Ngành sản xuất xi măng: "Bức tranh màu xám"

08/08/2011 14:58

Với nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất xi măng dồi dào, chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, hệ thống giao thông (đường bộ, đường sắt, đường biển) phát triển..., Nghệ An hứa hẹn trở thành một trong những trung tâm sản xuất xi măng lớn của cả nước. Tuy vậy, đến nay ngành sản xuất xi măng của tỉnh ta vẫn là "bức tranh màu xám"

(Baonghean) - Với nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất xi măng dồi dào, chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, hệ thống giao thông (đường bộ, đường sắt, đường biển) phát triển..., Nghệ An hứa hẹn trở thành một trong những trung tâm sản xuất xi măng lớn của cả nước. Tuy vậy, đến nay ngành sản xuất xi măng của tỉnh ta vẫn là "bức tranh màu xám"

Qua khảo sát, vùng nguyên liệu phục vụ ngành sản xuất xi măng ở tỉnh ta là rất phong phú và có trữ lượng lớn. Vùng đá vôi Hoàng Mai A, có tổng trữ lượng 205,4 triệu tấn; cấp trữ lượng 121 + 122 và tài nguyên dự báo 333, vùng đá vôi Hoàng Mai B, trữ lượng 132,6 triệu tấn; cấp trữ lượng 121 + 122 và tài nguyên dự báo 333. Vùng đá vôi Lèn Rỏi - Tân Kỳ, tổng trữ lượng 2.782,5 triệu tấn. Tại Tràng Sơn (Đô Lương) có tổng trữ lượng tài nguyên dự báo 44,552 triệu tấn và Đá vôi Bài Sơn và Hồng Sơn, cũng có trữ lượng 329,9 triệu tấn; cấp trữ lượng 112 + 122 và tài nguyên dự báo 333... Thuận lợi như vậy, nhưng đến nay mới chỉ có Công ty xi măng Hoàng Mai với công nghệ sản xuất lò quay, bằng phương pháp khô trên thiết bị hiện đại của Cộng hoà Pháp, năng lực sản xuất đạt 1,4 triệu tấn/năm, được xem là "con chim đầu đàn" của ngành sản xuất xi măng tại Nghệ An. Tuy nhiên, so sánh năng lực với các nhà máy xi măng ở các tỉnh khác thì xi măng Hoàng Mai còn rất khiêm tốn.


Dây chuyền nghiên đá tại Nhà máy xi măng Hoàng Mai.

Ngành sản xuất xi măng tỉnh ta đã phát triển từ khá lâu (Xi măng Cầu Đước có bề dày truyền thống hơn 50 năm), nhưng phần lớn các nhà máy sử dụng công nghệ sản xuất lò đứng (công nghệ, thiết bị của Trung Quốc) nên gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất - kinh doanh. Cho dù tỉnh ta áp dụng chính sách thu hút đầu tư thông thoáng nhưng vẫn chưa thu hút được các doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực sản xuất xi măng. Đáng buồn hơn cả trước tình trạng một số dự án "đứt gánh giữa đường". Tâm điểm chú ý của dư luận trong thời gian qua là dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ (Chủ đầu tư là Tập đoàn đầu tư Sài Gòn). Chủ đầu tư tổ chức khởi công xây dựng dây chuyền I công suất 1 triệu tấn/năm vào ngày 19/5/2010. Từ đó cho đến tháng 10/2010, đã phối hợp với chính quyền địa phương xã và huyện triển khai công tác BTGPMB, cơ bản đã tiến hành xong thủ tục kiểm đếm với các hộ dân trong phạm vi quy hoạch của dự án; tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng trên 600 ha đất xây dựng khu công nghiệp tổ hợp xi măng và VLXD; tiến hành khảo sát đánh giá trữ lượng xin cấp mỏ và phê duyệt quy hoạch mặt bằng thực hiện giao đất và san lấp mặt bằng. Tuy nhiên, từ tháng 10/2010 đến nay, dự án vẫn không có thêm " động tĩnh" gì?.

Một dự án được xem là quan trọng - Nhà máy xi măng Đô Lương công suất 900.000 tấn/năm, sau nhiều năm "sang tên, đổi chủ", nay bỗng dưng đi vào " ngõ cụt". Mới đây, Công ty CP xi măng Đô Lương báo cáo hiện nay các cổ đông sáng lập (Tổng Công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) chiếm tỷ lệ 59,93% vốn điều lệ; Tổng Công ty lắp máy Việt Nam (LILAMA) chiếm 35,13%; Tổng Công ty xây dựng số 1 chiếm 4,93%) chính thức xin rút khỏi công ty. Được tiến hành đầu tư từ năm 2004 đến nay, nhưng trên Dự án hiện trường mới thực hiện được khối lượng khoảng 84 tỷ đồng (gồm đường điện phục vụ thi công; khu hành chính; hệ thống cấp nước ngoài nhà máy; hàng rào, mương thoát nước chính, đường giao thông...). Và qua tìm hiểu được biết, các cấp, ngành chức năng tạo mọi điều kiện thuận lợi để Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đầu tư vào Dự án này.

Dự án Nhà máy xi măng Hợp Sơn (có tổng mức đầu tư dự án 548 tỷ đồng, công suất 430.000 tấn/năm) cũng đang trong tình thế bế tắc (Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần xi măng Hợp Sơn - Nhà máy xi măng Quân đội 19/5 Anh Sơn trước đây ) khởi công xây dựng vào ngày 19/5/2009. Hiện đã hoàn thành công tác rà phá bom mìn và vật liệu nổ, giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng, triển khai thi công các công trình phụ trợ như: hàng rào và mương thoát nước; ký kết hợp đồng EPC cung cấp thiết bị dây chuyền. Nhưng do Nhà đầu tư chính hiện gặp nhiều khó khăn về vốn, đang tìm đối tác góp vốn. Việc tìm đối tác đến nay chưa tiến hành xong nên dự án đang tạm thời dừng.

Ngoài ra còn có một số dự án khác đầu tư vào lĩnh vực xi măng ở tỉnh ta cũng gặp rất nhiều khó khăn do năng lực tài chính hạn chế của nhà đầu tư. Ví như Dự án Nhà máy Xi măng Hợp Sơn (công suất 300.000 tấn), Dự án xi măng trắng của Công ty Cổ phần Long Việt (công suất 300.000 tấn/năm). Một số dự án khác đang triển khai nhưng chậm, như Dự án Nhà máy xi măng Tân Thắng (công suất 2 triệu tấn/năm) khởi công xây dựng vào ngày 02/4/2010, hiện nay Chủ đầu tư đang tiến hành công tác đền bù và cùng với các sở, ban, ngành, địa phương giải quyết các thủ tục để bổ sung vào quy hoạch ngành; Dự án xi măng Hoàng Mai 2, thì chủ đầu tư đang cân nhắc thời gian thích hợp để đầu tư...

Thực tế của ngành sản xuất xi măng ở Nghệ An, đang là một " bức tranh màu xám". Và để bức tranh này có gam màu sáng hơn, các ban, ngành và địa phương liên quan cần đẩy mạnh công tác thông tin, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh, chính sách ưu đãi đầu tư trên các phương tiện thông tin, đại chúng ở trong và ngoài nước. Tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển xi măng của tỉnh ở nước ngoài và đặc biệt là cần biết cách "chọn mặt gửi vàng".


Hoàng Vĩnh

Mới nhất

x
Ngành sản xuất xi măng: "Bức tranh màu xám"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO