Ngày Độc lập (4/7), người Mỹ nghĩ về giá trị tự do
Người Mỹ thường hay tự hào về đất nước mình như là xứ sở của tự do và miền đất hứa.
Người Mỹ gọi quốc khánh của mình là ngày Độc lập, vì vào ngày này trong thế kỷ 18 họ đoạt được độc lập từ đế chế Anh. Sau hơn 200 năm, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã trở thành một siêu cường trong thế giới nhị cực (trước năm 1991), và nay là siêu cường duy nhất trong một thế giới đa cực hiện nay.
Ngày Quốc khánh - Ngày Độc lập của Mỹ (4/7) (ảnh: myfox8)
Để thể hiện đẳng cấp và vai trò của mình, chính phủ Mỹ đã không ngừng gia tăng ảnh hưởng ở khắp nơi trên thế giới. Trong vài năm lại đây, chính phủ Obama đã tuyên bố về chính sách xoay trục sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cạnh tranh quyết liệt với Trung Quốc.
Người Mỹ luôn tự hào rằng đất nước họ là mảnh đất tự do - không đâu bằng. Nhân dịp ngày Độc lập Mỹ (4/7), chúng tôi xin giới thiệu một bài cảm tưởng của tác giả Pat Boone trên trang tin NewsMax của Mỹ (phần tít phụ do VOV.VN tự đặt).
“Ý nghĩa sự kiện
Vậy là đã đến ngày 4/7. Điều gì làm cho ngày này đặc biệt?
Cái đem lại cho ngày 4/7 ý nghĩa lớn là việc bản Tuyên ngôn Độc lập của chúng ta đã được Quốc hội Lục địa thông qua vào năm 1776.
Việc thông qua diễn ra ở Philadephia, và những người ký tên vào bản này, bao gồm Thomas Jefferson, biết rõ rằng việc tuyên bố độc lập trước chế độ cai trị độc đoán của nước Anh có thể coi như đồng nghĩa với bản án tử hình dành cho những người sáng lập nhà nước Mỹ.
Quân đội Mỹ tham gia trong Chiến tranh Triều Tiên, hỗ trợ Hàn Quốc, pháo kích vào vị trí của quân Triều Tiên và quân Trung Quốc (ảnh: Lục quân Mỹ)
Họ thừa biết rằng quân đội Anh quốc với tất cả sức mạnh và cơn giận dữ của mình sẽ vượt qua Đại Tây Dương rồi ồ ạt giáng xuống 13 thuộc địa Bắc Mỹ tương đối yếu ớt về mặt phòng thủ. Họ biết các “bang” nằm rải rác của mình không có đủ binh lực, vũ khí và sự huấn luyện cần thiết để đương đầu với người Anh. Và họ đã đặt không chỉ chữ ký, mà còn sinh mạng, gia đình và số phận của mình vào văn bản đó.
Khát khao tự do
Tuy nhiên bất chấp mọi điều tưởng không thể, bản Tuyên ngôn nói với cả thế giới rằng “Liên hiệp Thuộc địa là các bang tự do và độc lập”, đánh dấu sự ra đời của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Đa phần những người sống ở 13 thuộc địa Mỹ đều đã hứng chịu đủ sự cai trị của người Anh, đã nếm trải thế nào là làm việc và tồn tại theo mong muốn của vị vua mà họ không biết, người đã coi họ chỉ như những kẻ hầu hạ.
Họ muốn được tự do, đưa ra các quyết định riêng, tự trị và hít thở bầu không khí ngọt ngào của tự do.
Việc tổ chức chào mừng kỷ niệm nền độc lập đầu tiên của Mỹ diễn ra 4 ngày sau đó ở Philadephia, nơi Quốc hội Lục địa vẫn đang nhóm họp.
Một trang tài liệu mật của CIA liên quan đến hoạt động của CIA nhằm lật đổ Thủ tướng Iran năm 1953 (ảnh chụp tài liệu do ĐH George Washington công bố)
Buổi lễ bắt đầu với việc công khai bản Tuyên ngôn Độc lập. Sau đó, từ tháp tòa nhà nghị viện bang, nay có tên Hội trường Độc lập, Chuông Tự do rung lên.
Biểu tượng của nhà vua Anh bị hạ xuống. Sau đó là diễu hành. Rồi tiếng đại bác vang rền. Người dân ý thức rõ về những gì đang ở phía trước, reo hò vang dậy. Một quốc gia mới đã ra đời.
John Adams, một trong những người ký vào bản Tuyên ngôn, nghĩ rằng từ rày trở đi người Mỹ sẽ có một lễ trọng đại để tổ chức hằng năm.
Trong một lá thư gửi người vợ tên Abigail, John Adams viết những con chữ đầy ắp niềm phấn khích: “Ngày này nên được kỷ niệm như là ngày tự do, với những nghi thức long trọng dành cho Chúa - Đấng Toàn năng. Cần phải tổ chức long trọng bằng diễu hành, buổi biểu diễn, trò chơi, thể thao, rung chuông, lửa trại, đèn trang trí, từ cực này đến cực kia của lục địa, từ giờ cho đến mãi mãi”.
Sau đó vào năm 1788, một cuộc kỷ niệm hoành tráng khác đã được tổ chức nhân dịp Hiến pháp mới được thông qua. Dịp đó, diễu hành to hơn, có nhiều diễn văn được đọc và cả tiệc tối.
Nhưng giữa hai lần kỷ niệm lớn này (1776 và 1788) là cuộc chiến khủng khiếp với những núi xương sông máu. Nhiều người tham gia ký kết đã thiệt mạng hoặc khánh kiệt. Gia đình ly tán, sản nghiệp và nông trang tiêu tan. Các quyền tự do nêu trong bản Tuyên ngôn và cụ thể hóa trong Hiến pháp đã được giành bằng cái giá rất đắt.
Thế rồi từ đó vào sáng tinh mơ ngày 4/7, những phát đại bác vang rền cùng với tiếng chuông reo. Lá quốc kỳ tung bay trên các nóc nhà, từ nhà này sang nhà khác, dọc theo phố xá. Cửa sổ các cửa hiệu sặc sỡ màu đỏ, trắng và xanh da trời. Nhà thờ tổ chức các nghi lễ đặc biệt.
Tinh thần cách mạng còn đó?
Vừa rồi quân đội Mỹ chiến đấu vì cái gì? Động lực chiến đấu của họ có giống như Đội quân Cách mạng (thời Cách mạng Mỹ) của chúng ta?
Những người Iraq bị thương và kêu cứu khi họ bị kẹt giữa 2 làn đạn trong Chiến tranh Iraq 2003 do Mỹ phát động (ảnh: Reuters)
Liệu có “tự do khỏi tôn giáo”, “quyền” chấm dứt sinh mạng của các sinh linh bé bỏng không được mong muốn, hay “quyền” cho hai người nam hoặc hai người nữ “kết hôn”?
Hay đó vẫn là giấc mơ không tưởng ở một quốc gia được Chúa chở che, với các quyền bất khả xâm phạm được tạo hóa ban tặng bình đẳng cho tất cả mọi người, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc?”/.
Theo VOV