Ngày dioxin Việt Nam tại Nhật Bản năm 2013
Đây là dịp để các bạn Nhật Bản chia sẻ nỗi đau với các nạn nhân da cam Việt Nam
Ngày 10/8, tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản), ngày dioxin Việt Nam tại Nhật Bản năm 2013 đã được tổ chức. Đây là dịp để các bạn Nhật Bản chia sẻ nỗi đau với các nạn nhân da cam Việt Nam, đồng thời bày tỏ quyết tâm cùng các nạn nhân dam ca tiếp tục tới cùng trong cuộc đấu tranh đòi công lý.
Ngày dioxin Việt Nam tại Nhật Bản
Đây là năm thứ 3, ngày dioxin Việt Nam được tổ chức tại Nhật Bản, thu hút khoảng hơn 200 người đến tham gia. Phát biểu tại đây, đại diện Ban tổ chức Ngày dioxin Việt Nam 2013 thông báo Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam sẽ tiếp tục cuộc chiến pháp lý tại Mỹ nhằm đòi lại công lý cho các nạn nhân da cam.
Ban Tổ chức kêu gọi người dân Nhật Bản bằng những hành động cụ thể dù là nhỏ nhất tiếp tục ủng hộ cho cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Ông Shigemitsu Ahara, Chủ tịch Ban Tổ chức cho biết: “Chính phủ Mỹ đã bồi thường cho binh lính của nước mình bị nhiễm chất độc da cam. Do đó, đương nhiên Chính phủ Mỹ cũng phải ngay lập tức xin lỗi và bồi thường cho các nạn nhân Việt Nam. Việc các nạn nhân da cam tiếp tục đưa vụ việc ra tòa là điều đương nhiên. Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ các nạn nhân Việt Nam. Chúng tôi muốn các bạn tiếp tục cố gắng để giành chiến thắng trong cuộc chiến vì công lý này”.
Nữ đạo diễn Masako Sakata, tác giả của hai bộ phim tài liệu nổi tiếng về chất độc da cam, cũng cho rằng cuộc chiến đòi công lý của các nạn nhân da cam cần tiếp tục cho đến thắng lợi cuối cùng. Cho dù tòa án tại Mỹ có đưa ra phán quyết thế nào thì việc tiếp tục cuộc đấu tranh là điều hết sức cần thiết để cho cả thế giới không được lãng quên vấn đề chất độc da cam.
Tại sự kiện ngày dioxin Việt Nam năm nay, bộ phim tài liệu đầu tay của nữ đạo diễn Sakata mang tên “Chất độc da cam: lễ cầu hồn riêng” được trình chiếu đã gây xúc động mạnh cho người xem. Bộ phim là câu chuyện kể về cuộc hành trình của chính nữ đạo diễn để tìm hiểu về nguyên nhân gây ra cái chết cho chồng bà Greg Davis, một cựu binh Mỹ tại Việt Nam. Qua hành trình này, nữ đạo diễn Sakata đã đem đến cho người xem một cái nhìn chân thực về tác hại khủng khiếp của chất độc da cam đối với con người, không phân biệt dù đứng ở phía bên nào.
Những tác phẩm về chất độc da cam tại Ngày dioxin Việt Nam
Nữ đạo diễn cho biết, hành trình này đã làm thay đổi con người bà, đó là việc bà hiểu cảm nhận được nỗi đau của người khác chính là nỗi đau của mình. Bà quyết định làm những việc dù là nhỏ nhất để làm vơi bớt nỗi đau của các nạn nhân da cam. Bà đứng ra thành lập Quỹ học bổng mang tên “Hạt giống hy vọng” dành cho các học sinh bị di chứng chất độc da cam. Đến nay sau hơn 3 năm, Quỹ đã cấp học bổng cho 66 học sinh bị nhiễm chất độc da cam với tổng số tiền lớn tới gần 60.000 USD.
Nữ đạo diễn Sakata cho biết: “Tôi nghĩ rằng chỉ cần bắt đầu bằng những việc nhỏ nhặt, gần gũi với bản thân để làm xoa dịu nỗi đau của các nạn nhân da cam. Chỉ cần có một chút hy vọng thế là đủ. Đó là lý do tôi bắt đầu Quỹ học bổng Hạt giống hy vọng”.
Cuối chương trình là buổi hòa nhạc từ thiện do các ca sỹ, nhạc sỹ Việt Nam, Nhật Bản trình diễn với thông điệp xoa dịu nỗi đau da cam.
Ngoài ra, tại Ngày dioxin Việt Nam năm nay, Hội hữu nghị Nhật Việt và một số tổ chức tình nguyện đã bày bán sách, đồ lưu niệm và các sản phẩm thủ công do các nạn nhân da cam Việt Nam làm ra để gây quỹ từ thiện chung tay xoa dịu nỗi đau da cam./.
Theo vov.vn - L.T