Ngành dệt may Nghệ An: Góc nhìn cận

06/11/2011 16:46

(Baonghean) - Sau sự kiện động thổ khởi công xây dựng cụm dệt may Nam Đàn ngày 26/3/2011, nhiều ý kiến cho rằng tương lai ngành dệt may Nghệ An sáng sủa, nhưng quên mất một thực tế đang rất ảm đạm. Bài viết này xin quan sát gần và tìm hiểu nguyên nhân tại sao còn yếu kém…

Lý do tươi sáng thì tựu trung lại trong một thời gian ngắn, ngoài 2.800 cơ sở sản xuất kinh doanh dệt may đang sản xuất thì có thêm nhiều dự án lớn kể cả đầu tư của nước ngoài trực tiếp với số vốn lớn, khả năng thu hút lao động nhiều. Các dự án đang xây dựng hoặc mới bắt đầu vào cuộc như: Dự án Xí nghiệp may thêu xuất khẩu Khải Hoàn - Anh Sơn đầu tư hơn 40 tỷ đồng thu hút 2000 lao động; Dự án mở rộng công ty Minh Anh - Kim Liên, đầu tư 20 tỷ đồng, thu hút hơn 2.000 lao động; Dự án công ty TNHH PreX Vinh, tại Khu Công Nghiệp Lạc Sơn, đầu tư 240 tỷ đồng, thu hút hơn 4.000 lao động; Dự án công ty HAIVINA Kim Liên tại xã Nam Giang, với tổng vốn đầu tư 110 tỷ đồng, thu hút hơn 4.000 lao động; Tổng Dự án dệt may Nam Đàn Hanosimex tại Nam Giang, đầu tư 1.350 tỷ đồng thu hút 2.000 lao động. Những con số phản ánh thực trạng sản xuất 8 tháng đầu năm nay, rất đáng để chúng ta suy nghĩ

Theo số liệu Cục thống kê Nghệ An, sản phẩm dệt kim tháng 8/2011 đạt 160.000 sản phẩm ; tính cả 8 tháng gộp lại mới được 1,105 triệu sản phẩm (chỉ tiêu đề ra trong năm nay là 16 triệu sản phẩm). Mặt hàng sợi, 8 tháng mới đạt 4.256 tấn/ 284.000 tấn kế hoạch. Sản phẩm dệt may ước mới đạt 4,166 triệu sản phẩm/kế hoạch năm là 16 triệu sản phẩm. Như vậy, chỉ còn 4 tháng nữa là hết năm mà mới đạt 15% và 25% kế hoạch năm mà con số kế hoạch chỉ tăng hơn năm trước 115% đến 160%.



Sản xuất tại Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan. Ảnh: Mai Hoa

Về̀ mặt giá trị xuất khẩu, trong 8 tháng ngành dệt may Nghệ An đạt 3,690 triệu USD /130,540 triệu USD tổng hàng xuất khẩu của tỉnh, bằng 2,85% tổng giá trị kim ngạch. Nếu so với kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may trong cả nước thì giá trị xuất khẩu của Nghệ An càng không đáng kể. Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong tháng 8/2011 cả nước đã xuất khẩu được 1,38 tỷ USD. Như vậy, tỉnh ta mới chỉ bằng 3 phần nghìn !.

Vì sao chúng ta có nhiều xí nghiệp sản xuất và kinh doanh mặt hàng dệt may, trong đó có những công ty lớn như công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan, Công ty CP may Kim Anh - Minh Liên, Công ty TNHH Phú Vinh… mà lượng xuất khẩu quá ít vậy. Ông Nguyễn Văn Thế, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương) cắt nghĩa rằng: Số doanh nghiệp dệt may của ta nhìn chung sản xuất theo phương thức gia công đặt hàng. Cách này chỉ ăn một phần ngọn, rất ít lãi. Vừa qua ngành dệt may cả nước đã phục hồi các công ty lớn ký được những hợp đồng có lợi nhưng những đơn vị gia công vẫn phải chờ nhỏ giọt và bị động. Trong sản phẩm dệt may các khâu thiết kế, nguyên liệu, may (dệt) và lưu thông thì phần thiết kế cơ bản là của họ, nguyên liệu cũng của họ và ít đơn vị xuất trực tiếp. Phần nguyên liệu như vải, khuy, phéc mơ tuya, đáng lẽ có những nhà máy phụ trợ để chủ động và giảm giá thành nhưng do ở Nghệ An sản phẩm ít, không đáng đầu tư nhà máy cung ứng nên đành phải nhập từ đơn vị khác.

Còn lý so sản phẩm ít thì do vị trí địa lý Nghệ An không gần cảng Hải phòng. Cảng Nghệ Tĩnh tuy lớn nhưng tần suất xuất khẩu ít nên phải tập kết tại cảng Hải Phòng, chi phí vận chuyển cao. Mặt khác, ngành dệt may chi phí mua máy móc thiết bị đầu tư không lớn nhưng tay nghề lại rất quan trọng; trong khi ở tỉnh ta do phải gia công mặt hàng không ổn định, thay đổi luôn khiến thợ ít kỹ năng kỹ xảo, năng suất thấp và mẫu mã kém. Thực tế các công ty lớn như Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan, Công ty Kim Anh - Minh Liên, Công ty TNHH Phú Vinh vẫn thường sản xuất sản phẩm chủ yếu: khăn, áo sơ mi, áo jacket, áo phông trẻ em và quần áo cho học sinh tiểu học, trung học.. .Năng suất thấp, mặt hàng không ổn định nên, đời sống của người lao động ngành may trên địa bàn Nghệ An bình quân rất thấp. Theo thống kê của Công đoàn Nghệ An, lương bình quân toàn ngành mới đạt 1,7 triệu đồng/tháng. Cá biệt có thời điểm, có đơn vị lương chỉ 1,2 triệu đồng/tháng. (Cả nước lương bình quân của 3.700 doanh nghiệp dệt may, đạt 2,500 triệu đồng/người/tháng) .

Sự yếu kém trong kim ngạch xuất khẩu, sự thiệt thòi trong phương thức sản xuất gia công và bình quân thu nhập của công nhân thấp hiện nay là điều chúng ta cần quan tâm. Gần đây lãi suất vay ngân hàng đã giảm, các doanh nghiệp có thể vay tăng thêm vốn lưu động; mặt khác, kinh tế thế giới sau suy thoái đã dần phục hồi (khả năng xuất khẩu trong năm 2011 cả nước theo dự báo có thể đạt 13 tỷ USD) liệu ngành dệt may Nghệ An có kịp cải thiện nhanh để hoàn thành kế hoạch năm?


Thành Nam

Mới nhất
x
Ngành dệt may Nghệ An: Góc nhìn cận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO