lãnh đạo văn phòng đối ngoại trực thuộc Bộ Quốc phòng, hôm 5/3 phát biểu trong một phiên thảo luận của Ủy ban Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc nhấn mạnh, so với năm ngoái, mức tăng năm nay là một "sự sụt giảm lớn".

"Trước khi Đại hội Nhân dân Toàn quốc khai mạc, truyền thông phương Tây còn dự báo ngân sách quốc phòng Trung Quốc có thể tăng tới 20%. Kết quả chẳng những thấp hơn rất nhiều so với những gì phương Tây suy đoán mà thậm chí còn cách xa kỳ vọng của tôi", ông Qian nói.

Theo chuẩn đô đốc đã nghỉ hưu Yin Zhuo, hiện là một cố vấn chính trị, tăng trưởng chi tiêu quốc phòng đúng là phải phù hợp với tình hình kinh tế của đất nước nhưng nó vẫn cần đủ lớn để đảm bảo đáp ứng các "nhu cầu an ninh" quốc gia.

"Chúng ta không nên để đà phát triển quân sự bị chững lại trong khi những thách thức an ninh đến từ bên ngoài, đặc biệt là trên biển, đang gia tăng nhanh chóng", Yin nhận xét. Ông cho rằng Trung Quốc quả thực không thể cạnh tranh với Mỹ trong cuộc đua phát triển vũ khí nhưng tỷ lệ chi tiêu quân sự so với giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP), hiện ở mức 1,5%, là quá thấp.

"Tôi nghĩ hai đến 2,5% là hợp lý", Yin nói. "Chúng ta còn đang cắt giảm tới 300.000 sĩ quan quân đội. Vì thế, ta cũng cần nguồn tiền bổ sung để giúp những cựu binh này ổn định cuộc sống".

Trung tướng Wang Hongguang, cựu tư lệnh Bộ Chỉ huy Quân sự Nam Kinh, hôm 3/3 cũng tuyên bố quân đội Trung Quốc năm nay cần tăng ngân sách tới 20% mới đủ để chi tiêu phục vụ cho quá trình hiện đại hóa cũng như đối phó với những thách thức trên Biển Đông và Hoa Đông.

Minh chứng sức mạnh

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đứng đầu Ủy ban Quân sự Trung ương, hồi tháng 9 năm ngoái thông báo kế hoạch cắt giảm 300.000 binh sĩ không chiến đấu nhằm cải tổ quân đội, hướng tới mục tiêu xây dựng một bộ máy hiện đại và tinh giản.

Quyết định trên được đưa ra sau khi một số quan chức quân đội cấp cao, gồm tướng Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, cựu phó chủ nhiệm Quân ủy Trung ương, cùng tướng Cốc Tuấn Sơn, cựu phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Quân đội Nhân dân Trung Quốc, đều bị điều tra trong chiến dịch chống tham nhũng quy mô "đả hổ diệt ruồi" do ông Tập khởi xướng.

Quân đội Trung Quốc đang đứng trước cuộc
Quân đội Trung Quốc đang đứng trước cuộc "cải tổ" mạnh mẽ? (Ảnh minh hoạ)

Ông Tập "đã có một nước cờ thông minh khi phát động chiến dịch chống tham nhũng trước khi tuyên bố cắt giảm nhân sự quân đội bởi lúc này các quan chức quân sự cấp cao sẽ cảm thấy lo lắng vì quá nhiều hổ lớn đã thất thế", một nguồn tin giấu tên nhận định đồng thời thêm rằng, qua hành động đó, Chủ tịch Trung Quốc còn muốn cho giới quân đội thấy ông hoàn toàn có khả năng kiểm soát cuộc sống của họ.

"Không giống Đặng Tiểu Bình, người từng ra lệnh cắt giảm một triệu binh sĩ những năm 1980, ông Tập là một lãnh đạo quân đội nhưng có xuất thân dân sự. Thế nên, ông ấy phải dùng chiến dịch chống tham nhũng được công chúng ủng hộ và các công cụ tài chính để xây dựng uy tín cá nhân", nguồn tin giấu tên nói.

Với việc chấp nhận mức tăng ngân sách quốc phòng thấp hơn kỳ vọng, ông Tập dường như muốn gửi đi thông điệp rằng ông không thể tiếp tục trao thêm những đặc quyền, đặc lợi, cho quân đội trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đứng trước bờ vực suy thoái.

Dù vậy, Antony Wong Tong, quan sát viên quân sự từ Macau, đánh giá phương pháp tiếp cận của ông Tập đang ẩn chứa "nhiều rủi ro".

"Ông ấy một mặt giao nhiều nhiệm vụ hơn cho quân đội nhưng mặt khác lại lấy đi nguồn lực của họ", Antony bình luận. "Nhiều khả năng hành động này sẽ phản tác dụng nếu ông Tập không thể khiến tất cả quan chức quân đội cấp cao nghe theo mình".

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Ngân sách quốc phòng - vòng kim cô siết quân đội của ông Tập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO