Ngành Ngân hàng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

02/01/2015 08:45

(Baonghean) - Với sự nỗ lực của toàn thể cán bộ ngành ngân hàng, sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Ngân hàng Trung ương và sự phối hợp tích cực của các cấp, các ngành trong tỉnh, năm 2014, ngành ngân hàng tiếp tục có bước tăng trưởng khá, hoàn thành tốt nhiệm vụ, kế hoạch được giao, góp phần quan trọng vào việc ổn định kinh tế - xã hội và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Nghệ An.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An đón nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh.
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An đón nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh TCTD trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, của ngành và của tỉnh về tiền tệ, hoạt động ngân hàng; Bám sát kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh để chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế địa phương và khả năng của đơn vị; thực hiện các giải pháp chuyển dịch cơ cấu tín dụng hợp lý, ưu tiên tập trung vốn phục vụ phát triển kinh tế địa phương, nhất là đáp ứng nhu cầu vốn cho các lĩnh vực ưu tiên (gồm: nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao)....

Chi nhánh đã triển khai Chương trình Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn và phối hợp các sở, ban, ngành, Ban Quản lý khu kinh tế, Hội Doanh nghiệp, Liên minh Hợp tác xã, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các ngân hàng tổ chức lấy ý kiến nhận xét đánh giá về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến vốn cần hỗ trợ cho doanh nghiệp để tìm giải pháp tháo gỡ, tìm kiếm các khách hàng có nhu cầu vay vốn để thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh hoặc các dự án trọng điểm của tỉnh. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND tỉnh Nghệ An về Chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, Chi nhánh đã có văn bản tham mưu cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt cho 2 doanh nghiệp và 3 Chi nhánh Ngân hàng thương mại trên địa bàn tham gia Chương trình cho vay thí điểm.

Ngành Ngân hàng bàn giao các công trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ngành Ngân hàng bàn giao các công trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Một trong những giải pháp giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn nhanh, là Chi nhánh đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như đẩy nhanh các khâu trong quá trình cho vay, thực hiện nghiêm túc các quy định về lãi suất, điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản vay cũ, xem xét miễn, giảm lãi vốn vay, ưu tiên thu nợ gốc trước, nợ lãi sau đối với khách hàng gặp khó khăn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, rà soát lại các khoản cho vay ngắn hạn đối với các đối tượng trung hạn, dài hạn để xem xét cơ cấu lại đối với các khoản vay có hiệu quả, đảm bảo phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng... Nhờ vậy, khách hàng có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và tiếp cận được nguồn vay với lãi suất hợp lý. Hiện tại lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 7%/năm (giảm 2-3%/năm), lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực kinh doanh khác ở mức 9-12%/năm.

Thời gian qua, Chi nhánh đã tích cực thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các TCTD trong việc xử lý nợ xấu và tham mưu UBND tỉnh thực hiện Đề án xử lý nợ xấu theo Quyết định 845/QĐ-TTg của Chính phủ. Các TCTD, chi nhánh TCTD trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu lại nợ cho 1.200 khách hàng với dư nợ cơ cấu là 1.100 tỷ đồng, thực hiện trích lập dự phòng rủi ro trong năm 2014 là 714 tỷ đồng, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro 135 tỷ đồng, thu hồi nợ xấu qua xử lý tài sản đảm bảo là 65 tỷ đồng, bán nợ cho công ty quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC) là 274,3 tỷ đồng.

Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc nâng cao vai trò chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trên địa bàn, Chi nhánh đã chủ động phân tích, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch tăng trưởng tín dụng của các chi nhánh TCTD trên địa bàn, giữ vai trò điều phối trong quá trình xử lý tranh chấp về tài sản đảm bảo liên quan giữa các TCTD; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các TCTD đảm bảo hoạt động của hệ thống an toàn, lành mạnh. Năm 2014, Chi nhánh đã tiến hành 50 cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó có 309 kiến nghị đối với các đơn vị để chấn chỉnh kịp thời các tồn tại, sai phạm.

Giao dịch tại Ngân hàng BIDV.
Giao dịch tại Ngân hàng BIDV.

Thực hiện quy định về công tác quản lý ngoại hối, vàng, năm 2014 Chi nhánh đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng TSMN cho 14 doanh nghiệp trên địa bàn, nâng tổng số doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng TSMN lên 64 doanh nghiệp và thực hiện xác nhận đăng ký tài khoản, tiến độ chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, xác nhận đăng ký các khoản vay trả nợ nước ngoài trung, dài hạn dưới 10 triệu USD, theo đúng quy định. Bên cạnh đó, Chi nhánh đã làm tốt vai trò trung tâm thanh toán trên địa bàn, các hoạt động thanh toán, thu chi tiền mặt tại NHNN và các đơn vị có doanh số hoạt động tăng nhưng luôn đảm bảo kịp thời, an toàn tuyệt đối.

Năm 2014, nguồn vốn huy động tại địa bàn ước đạt 65.900 tỷ đồng, tăng 19% so đầu năm, trong đó: Nguồn vốn huy động bằng nội tệ chiếm 93,7%, nguồn vốn huy động bằng ngoại tệ chiếm 6,3%. Tiền gửi thanh toán chiếm 18%, tiền gửi tiết kiệm chiếm 81,7%. Trên cơ sở các giải pháp chỉ đạo điều hành của NHNN, các đơn vị trên địa bàn tiếp tục có mức tăng trưởng khá, cơ cấu tín dụng được điều chỉnh tích cực, tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chiếm tỷ lệ cao, tập trung lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đến nay, tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn ước đạt 108.300 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm.

Các hoạt động dịch vụ rất phát triển, đặc biệt là việc mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt thông qua việc triển khai các dịch vụ ngân hàng điện tử, lắp đặt thêm và kết nối ATM, POS trên địa bàn. Hiện có 224 ATM, với 763 POS, hầu hết các đơn vị hưởng lương NSNN tại địa bàn Thành phố Vinh và trung tâm một số huyện, thị đã thực hiện trả lương qua tài khoản (chiếm trên 90%). Tổng số thẻ thanh toán gần 800.000 thẻ. Nhờ phát triển hệ thống thanh toán, doanh số kiều hối năm 2014 vẫn tiếp tục được duy trì với số tiền 260 triệu USD.

Ngoài hoạt động chuyên môn, NHNN và các TCTD trên địa bàn còn tham gia tích cực và có trách nhiệm trong việc đóng góp các quỹ từ thiện, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lụt, các đối tượng chính sách... Năm 2014, ngành Ngân hàng Nghệ An đã đóng góp cho các quỹ từ thiện bằng tiền trên 35 tỷ đồng; mỗi ngân hàng đều tham gia hỗ trợ, giúp đỡ một xã nghèo miền Tây Nghệ An...

Trên cơ sở mục tiêu, định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An, năm 2015, ngành Ngân hàng Nghệ An phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Tiếp tục chỉ đạo điều hành triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm theo chỉ đạo của Chính phủ và của Thống đốc NHNN, triển khai thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả; tăng trưởng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu; gắn tăng trưởng hoạt động ngân hàng với mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An, để triển khai các loại hình dịch vụ nhằm khai thác được các tiềm năng, thế mạnh kinh tế của tỉnh, hỗ trợ có hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế địa bàn; phấn đấu năm 2015 đạt mức tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ khoảng 15-20%...

Nguyễn Thị Thu Thu

Giám đốc NHNN Chi nhánh Nghệ An

Mới nhất
x
Ngành Ngân hàng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO