" Ngành điện đang xóa bỏ tư tưởng độc quyền, thực hiện cung ứng điện tốt hơn"
Hôm nay 13/7, ngày làm việc thứ 3, kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVI tiếp tục phiên phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Sau phần chất vấn sở Y tế là phần chất vấn và trả lời chất vấn của Sở Công Thương. Các đồng chí: Trần Hồng Châu – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Thị Lệ Thanh - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Văn Mão - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh điều hành phiên làm việc.
(Baonghean.vn) - Hôm nay 13/7, ngày làm việc thứ 3, kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVI tiếp tục phiên phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Sau phần chất vấn sở Y tế là phần chất vấn và trả lời chất vấn của Sở Công Thương. Các đồng chí: Trần Hồng Châu – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Thị Lệ Thanh - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Văn Mão - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh điều hành phiên làm việc.
Ông Phan Thanh Tịnh - Giám đốc Sở Công thương báo cáo giải trình về Tiến độ thực hiện chương trình phát triển nguồn điện năng, nhất là thủy điện, theo chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVI; tiến độ bàn giao lưới điện nông thôn và hoàn trả tiền đầu tư cho dân sau khi bàn giao trên địa bàn tỉnh còn chậm; giá cả, chất lượng điện năng cung cấp cho các hộ tiêu thụ ở vùng nông thôn còn nhiều bất cập…; trách nhiệm quản lý và giải pháp để khắc phục các vấn đề nêu trên.
Xung quanh vấn đề này đã có 11 ý kiến của đại biểu.
Đại biểu Lô Xuân Vinh (đơn vị Quế Phong) phản ánh kiến nghị của cử tri huyện Quế Phong: trên địa bàn huyện có 8 công trình thủy điện, mới triển khai được 2, còn các công trình khác đã thu hồi đất nhưng chưa bồi thường cho nhân dân. Các công trình này có tiếp tục thực hiện hay không? Nếu thu hồi đất thời điểm nào thì đền bù cho người dân.
Các đại biểu Lô Xuân Vinh, Nguyễn Thị Quỳnh Nga chất vấn.
Giám đốc Sở Công thương trả lời: Trong 8 công trình thủy điện trên địa bàn huyện Quế Phong có 2 công trình đã phát điện là Bản Cốc và Sao Va, còn thủy điện Hủa Na đang giai đoạn tích nước, chuẩn bị phát điện, mọi thủ tục liên quan đến đền bù đã hoàn tất. UBND tỉnh đã có chỉ đạo dừng thi công các công trình thủy điện có công suất nhỏ, nhà thầu không đủ năng lực và không ảnh hưởng đến quy hoạch điện năng của tỉnh. Trong đó có 2 công trình thủy điện trên địa bàn huyện Quế Phong đã khởi công nhưng dừng lại chưa có hợp đồng thuê đất, còn tiền đắp đập, làm đường đã bồi thường cho dân.
Đại biểu Cụt Thị Nguyệt (đơn vị Kỳ Sơn): bao giờ công trình thủy điện Mỹ Lý được khởi công? Hậu quả sau việc xây dựng các công trình thủy điện như việc sạt lở núi bồi lắng lấp dòng chảy sông Nậm Nơn vừa qua ảnh hưởng đến giao thông đi lại, môi trường của bà con vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ.
Giám đốc Sở Công Thương trả lời: Trong quy hoạch, xã Mỹ Lý có 2 công trình thủy điện. Tuy nhiên một công trình có công suất nhỏ 30MW đã được UBND tỉnh quyết định dừng thi công. Công trình thủy điện công suất 250MW, gần biên giới Việt - Lào, Chính phủ Lào đã đồng ý cho Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện. Năm 2011 bắt đầu khảo sát xây dựng nhà máy, đến nay chưa có kết quả, dự kiến vốn đầu tư nhà máy lên 5.000 tỷ đồng, trong điều kiện khó khăn như hiện nay, công trình chưa triển khai được. Sự cố bồi lắng lấp dòng chảy sông Nậm Nơn tháng 5/2012, UBND tỉnh đã chỉ đạo đoàn liên ngành khảo sát có phương án xử lý làm đường bộ cho người dân, khu vực lòng hồ có thể lưu thông được. Kinh phí do Công ty Thủy điện Bản Vẽ chịu trách nhiệm.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga (Thanh Chương) đề nghị Giám đốc Sở Công thương làm rõ việc thay công tơ cũ bằng công tơ mới có thu phí và một số chi phí khác không có biên lai. Hiện nay một số địa phương ở Thanh Chương lưới điện nông thôn bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh. Với trách nhiệm cơ quan chủ quản đề nghị làm rõ trách nhiệm thuộc về ai?
Ông Phan Thanh Tịnh giải trình: Việc thay công tơ cũ bằng công tơ mới định kỳ, nhân viên điện lực không có quyền thu tiền của dân, nếu thu tiền của dân là sai. Một số địa phương như Nam Đàn và Anh Sơn có sai phạm đã được xử lý. Hạ tầng lưới điện xuống cấp sau khi bàn giao lưới điện nông thôn trước hết trách nhiệm bảo vệ tài sản thuộc về toàn dân, còn trực tiếp quản lý là Công ty Điện lực Nghệ An.
Đại biểu Kim Văn Duyên (Quỳ Châu) băn khoăn: Quỳ Châu có 3 xã, 15 bản chưa có điện, địa phương đã đề nghị Nhà nước đầu tư xây dựng tuyến đường điện cho các xã, bản này nhưng đến nay chưa được giải quyết?. Trả lời vấn đề này, ông Phan Thanh Tịnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có 23 xã chưa có lưới điện đến trung tâm xã, hơn 1.500 bản chưa có điện lưới. Việc đầu tư lưới điện đến bản vùng sâu, vùng xa cần kinh phí rất lớn. UBND tỉnh giao cho Sở Công thương lập dự án đến năm 2015 đầu tư xây dựng đường điện cho các xã, bản này. Dự kiến kinh phí hơn 1000 tỷ đồng đến trung tâm cụm xã, bản.
Giám đốc Sở Công thương trả lời chất vấn của các đại biểu.
Đại biểu Phan Thị Thanh Hiền (TX.Thái Hòa) và đại biểu Hồ Văn Hải (Quỳnh Lưu) đề cập việc bàn giao lưới điện hạ áp và trung áp chậm, số tiền đầu tư của nhân dân chưa được trả, ai chịu trách nhiệm và khi nào trả ?
Ông Trịnh Phương Trâm - Giám đốc Công ty Điện Lực Nghệ An trả lời: Đến nay Công ty Điện lực Nghệ An đã tiếp nhận 271 xã. Ước tính tổng giá trị còn lại tài sản tiếp nhận là 90 tỷ đồng (Trong đó có cả vốn của dân góp và vốn đầu tư của Nhà nước). Chủ đầu tư các công trình lưới điện hạ áp nông thôn phần lớn không có hồ sơ sổ sách gốc liên quan đến cơ cấu ngồn vốn, quyết toán cấp thẩm quyền phê duyệt. Không đủ hồ sơ Hợp đồng vay vốn, các chứng từ chứng minh khoản nợ, giấy vay nợ của dân, chứng từ sổ sách phản ảnh số nợ đã trả và số nợ chưa trả… Do vậy vẫn chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt giá trị hoàn trả để làm cơ sở cho ngành điện hoàn trả vốn lưới điện hạ áp nông thôn. Điện lực Nghệ An sẽ thống nhất Sở Tài chính có phương thức chi trả kịp thời cho các địa phương.
Đại biểu Vũ Thị Thanh Hương (Tân Kỳ), Lê Văn Trí (Anh Sơn) bức xúc: Cắt điện không thông báo, nộp tiền điện chậm thì bị cắt điện, lưới điện nông thôn chất lượng yếu kém, có nhiều nơi trên thắp điện, dưới thắp đèn, thu tiền điện không đúng quy định của nhà nước, phải chăng đây là độc quyền của ngành điện ?.
Ông Phan Thanh Tịnh trả lời: Ở một số địa phương chất lượng điện yếu kém, Sở Công thương đã có giải pháp tập trung nâng cấp hệ thống lưới điện. Về giá điện tăng cao do hạ tầng còn bất cập nên tổn thất điện năng lớn.
Xung quanh vấn đề này, ông Trịnh Phương Trâm giải trình thêm: về giá điện, ngành điện thu theo giá bán điện theo quy định của Chính phủ. Các đơn vị dịch vụ bán giá điện cho người dân phải thông qua chính quyền địa phương. Do quản lý buông lỏng dẫn đến cùng địa phương có nhiều giá điện khác nhau. Vì vậy, đề nghị các địa phương cần tăng cường phối hợp với điện lực khi có thông tin cần thông báo cho ngành điện lực xử lý các sai phạm kịp thời. Việc cắt điện có kế hoạch được ngành điện thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, còn cắt điện đột ngột là do có sự cố xảy ra. Ông Trâm khẳng định: Ngành điện đang đẩy mạnh văn hóa doanh nghiệp, xóa bỏ tư tưởng độc quyền, thay đổi cung cách quản lý, thực hiện cung ứng điện tốt hơn cho người dân.
Kết luận nội dung chất vấn này, đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh đánh giá: câu hỏi ngắn gọn, tập trung. Trả lời của Giám đốc Sở Công thương thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm cao. Đề nghị UBND tỉnh phối hợp với Điện lực Nghệ An quan tâm các vấn đề: Việc khai thác các công trình thủy điện phải gắn với phát triển bền vững, đảm bảo môi trường. Tham mưu địa phương giải quyết tốt công tác tái định cư bà con có cuộc sống tốt hơn. Công tác bàn giao lưới điện hạ thế trong năm 2013, tiếp nhận thêm 31 xã ngoài dự án Re II; 42 xã được hoàn trả lưới điện trung áp. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Điện lực Nghệ An phối hợp với Sở Tài chính định giá có phương án sớm hoàn trả tiền đầu tư cho người dân. Phấn đấu đến năm 2015 các xã đều có điện lưới. Về mặt quản lý Nhà nước, Sở Công thương cần tăng cường công tác thanh tra, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm, vì chất lượng phục vụ người dân.
Thanh Lê - Ảnh: Sỹ Minh