Ngành mía đường trước niên vụ mới

24/10/2013 21:08

(Baonghean) - Kết thúc vụ ép 2012 - 2013, nhìn chung vùng nguyên liệu của 3 nhà máy đường trên địa bàn tỉnh khá ổn định. song, do giá đường thế giới giảm kéo giá mía giảm theo khiến người trồng mía gặp khó.

Giá đường thấp, khó tiêu thụ

Chuẩn bị cho vụ ép mới (2013-2014) nhưng Công ty Mía đường Nghệ An Tate&Lyte vẫn còn khoảng 5 ngàn tấn đường trong kho chưa bán được. Nguyên nhân là do vụ ép 2012-2013, sản lượng mía của công ty thu mua đạt trên 1 triệu tấn mía, trong khi năm trước chỉ đạt khoảng 650 ngàn tấn; sản lượng đường của công ty tăng đột biến đạt 100 ngàn tấn đường, trong khi năm vụ ép năm 2011-2012 chỉ có khoảng 70 ngàn tấn. Sản lượng tăng cao, trong khi đường nhập lậu của Thái Lan ồ ạt vào thị trường nội địa khiến cho giá đường xuống nhanh. Năm ngoái, giá đường rơi vào khoảng 15.000 ngàn đồng/kg thì đầu năm đến nay, giá đường giảm chỉ còn từ 14,2 - 14,5 ngàn đồng/kg. Trong đó, giá đường trắng giảm mạnh nhất, xuống còn 13.000 đồng/kg.

Do giá đường xuống nên giá thu mía cho nông dân cũng xuống theo (theo quy định của thì giá thu mía cho người dân bằng 60% giá đường). Và chính người trồng mía phải chịu thiệt hại nặng nề nhất. Chị Phạm Thị Sâm, xóm Khe Mèn, xã Đồng Hợp (Qùy Hợp) cho biết: “Nhà tôi có hơn 1 ha mía nhưng phải đợi đến tháng 3/2013, công ty mới phát lệnh để thu mía. Do để lâu nên độ đường, trọng lượng mía giảm khiến cho giá mía cũng giảm theo. Những năm trước, 1 ha mía gia đình tôi thu hoạch được khoảng 90 tấn mía, với giá bán trên 900 ngàn/ tấn thì gia đình thu về được hơn 80 triệu đồng. Nhưng vụ mía vừa qua, gia đình chỉ được 80 tấn, với giá 800 ngàn đồng/tấn, thu về 64 triệu đồng. Trừ chi phí thì không còn lãi được bao nhiêu. Hơn nữa, do việc thu mua chậm nên đã ảnh hưởng đến việc sản xuất trong vụ tiếp theo”.

Để chia sẻ khó khăn với người nông dân, trước khi tiến hành thu mua mía, công ty đã tổ chức họp và thống nhất với người dân: C công ty sẽ chịu lỗ 1 nửa và người dân chịu lỗ một nửa. Giải pháp này được đa số người dân đồng tình vì trong giai đoạn khó khăn thì việc chia sẻ khó khăn là điều quan trọng.

Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp thì không thể giảm giá mía xuống được nữa vì như thế thì sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân. Ông Lê An cho biết: Nếu công ty giảm giá thu mua mía thì người dân sẽ không có lãi và sẽ chuyển sang trồng các cây khác. Từ đây, nguyên liệu cho công ty hoạt động sẽ không đảm bảo và hoạt động không hiệu quả. Ông An đề xuất: Việc đường nhập lậu của Thái Lan vẫn đang tung hoành ở thị trường nội địa là do giá đường rẻ cộng với việc không phải tính thuế GTGT khi bán lẻ khiến cho sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước giảm. Do đó, Nhà nước cần có những biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn để ngăn chặn đường nhập lậu và có thể đề xuất với WTO không tiếp tục cấp quota nhập khẩu trong khi đường trong nước vẫn dư thừa.

Vận chuyển mía ở Tam Hợp (Quỳ Hợp)
Vận chuyển mía ở Tam Hợp (Quỳ Hợp)

Sẵn sàng cho vụ ép mới

Đến thời điểm này các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh đang sẵn sàng cho vụ ép mới. Ông Lê Thanh An -Phó giám đốc Công ty CP mía đường sông Lam cho biết: Vùng nguyên liệu của nhà máy niên vụ 2013-2014 có 1.8000 ha, tăng hơn niên vụ trước là hơn 100 ha mía, công suất ép sẽ tăng lên 1000 tấn/ngày, tăng hơn niên vụ trước 150 tấn/ngày. Nhà máy đang tích cực duy tu bảo dưỡng thiết bị máy móc, như lắp mới bồn nấu đường, lắp đặt thêm trạm cân điện tử 80 tấn, lắp mới máy phân tích độ đường. Dự định ngày 10/11 nhà máy sẽ triển khai vụ ép. Nhà máy cam kết với nông dân thu mua hết mía vùng nguyên liệu, hệ thống xe vận tải sẽ vận chuyển mía nhanh nhất cho bà con. Khó khăn nhất hiện nay là nhiều tuyến đường nguyên liệu ở Anh Sơn, Thạch Ngàn - Con Cuông bị xuống cấp, nhà máy đang tập trung để duy tu sửa chữa một số tuyến đường nguyên liệu.

Còn ở nhà máy đường Tate & Lyle từ đầu vụ đã phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo bà con trồng rải vụ, giống mía chín sớm, chín muộn nên vụ ép này sẽ được rút ngắn khoảng 135 ngày. Nhà máy vẫn duy trì chế độ thưởng với mía có độ đường cao. Đến thời điểm này nhà máy đã tập trung lực lượng duy tu bảo dưỡng xong thiết bị máy móc, hiệu chỉnh một số trang thiết bị công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Công ty đã trích 1,2 tỷ đồng để duy tu sửa chữa 15 tuyến đường nguyên liệu mía chủ yếu tập trung ở các xã của huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn. Dự định từ ngày 15/11, vụ ép chính thức đi vào hoạt động, đối với giá mía công ty sẽ báo giá công khai cho người trồng mía.

Theo số liệu từ Sở NN&PTNT, vụ ép 2013-2014 vùng nguyên liệu mía có 27.000ha, tăng hơn niên vụ trước trên 2.000ha. Nhờ đầu tư thâm canh, đưa các giống mới vào sản xuất nên năng suất mía cao hơn năm trước, dự tính đạt 60 tấn/ha. Ông Lộc chia sẻ: Nâng cao năng suất mía đồng nghĩa là nâng cao thu nhập cho người dân và nâng cao hoạt động hiệu quả cho nhà máy. Trong giai đoạn khó khăn hiện nay thì các công ty mía đường cần phải tăng cường liên kết, phối hợp với nhau để vượt qua khó khăn, không nên tranh giành vùng nguyên liệu và cần chia sẻ lợi nhuận với người nông dân.

Phạm Bằng - Văn Trường

Mới nhất
x
Ngành mía đường trước niên vụ mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO