Nghệ An bàn giải pháp nâng cao chỉ số PCI trong giai đoạn tới

Phạm Bằng - Thành Duy 08/09/2022 19:30

(Baonghean.vn) - Chiều 8/9, UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo đánh giá chỉ số PCI tỉnh Nghệ An năm 2021 và giải pháp nâng cao chỉ số PCI trong giai đoạn tới.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đồng chủ trì hội thảo.

Dự hội thảo có đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, các hiệp hội, hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp và nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Toàn cảnh Hội thảo đánh giá chỉ số PCI tỉnh Nghệ An năm 2021 và giải pháp nâng cao chỉ số PCI trong giai đoạn tới. Ảnh: Thành Duy

CHỈ RÕ ĐIỂM NGHẼN, RÀO CẢN, ĐỀ RA GIẢI PHÁP GIẢI QUYẾT

Khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) có vai trò hết sức quan trọng, là hệ thống phản ánh thông tin khách quan từ doanh nghiệp về môi trường cạnh tranh cấp tỉnh; theo dõi, đánh giá chất lượng công tác điều hành, nhất là điều hành kinh tế, mức độ thân thiện, thuận lợi của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền để thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân.

Nhận thức được tầm quan trọng của chỉ số PCI, từ năm 2012, Nghệ An đã xây dựng Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện môi trường kinh doanh. Nhờ đó, PCI của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong giai đoạn 2016-2020.

Năm 2016, chỉ số PCI của Nghệ An đứng thứ 25 và đến năm 2020 đứng thứ 18/63 tỉnh, thành. Bước sang năm 2021, điểm số PCI của tỉnh Nghệ An là 64,74, chỉ tăng 0,01 điểm so với năm 2020, nhưng thứ hạng của tỉnh giảm 12 bậc (từ 18 xuống 30 trong bảng tổng hợp xếp hạng chỉ số PCI toàn quốc).

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Thành Duy

Từ kết quả đó cho thấy, mức độ, chất lượng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh của tỉnh còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; vẫn còn những rào cản, những điểm nghẽn, bất cập trong chỉ đạo, điều hành và trong thực thi công vụ, nhất là phục vụ doanh nghiệp.

Ngoài ra, với việc cải thiện chỉ số PCI không có tính bứt phá cũng cho thấy, chính quyền tỉnh mặc dù quan tâm, nhưng đang “loay hoay”, chưa tìm ra được vấn đề cốt lõi của việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nói chung và cải thiện chỉ số PCI nói riêng.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết, theo chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, trong thời gian tới, Nghệ An tập trung, quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự hội thảo. Ảnh: Thành Duy

Với tinh thần cầu thị, Nghệ An mong muốn được lắng nghe những phân tích, đánh giá thẳng thắn, trực diện, khách quan từ góc nhìn của các chuyên gia và các doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ có giải pháp cụ thể, hiệu quả để cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất để phục vụ người dân, doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá, Nghệ An vẫn chưa phải là tỉnh giàu, đang trong quá trình tạo lập cơ sở nền tảng để có thể vươn lên, tạo bứt phá phát triển. Lực lượng doanh nghiệp khá đông nhưng chưa mạnh. Năng lực thu hút đầu tư từ bên ngoài, đặc biệt là thu hút FDI với các nhà đầu tư chiến lược chưa có nhiều đột phá.

Đồng chí Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thành Duy

Qua nghiên cứu, cập nhật thông tin về tình hình kinh tế - xã hội và định hướng thu hút đầu tư của tỉnh, VCCI nhận thấy, Nghệ An còn rất nhiều không gian để cải cách. Tuy nhiên, tốc độ cải cách cần mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa, cần phải có sự nỗ lực, vào cuộc của cả bộ máy chính trị để có thể khai thác triệt để tiềm năng và lợi thế.

Tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI phân tích chi tiết môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh; chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh Nghệ An qua kết quả PCI; khuyến nghị các giải pháp về cải thiện chỉ số PCI trong năm 2022 và các năm tiếp theo, chia sẻ một số kinh nghiệm tốt trong cải thiện chất lượng điều hành kinh tế.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Thành Duy

"Trong thời gian tới, tỉnh cần tăng cường gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp ở nhiều cấp độ: Chung của tỉnh, theo lĩnh vực từng sở, ngành, theo địa bàn của huyện, thị... Cần đảm bảo các cuộc gặp mặt, đối thoại này có sự tham gia của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; Cần xây dựng chương trình để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân siêu nhỏ, nhỏ và vừa trên địa bàn, chương trình thúc đẩy chuyển đổi hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp; Thực hiện việc đánh giá thực thi của sở, ngành, huyện một cách thường xuyên, thực chất và khoa học", Trưởng Ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh.

Chia sẻ kinh nghiệm trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, bà Vũ Thị Kim Chi - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh luôn đổi mới tư duy phát triển, bám sát thực tiễn, trăn trở tìm ra điểm nghẽn, tìm ra động lực, nguồn lực mới; Triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các chương trình đầu tư quy mô lớn, nhất là cho hạ tầng chiến lược, dự án hạ tầng giao thông liên vùng, năng lượng “xanh”, hạ tầng “xanh”, thực hiện hiệu quả chuyển đổi số; Địa phương này cũng nhận thức đầy đủ vai trò của các khu vực kinh tế, trong đó kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị.

Bà Vũ Thị Kim Chi - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh chia sẻ kinh nghiệm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Ảnh: Thành Duy

Mặt khác, tỉnh Quảng Ninh luôn nỗ lực tạo môi trường thể chế bình đẳng, công bằng trong tiếp cận các nguồn lực giữa các thành phần doanh nghiệp, các nhà đầu tư; Mạnh dạn thí điểm thành công nhiều mô hình mới trong hỗ trợ doanh nghiệp; Nhận diện tầm quan trọng của công tác xây dựng quy hoạch chiến lược, đẳng cấp quốc tế để thu hút nguồn lực đầu tư; Mạnh dạn trao quyền cho cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp “đo lường”, đánh giá mức độ tín nhiệm chính bộ máy chính quyền điều hành cấp cơ sở: DDCI, DGI, SIPAS, ICT...

CẢI THIỆN CHỈ SỐ PCI LÀ MỤC TIÊU, ĐỘNG LỰC ĐỂ NGHỆ AN THAY ĐỔI

Tại hội thảo, lãnh đạo các sở, ngành, các Hiệp hội Doanh nghiệp, doanh nghiệp đã thảo luận, tập trung phân tích, đánh giá các tồn tại, hạn chế trong môi trường đầu tư kinh doanh, chỉ số PCI; đồng thời đề xuất, kiến nghị những giải pháp cụ thể để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Nghệ An trong thời gian tới.

Kết luận hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho rằng, hội thảo đã kết thúc thành công tốt đẹp và mở ra một giai đoạn mới để Nghệ An tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn nội dung, cam kết của chính quyền tỉnh, các cấp, ngành trong việc thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chỉ số PCI trong giai đoạn tới.

Các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam điều hành phần thảo luận. Ảnh: Thành Duy

Trên cơ sở phân tích, đánh giá những kết quả tích cực cũng như tồn tại, hạn chế trong chỉ số PCI của Nghệ An, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, việc nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và cải thiện chỉ số PCI không đơn giản là cải thiện thứ bậc, mà mục tiêu lớn hơn là cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh; coi cải thiện chỉ số PCI là mục tiêu và động lực để tỉnh Nghệ An thay đổi, năng động hơn, tốt hơn về năng lực điều hành quản lý, thực hiện tinh thần phục vụ doanh nghiệp. Chính quyền tỉnh, các cấp, các sở, ngành đều phải thực hiện mục tiêu này.

Để làm được điều này, đồng chí Nguyễn Đức Trung yêu cầu từ UBND tỉnh đến các sở, ngành, địa phương phải xác định rõ trách nhiệm, nhất là người đứng đầu: “Mỗi cán bộ, công chức, viên chức hãy vì sự phát triển của tỉnh mà tự nguyện gánh vác trách nhiệm, để tạo lập một môi trường đầu tư kinh doanh thực sự thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, từ đó chỉ số PCI sẽ được nâng cao”.

Đồng chí Nguyễn Xuân Đức - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Thành Duy

Ông Trần Anh Sơn - đại diện Hội Doanh nghiệp tỉnh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thành Duy

Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh 6 nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, “tư tưởng có thông thì mới làm được mọi việc”, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức phải thông, phải hiểu mục đích, ý nghĩa của việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó mới lan toả tới doanh nghiệp và người dân.

Mặt khác, tập trung cải thiện các chỉ số thành phần mà tỉnh đang yếu, đang giảm hoặc đang đứng ở thứ hạng thấp; tiếp tục cải thiện tăng các chỉ số thành phần. Phấn đấu trong năm 2022 và các năm tiếp theo, không có chỉ số thấp hơn điểm trung vị PCI bình quân của cả nước. Yêu cầu các sở, ngành phải khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết để cải thiện cho từng chỉ số. Kế hoạch phải có lộ trình thực hiện, mục tiêu cụ thể, duy trì thường xuyên thì mới tạo ra được thay đổi lâu dài.

Toàn cảnh hội thảo đánh giá chỉ số PCI tỉnh Nghệ An năm 2021 và giải pháp nâng cao chỉ số PCI trong giai đoạn tới. Ảnh: Thành Duy

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cũng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó tập trung thực hiện chuyển đổi số, tăng thủ tục hành chính thực hiện qua hình thức trực tuyến; triển khai thực hiện triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ; có cơ chế, chính sách khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của người dân xứ Nghệ. Trong giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp phải thực hiện với phương châm “nhanh - đúng - hiệu quả”, trên tinh thần “tôn trọng - lắng nghe - thấu hiểu”.

Cùng đó, cần xây dựng mối quan hệ thân thiện giữa các cấp chính quyền, sở, ngành với doanh nghiệp để doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn, vướng mắc nhằm kịp thời hỗ trợ, giải quyết, theo tinh thần tăng cường đối thoại. Thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch cải thiện chỉ số PCI hàng quý, 6 tháng, hàng năm. Đồng thời, phải thực hiện đánh giá và công bố năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) trên tinh thần khách quan, trước hết là năm 2022.

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An và VCCI chi nhánh Nghệ An đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác về việc triển khai đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI). Ảnh: Phạm Bằng

Dịp này, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An và VCCI Chi nhánh Nghệ An đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác về việc triển khai đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI).

Nghệ An bàn giải pháp nâng cao chỉ số PCI trong giai đoạn tới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO