Ngành GTVT: Nỗ lực kết nối, tạo động lực phát triển
(Baonghean) - Năm 2014, ngành Giao thông - Vận tải Nghệ An thu hút được 3.700 tỷ đồng đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống giao thông đã cơ bản kết nối các vùng kinh tế, rút ngắn thời gian lưu thông, tạo động lực quan trọng để Nghệ An trở thành trung tâm gắn kết các tỉnh vùng Bắc Trung bộ.
Ở vị trí chiến lược, Nghệ An nói chung và Thành phố Vinh nói riêng đang đứng trước những cơ hội quan trọng kết nối 2 khu kinh tế Nghi Sơn và Vũng Áng cũng như liên kết các tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung bộ. Với những lợi thế về hạ tầng giao thông, cơ chế, chính sách, phát triển công nghiệp phụ trợ... Nghệ An đang tích cực kết nối giao thông, hình thành tam giác kinh tế nội vùng, nội tỉnh với các tỉnh trong khu vực.
Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng kiểm tra tiến độ Dự án nút giao cầu vượt đường sắt Quốc lộ 46 tại phường Cửa Nam (TP. Vinh). Ảnh: Thành Duy |
Giao thông kết nối các vùng
Trong bán kính 100 km, Thành phố Vinh trở thành trung tâm giữa Nghi Sơn và Vũng Áng, 2 địa bàn phát triển mạnh mẽ về cụm công nghiệp lớn. Nằm trong chuỗi liên kết này là các trung tâm: Khu kinh tế Đông Nam, Thị xã Hoàng Mai, Thị xã Cửa Lò... Để phục vụ cho mục tiêu phát triển, tăng cường liên kết vùng, ngành Giao thông - Vận tải (GTVT) Nghệ An tích cực tham mưu cho UBND tỉnh, huy động nguồn lực từ Trung ương và sự phối hợp của các cấp, ngành thu hút được nhiều dự án, đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông mang tính chiến lược.
Trong năm 2014, hàng loạt các công trình giao thông được khởi công và hoàn thành, đem đến sự đổi thay đến ngỡ ngàng cho chính người dân trên địa bàn tỉnh cũng như du khách đến Nghệ An. Đó là: Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đã cơ bản hoàn thành với 6 làn đường cùng những cây cầu vượt đường sắt giúp rút ngắn thời gian lưu thông, vừa góp phần “khơi dậy” tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhà. Tuyến đường tránh Vinh tiếp tục được nâng cấp chất lượng mặt đường và hoàn thành cầu Bến Thủy 2 nối đôi bờ Lam giang. Từ cầu Bến Thủy, tỉnh Hà Tĩnh đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng để đấu nối trục dọc Bắc - Nam. Từ đó, ngành GTVT đang triển khai thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư dự án đường bộ cao tốc đoạn Nghi Sơn (Thanh Hóa) đi Hà Tĩnh dài 93,6 km, trong đó có 88,6 km trên địa bàn Nghệ An với quy mô đường cao tốc loại A, 4 - 6 làn xe. Song song với 2 trục QL1 và đường cao tốc, sẽ là dự án đường ven biển Nghi Sơn đi Cửa Lò giai đoạn 1.
Đây là tuyến đường bộ sát biển nhằm khai thác có hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có biển, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước. Bên cạnh đó, tuyến đường bộ ven biển có thể kết hợp với hệ thống đê biển và hệ thống đường phòng thủ ven biển, tạo thuận lợi trong xử lý các tình huống ứng phó với thiên tai. Việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển được phân thành 2 giai đoạn; Giai đoạn I (từ nay đến năm 2020) sẽ tập trung xây dựng các đoạn tuyến tại các vùng kinh tế trọng điểm và 15 khu kinh tế ven biển đã được xác định trong Đề án “Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020” trong đó có Nghi Sơn (Thanh Hóa), Đông Nam (Nghệ An), Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Việc đầu tư xây dựng 3 trục đường quan trọng kể trên sẽ góp phần rút ngắn thời gian đi lại giữa tam giác kinh tế Nghi Sơn - Vinh - Vũng Áng, tạo thuận lợi cho các trung tâm kinh tế vệ tinh dọc hành lang phát triển, đưa Thành phố Vinh chính thức trở thành Trung tâm Bắc Trung bộ. Cùng với đó, Sân bay Vinh được đầu tư mở rộng đường vào sân bay, mở rộng sân đỗ ô tô, sân đỗ máy bay, lắp đặt thiết bị tín hiệu bay đêm, lắp đặt thiết bị ILS, nâng cấp thành sân bay quốc tế...
Trong chiến lược kết nối nội tỉnh và tăng sức hấp dẫn cho các khu vực trọng điểm phát triển kinh tế không thể không kể đến các dự án gắn kết giữa đô thị trung tâm Vinh với đô thị Cửa Lò, với Khu kinh tế Đông Nam, KCN Hoàng Mai - Đông Hồi, với miền Tây Nghệ An cũng như các dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông của từng khu vực. Để gắn kết Vinh - Cửa Lò, Cửa Hội, tỉnh đang xây dựng 2 tuyến đường gồm đường 72m từ ngã ba Quán Bàu đến đường tránh Vinh dài 7 km và đường 35m từ QL46 đến đường ven sông Lam thuộc Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ với tổng mức đầu tư được duyệt trên 152,922 triệu USD. Cùng với QL46 hiện có, đường tỉnh 535 Vinh - Cửa Hội đang nâng cấp, chuẩn bị đầu tư cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam. Như vậy, chuỗi đô thị Vinh kết nối Cửa Lò đang mở ra, đưa Thành phố Vinh gần với biển và sông Lam trong bán kính khoảng 15 - 20 km. Đó sẽ là trục nối lý tưởng cho một thành phố loại I mang tầm vóc của khu vực và cả nước.
Thi công cầu vượt đường sắt trên Quốc lộ 46B đoạn qua Quán Bánh (TP. Vinh). Ảnh: S.M |
Bên cạnh phát triển giao thông phục vụ kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm dọc trục Bắc - Nam, ngành GTVT Nghệ An cũng dành sự quan tâm cho việc gắn kết hành lang kinh tế ven biển mà trọng tâm là Thành phố Vinh với khu vực miền Tây Nghệ An. Tỉnh đang tiến hành nâng cấp, mở rộng QL7 đoạn Diễn Châu - Đô Lương, một số đoạn của QL48, QL15, QL46 và sẽ đầu tư một loạt tuyến đường tỉnh quan trọng lên miền Tây. Hiệu quả kết nối các vùng nội tỉnh sẽ tạo được sức hút cho các điểm kinh tế trên địa bàn tỉnh. Nhằm tăng sức hút cho Khu kinh tế Đông Nam - Hoàng Mai - Cửa Lò, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt 13 dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng giao thông khu kinh tế.
Song song với mở rộng mạng lưới đường bộ là phát triển hệ thống Cảng nước sâu Cửa Lò và Cảng Đông Hồi kết nối với hệ thống cảng biển Việt Nam, cảng Cửa Lò đã hoàn thành xây dựng đê chắn sóng, chắn cát phía Bắc, hiện đang triển khai thi công nạo vét luồng tàu đảm bảo phục vụ cho tàu 10.000 tấn đẩy tải ra vào và chuẩn bị triển khai dự án mở rộng cảng, xây dựng bến số 5, số 6. Trong tương lai, Cảng Cửa Lò sẽ được nâng cấp, mở rộng cho tàu 2 - 3 vạn tấn ra vào. Cùng đó, Cảng Đông Hồi được xác định là cảng chuyên dùng cho nhà máy nhiệt điện 2.400MW, công nghiệp xi măng và các khu công nghiệp khu vực Tây Bắc Nghệ An, dự kiến đầu tư đảm bảo tiếp nhận tàu 3 - 5 vạn tấn.
Trong bức tranh toàn cảnh về các dự án phát triển giao thông, Sở GTVT Nghệ An đang tăng cường phối hợp với ngành GTVT các tỉnh để thực hiện chiến lược kết nối nội vùng Bắc Trung bộ. Ông Nguyễn Hồng Kỳ - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GTVT cho biết: “Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2016 - 2020, ngành GTVT xác định nhu cầu vốn cho các dự án do Sở GTVT làm chủ đầu tư khoảng 25 ngàn tỷ đồng, bên cạnh đó là các dự án do Ban Quản lý khu Kinh tế Đông Nam làm chủ đầu tư dự kiến khoảng 3,2 tỷ đồng; các dự án giao thông nông thôn, đường tỉnh do các huyện, thị xã, thành phố làm chủ đầu tư dự kiến khoảng 20 ngàn tỷ đồng và các dự án do chủ đầu tư khác đầu tư bằng vốn Trung ương trên địa bàn tỉnh khoảng 28,5 ngàn tỷ đồng. Với mức đầu tư đó, chúng ta có thể sớm hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ kết nối với đường thủy, đường sắt và đường hàng không nhằm giảm thời gian, rút ngắn khoảng cách, tăng cường năng lực vận tải, giao lưu kinh tế - văn hóa giữa các vùng nội tỉnh với vùng kinh tế động lực của cả vùng Bắc Trung bộ”.
Khai thác, quản lý tốt hoạt động vận tải
Những cây cầu vượt hiện đại đã tháo gỡ các nút thắt giao thông; những cây cầu vượt sông nối những bờ vui; những tuyến đường quy mô xích gần lại các vùng kinh tế đã tạo nên diện mạo mới cho tỉnh Nghệ An vững bước trên con đường phát triển. Cùng với việc đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, Sở GTVT chú trọng công tác quản lý hạ tầng và vận tải.
Năm 2014, ngành đã thực hiện 128 đợt kiểm tra chất lượng công trình, trong đó có 80 cuộc kiểm tra do Sở GTVT làm chủ đầu tư và 48 đợt kiểm tra các công trình do các huyện, ngành khác làm chủ đầu tư. Đồng thời, ngành cũng thành lập 18 đoàn kiểm tra hiện trường, tham mưu phân bổ kinh phí, theo dõi quá trình triển khai thực hiện các dự án sửa chữa đường địa phương có sử dụng nguồn “Quỹ Bảo trì đường bộ”. Đến nay, nguồn Quỹ Bảo trì đường bộ đã thu được khoảng 25 tỷ đồng từ phí sử dụng đường bộ đối với các phương tiện ô tô, mô tô, xe máy (đạt khoảng 67% dự toán được giao). Ngành cũng đã tiếp nhận 22,3 tỷ đồng nguồn kinh phí sự nghiệp giao thông đường bộ do ngân sách tỉnh cấp; 37,586 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương phân bổ.
Quốc lộ 1A đoạn qua xã Nghi Yên - Nghi Lộc. Ảnh: S.M |
Tuy nhiên, thực tế công tác quản lý kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh cũng đang gặp nhiều khó khăn như: vốn bảo dưỡng thường xuyên công trình cầu đường chưa đáp ứng nhu cầu; số lượng, quy mô tải trọng các phương tiện vận tải tăng nhanh, ảnh hưởng lớn đến kết cấu các công trình giao thông. Nhưng do chủ động phòng ngừa, từng bước duy tu, sửa chữa, nên không có tình trạng ách tắc kéo dài, đảm bảo chất lượng khai thác. Tổng kinh phí thực hiện công tác quản lý, bảo trì các tuyến đường do sở trực tiếp quản lý là 246,263 tỷ đồng.
Năm 2014, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ GTVT, UBND tỉnh về siết chặt hoạt động của phương tiện quá khổ, quá tải, sở đã tích cực chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả và là điển hình của cả nước trong công tác quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện. Trạm kiểm tra tải trọng xe được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 1/4/2014, đóng vai trò quan trọng đối với việc kiểm tra, xử lý hoạt động của các phương tiện chở quá khổ, quá tải. Năm 2014, lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra 7.933 lượt xe; xử lý 2.175 trường hợp quá tải; bắt buộc hạ tải 13.560 tấn hàng hóa; tổng số tiền xử phạt gần 9,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Sở GT-VT cũng đã tổ chức làm việc với các doanh nghiệp, cá nhân tham gia vận tải hàng hóa bằng ô tô trên địa bàn tỉnh để thống kê, rà soát số lượng phương tiện, có giải pháp đôn đốc doanh nghiệp, các cá nhân tự ý thay đổi kích thước thùng hàng ô tô, đặc biệt là loại xe Howo, ký cam kết tự giác cắt bỏ phần nối thùng xe. Tổng số xe Howo trên địa bàn tự ý thay đổi kích thước thành, thùng xe là 200 chiếc, sau khi cam kết các doanh nghiệp, cá nhân đã tự giác cắt bỏ 193 xe.
Trước việc giá xăng dầu liên tục giảm thời gian qua, Sở GTVT đã chủ động triển khai giảm giá cước và được các doanh nghiệp vận tải thực hiện đồng loạt. Ngay sau lễ ký cam kết, Hiệp hội Vận tải tỉnh Nghệ An đôn đốc các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn đồng hành giảm giá cước từ 6 - 10%. Cùng với đó, công tác cải cách hành chính được Sở GTVT triển khai trên tất cả các lĩnh vực như: cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy; công tác phát triển nguồn nhân lực; tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính công và công tác chỉ đạo. Công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe cũng được tăng cường theo hướng giải quyết nhanh gọn, thuận lợi cho nhân dân. Ngành cũng đã tích cực vào cuộc với cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, nên tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh giảm cả 3 tiêu chí (về số vụ, số người chết và số người bị thương).
Kết thúc 1 năm sôi động, ngành GTVT Nghệ An tiếp tục khẳng định được vai trò kết nối các vùng, miền với nhiều chuyển động ấn tượng. Kết quả đó thể hiện nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên ngành GTVT. Mục tiêu Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Nghệ An trở thành tỉnh khá của khu vực phía Bắc vào năm 2015, là trung tâm kinh tế - xã hội của vùng Bắc Trung bộ và có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Đích đến mục tiêu đó đang ngày càng gần hơn khi những khó khăn, thách thức đang được ngành GTVT và các cấp ngành ghé vai gánh vác.
Thu Huyền