Ngành than cần 18.000 tỷ đồng vốn mỗi năm

28/03/2016 07:27

Theo Quyết định 403/QĐ-TTg về điều chỉnh quy hoạch ngành than tới năm 2020, có xét tới năm 2030, nhu cầu vốn đầu tư của ngành than tới năm 2030 là hơn 269.000 tỷ đồng, tức là bình quân đạt gần 18.000 tỷ đồng/năm.

Trong số này, nhu cầu vốn đầu tư mới và mở rộng ước tính là 235.906 tỷ đồng. Phần còn lại là đầu tư duy trì sản xuất.

Quyết định 403/QĐ-TTg cũng điểm danh cụ thể các dự án cần đầu tư, mở rộng. Theo đó, giai đoạn đến năm 2020, đầu tư cải tạo mở rộng, nâng công suất 9 dự án mỏ (Cẩm Phả 4 dự án, Hòn Gai 4 dự án, Uông Bí 1 dự án); đầu tư xây mới 41 dự án mỏ (Cẩm Phả 17 dự án, Hòn Gai 7 dự án, Uông Bí 17 dự án).

Đầu tư cải tạo mở rộng các dự án mỏ lộ thiên hiện có theo hướng đổi mới thiết bị, công nghệ tiên tiến, đồng bộ để gia tăng sản lượng khai thác; đầu tư dự án mở rộng nâng công suất mỏ than Na Dương.

.
.

Với bể than sông Hồng, việc đầu tư một số dự án thử nghiệm theo phương pháp khai thác hầm lò và công nghệ khí hóa than ngầm tại các khu vực đã được thăm dò, làm căn cứ cho việc đầu tư phát triển mỏ với quy mô công nghiệp và/hoặc triển khai thêm một số dự án thử nghiệm (nếu cần thiết) để lựa chọn phương pháp, công nghệ khai thác hợp lý sẽ tiếp tục được triển khai mạnh trong giai đoạn 2021 - 2030.

Cũng để nâng cao chất lượng than sạch, các nhà máy sàng tuyển, chế biến than sẽ được phát triển theo hướng giảm dần các cụm sàng tuyển nhỏ lẻ để hình thành các khu sàng tuyển tập trung, đồng bộ. Than sẽ được chế biến theo hướng tối đa chủng loại cho sản xuất điện; đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng theo nhu cầu sử dụng trong nước.

Ở khâu này, từ nay tới năm 2020 sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng mới các nhà máy tuyển than gồm Vàng Danh 2 (công suất khoảng 2 triệu tấn/năm); Khe Thần (công suất khoảng 2,5 triệu tấn/năm); Hòn Gai (công suất khoảng 5 triệu tấn/năm, trong đó, xây dựng mới modul 1, công suất 2,5 triệu tấn/năm tại phường Hà Khánh và duy trì Nhà máy Nam Cầu Trắng đến hết năm 2018; sau năm 2018 di chuyển Nhà máy tuyển Nam Cầu Trắng về vị trí Nhà máy sàng tuyển than Hòn Gai đã xây dựng để lắp đặt thành modul 2, công suất 2,5 triệu tấn/năm); Khe Chàm (công suất khoảng 7 triệu tấn/năm); Lép Mỹ (công suất khoảng 4 triệu tấn/năm).

Giai đoạn 2021 - 2030, đầu tư cải tạo mở rộng, nâng công suất nhà máy sàng - tuyển Khe Thần từ 2,5 triệu tấn/năm lên khoảng 5 triệu tấn/năm.

Theo tính toán, tổng trữ lượng và tài nguyên than của Việt Nam đến ngày 31/12/2015 khoảng 48,88 tỷ tấn, gồm 2,26 tỷ tấn trữ lượng và 46,62 tỷ tấn tài nguyên, trong đó có 0,34 tỷ tấn than bùn.

Trữ lượng và tài nguyên than được huy động vào quy hoạch khoảng 3,05 tỷ tấn, gồm khoảng 1,22 tỷ tấn trữ lượng và 1,83 tỷ tấn tài nguyên, trong đó có 0,06 tỷ tấn than bùn.

Để tìm kiếm vốn cho phát triển, Chính phủ cũng cho phép ngành than được sử dụng nhiều hình thức đa dạng như thuê mua tài chính, đấu thầu một số hoạt động mỏ, phát hành trái phiếu, cổ phiếu và vay thương mại. Việc hợp tác với nước ngoài trong khai thác than cũng được chấp thuận ở những khu vực mà ngành than còn chưa làm chủ được công nghệ như khai thác than dưới các công trình dân dụng, công nghiệp, các khu vực chứa nước…

Ngành than cũng được tiếp tục thực hiện giá bán than theo cơ chế thị trường, nhằm khuyến khích sử dụng nguồn tài nguyên có hiệu quả, tiết kiệm để phát triển bền vững.

Theo Baodautu

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Ngành than cần 18.000 tỷ đồng vốn mỗi năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO