Ngành mía đường: Khó khăn trong niên vụ mới

04/12/2013 09:55

(Baonghean) - Dù vụ ép 2013-2014 mới bắt đầu được gần nửa tháng nhưng cả nhà máy đường và người trồng mía đang đứng ngồi không yên khi giá đường giảm, khiến giá thu mua mía giảm theo. Khó khăn lại tiếp tục đeo bám ngành mía đường, báo hiệu một mùa vụ sản xuất nhiều khó khăn.

Nông dân ngán ngẩm

Hơn nửa tháng nay, các nhà máy đường đã bắt đầu thu mua mía để khởi động một vụ ép mới. Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, sau nhiều tháng chăm sóc, người dân đang tiến hành thu hoạch mía để bán cho nhà máy. Ngừng tay chặt mía, chị Phạm Thị Sâm, xóm Khe Mèn, xã Đồng Hợp cho biết: “Nhà tôi có 1 ha trồng mía, mỗi năm thu hoạch khoảng 80-90 tấn/ha nhưng năm nay không được vì mía lưu gốc nhiều năm, cộng với giá mía rẻ nên không đầu tư, chăm sóc như mấy năm trước. Vì thế, năng suất mía của gia đình cũng chỉ đạt khoảng 65-70 tấn/ha. Không những thế, giá mía thu mua đầu vụ của nhà máy chỉ 80 đồng/kg, thấp hơn giá năm ngoái. Như thế, 1ha mía gia đình tôi chỉ thu về được hơn 65 triệu đồng, trừ đi chi phí tiền phân, giống, tiền thuê lao động, tiền máy cày thì chỉ lãi được hơn 40 triệu đồng/ha, tính trung bình 1 tháng thu nhập hơn 3 triệu đồng. Một năm ròng với 5 nhân khẩu trong nhà mà chỉ trông chờ vào chừng đó thì khó khăn lắm”.

Thu hoạch mía ở vùng nguyên liệu mía Tân Kỳ. Ảnh: Công Sáng
Thu hoạch mía ở vùng nguyên liệu mía Tân Kỳ. Ảnh: Công Sáng

TIN LIÊN QUAN

Từ đầu năm đến nay, thời tiết diễn biến thất thường, giá mía rẻ khiến người dân ngại chăm sóc, đầu tư đã ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây mía. Đến thời điểm này, toàn huyện Qùy Hợp đã thu hoạch được khoảng 1.500 ha trên tổng diện tích 7.549ha. Năm nay, diện tích mía của huyện Qùy Hợp có tăng thêm hơn 400ha và dự kiến năng suất trung bình đạt 63 tấn/ha, so với các năm trước có tăng từ 1-2 tấn/ha. Ông Hoàng Văn Thái - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Nguyên nhân năng suất và sản lượng tăng là do người dân đầu tư các giống mới và dịch bệnh chồi cỏ năm nay có giảm hơn và được khống chế kịp thời. Tuy nhiên, giá thu mua mía của nhà máy đường giảm xuống nên hiệu quả kinh tế bị giảm sút và thiệt hại cuối cùng vẫn là người nông dân.

Tại huyện Nghĩa Đàn, người trồng mía cũng đang ngán ngẩm với giá mía năm nay. Năm 2012, giá mía rớt xuống còn 87 đồng/kg đầu vụ, đến cuối vụ là 85 đồng/kg, người nông dân đã “van trời” thì đến vụ ép năm nay, giá mía chỉ còn 80 đồng/kg khiến ai cũng lắc đầu thất vọng. Anh Nguyễn Văn Dũng, xã Nghĩa Trung (Nghĩa Đàn) cho biết: “Ở trong xã này, hầu như nhà nào cũng trồng mía, không ít thì nhiều, nhưng giá mía trong mấy năm qua không ổn định và có chiều hướng đi xuống nên nhiều gia đình đã bắt đầu chuyển sang trồng cây cao su.

Một số khác vẫn bám với cây mía nhưng tâm lý không còn hào hứng như trước nên việc đầu tư, chăm sóc cũng giảm đi nhiều. Người dân chúng tôi chỉ biết dựa vào cây mía là nguồn thu nhập chính của gia đình, nhưng nay giá mía thấp như vậy nên cuộc sống bị ảnh hưởng nhiều”. Gia đình anh Dũng có 1,3ha mía, mỗi năm cho thu hoạch gần 85 tấn. Nhưng do đường sá vận chuyển khó khăn nên phải dùng xe bò chở tăng bo đến điểm tập kết của nhà máy. Giá thấp cùng các chi phí khác cứ đội lên khiến cho thu nhập bị giảm sút.

Nghĩa Đàn là huyện có diện tích trồng mía lớn nhất tỉnh, với hơn 8.400 ha. Diện tích trồng mía trên địa bàn huyện trong những năm vừa qua có tăng do giá keo nguyên liệu, sắn giảm. Tuy nhiên, năm 2012 đến nay, diện tích trồng mía có phần chững lại. Mặc dù diện tích lớn nhưng năng suất mía của người dân không cao, chỉ từ 57-58 tấn/ha. Đối với những diện tích thu mua đầu vụ thì chỉ đạt khoảng 51-52 tấn/ha. Ông Lê Trung Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp cho biết: Theo lịch thu mua của Nhà máy mía đường Tate&Lyle thì từ ngày 15/11, nhà máy bắt đầu phát lệnh nhưng tiến độ thu mua rất chậm, đến nay mới chỉ thu mua được 50.000 tấn với diện tích khoảng 1.000ha. Như năm ngoái, tiến độ thu mua mía kéo dài sang tháng 5 năm sau khiến cho mía trổ cờ. Từ đây, sẽ làm cho cây mía nhanh chóng bị khô đọt, khô lá, rỗng ruột, không tăng trưởng được, trữ đường và năng suất mía giảm dần, gây thiệt thòi cho người nông dân.

Nhà máy gặp khó

Đến thời điểm này, cả 3 nhà máy đường trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu thu mía để triển khai vụ ép mới. Điểm chung là giá thu mua mía đầu vụ của 3 nhà máy đều nằm ở mức 80 đồng/kg. Đây được xem là mức giá thấp nhất trong vòng nhiều năm qua mà các nhà máy này áp dụng. Giải thích về điều này, ông Trần Kim Lộc - Phó tổng giám đốc Công ty mía đường Nghệ An Tate & Lyle cho biết: Trước khi áp giá thu mua mía cho người dân, công ty đã dựa trên giá đường và giá thành sản xuất để công bố giá sàn trong vụ ép. Hiện nay, giá đường trong nước giảm xuống dưới 14.000 đồng/kg nên bắt buộc công ty phải thu mua giá mía với mức đó.

Cộng với tình hình đường nhập lậu vẫn đang hoành hành tại thị trường phía Nam, so với giá đường của Thái Lan thì giá đường của Việt Nam vẫn ở mức cao nên khó bán hơn. Để nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân, ngoài việc đầu tư, cải tiến thiết bị dây chuyền sản xuất để giảm giá thành, công ty đầu tư hàng chục tỷ đồng cho người nông dân trong việc thay thế giống mía mới sạch bệnh, có năng suất cao, đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Hiện nay, vùng nguyên liệu của nhà máy vẫn ổn định 18.000ha mía, tuy nhiên năng suất mía đạt cao hơn 57 tấn/ha (cao hơn niên vụ trước 2 tấn/ha). Từ đầu vụ, nhà máy phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo bà con trồng rải vụ, niên vụ này vụ ép sẽ được rút ngắn còn 135 ngày. Nhà máy vẫn duy trì chế độ thưởng với mía có trữ đường cao.

Còn tại Công ty CP mía đường Sông Lam, từ ngày 13/11, Công ty đã triển khai vụ ép mới. Niên vụ 2013-2014, vùng nguyên liệu của nhà máy có 1.800ha, tăng hơn niên vụ trước hơn 100ha mía, công suất ép tăng lên 1000 tấn/ngày, tăng hơn niên vụ trước 150 tấn. Ông Lê Thanh An -Phó Giám đốc Công ty CP mía đường Sông Lam cho biết: Giá thu mua mía sẽ dựa trên giá đường, mà hiện nay giá đường nội địa đang xuống do đường Thái Lan rẻ hơn đang tung hoàn nên đường của các nhà máy sản xuất trong nước khó cạnh tranh được. Năm nay, năng suất mía ước đạt 60 tấn/ha, diện tích tăng nên chắc chắn sản lượng đường sản xuất của nhà máy tăng lên. Tuy nhiên, nhà máy cam kết với nông dân thu mua hết mía vùng nguyên liệu. Khó khăn nhất hiện nay là nhiều tuyến đường nguyên liệu ở Anh Sơn, Thạch Ngàn - Con Cuông bị xuống cấp, nhà máy đang tập trung để duy tu sửa chữa một số tuyến đường nguyên liệu.

Theo nguyên tắc, các nhà máy tiến hành thu mua giá mía nguyên liệu cho nông dân căn cứ vào công thức giá 60kg đường bán tại nhà máy bằng giá 1 tấn mía nguyên liệu. Nghĩa là giá đường trên thị trường càng xuống thì giá mua mía nguyên liệu sẽ xuống theo. Nhiều khả năng giá mua mía sẽ tiếp tục giảm vì hiện nay giá đường lậu tại các tỉnh thành thấp hơn giá tại các nhà máy bán ra, qua đó kéo theo giá mua mía nguyên liệu của nông dân sẽ giảm. Mặc dù các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu đường, gian lận thương mại thông qua việc tạm nhập tái xuất mặt hàng đường, nhưng đến nay vẫn chưa có hiệu quả. Hằng năm, lượng đường nhập lậu khoảng 400 - 500 nghìn tấn và giá thấp hơn giá đường trong nước từ 3.000 đến 4.000 đồng/kg (bằng số tiền trốn thuế nhập khẩu và VAT). Theo quy luật tự nhiên, đường thừa dẫn đến giá đường giảm, khiến các nhà máy hoạt động cầm chừng và thiệt thòi chủ yếu đè nặng lên vai người nông dân trồng mía.

Phạm Bằng

Mới nhất
x
Ngành mía đường: Khó khăn trong niên vụ mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO