Nghệ An: Biển đang "lấn" vào đất liền
(Baonghean) - Thực trạng hiện nay cho thấy, các huyện ven biển tỉnh Nghệ An đang bị nước biển xâm thực nghiêm trọng. Sự thay đổi diện tích rừng phòng hộ và rừng ngập mặn đang ảnh hưởng đến xói lở và biến đổi khí hậu các huyện ven biển hiện nay.
Tổng diện tích đất rừng ven biển tỉnh Nghệ An hơn 7.200 ha (trên tổng số 29.240,6 ha vùng ven biển), nhưng mới chỉ có 1.738 ha đất có rừng, trong đó có 569,9 ha rừng ngập mặn chủ yếu ở các vùng cửa Hội (sông Cả), Cửa Vạn (sông Bùng), cửa Lạch quèn, Lạch Cờn (sông Mai Giang); 688,1 ha rừng bãi cát ven biển thường gọi là bãi ngang.
Rừng ngập mặn ven sông Lam ở xã Hưng Hòa (TP. Vinh). Ảnh: Mai Hoa |
Thời gian qua, điều đáng lo ngại nhất là do phát triển các nhà nghỉ, khách sạn, nuôi tôm, trồng cây nông nghiệp và xây dựng khu du lịch ven biển... diện tích đất rừng phòng hộ ven biển và rừng ngập mặn tại Nghệ An đã giảm đáng kể.
Rừng ven biển mất đi đến đâu, kéo theo hậu quả xói lở bờ đến đó. Theo một số liệu điều tra khảo sát gần đây, trong số 45 xã ven biển có 19 xã bị xói lở, tổng chiều dài các đoạn xói lở hơn 19.200m, trong đó 11.050m ở cửa lạch, 8.240m bãi ngang. Với tốc độ xói lở trung bình 42m, mỗi năm Nghệ An mất gần 100 ha đất ven biển. Nhiều đoạn xói lở đã vào sát khu dân cư như Sơn Hải, Quỳnh Long; một số đoạn như Quỳnh Bảng, Quỳnh Ngọc tốc độ xói lở từ 150 - 200m/năm. Riêng đoạn bờ biển xã Diễn Kim (Diễn Châu) đoạn xói lở dài tới 6 km.
Đoạn bờ biển thuộc phường Quỳnh Phương, xã Quỳnh Bảng (thị xã Hoàng Mai) bị xói lở mạnh nhất là bờ biển bãi triều cao phía Nam đền Cờn ngoài. Đoạn từ Cửa Lò tới Cửa Hội, trước khi có đê, kè bị xói lở rất mạnh, lô cốt Pháp xây dựng năm 1950 cách bờ khoảng 100m nay đã ở cạnh mép nước biển...
Bờ biển Nghệ An đang có xu thế dịch chuyển dần về phía đất liền. Trong lúc đó một số nơi rừng tự nhiên ven biển bị khai thác trước đây không thể tái sinh chỉ là lau lách, sim, mua. Theo thống kê từ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian gần đây đã trồng lại được hơn 5.300 ha bạch đàn, keo, lim, gió, tràm... Từng đó diện tích vẫn chưa khắc phục được hậu quả phần lớn đất đai đã bị xói mòn. Các cơ quan quản lý, người dân cần thấy rõ sự mất mát đất dải ven biển gắn liền với sự mất mát rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển.
Có thể thấy rõ một màu xanh bạt ngàn rừng đước Hưng Hòa tạo thành “bức tường xanh” chắn sóng, chắn gió tại cửa biển từ phía cù lao mạn đê Hưng Hòa, TP. Vinh ven theo con đê sông Lam điểm cuối là Cửa Hội rồi vùng bãi ngang, bãi dọc Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu.
Rừng phòng hộ ngập mặn ven biển ở các địa phương nói trên không chỉ góp phần làm giảm sự tác động của biển đổi khí hậu mà còn cân bằng môi trường sinh thái cho đời sống người dân.
Năm 1997, khi có dự án trồng rừng ngập mặn của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản, Đan Mạch tài trợ, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương ven biển khẩn trương triển khai thực hiện. Sau những năm đầu thực hiện dự án, các địa phương như Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, TX. Cửa Lò, thành phố Vinh, Hưng Nguyên đã triển khai trồng rừng ngập mặn, chỉ sau 3 năm, tốc độ phủ xanh nhanh chóng. Đây cũng là môi trường sống lý tưởng cho các loài thủy sinh dưới những tán cây. Ngoài ra, với độ che phủ dày, nhiều loài chim đã quần cư về đây để sinh sôi, phát triển thành bầy đàn, tạo đa dạng về mặt sinh học.
Hàng chục km tuyến đê biển của huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc... đã được che chắn, bảo vệ, tạo cảnh quan yên bình cho mỗi vùng quê.
Để đối phó với biến đổi khí hậu, để tránh tình trạng xâm thực bờ biển, nước mặn xâm nhập vào sâu trong đồng ruộng, giải pháp lâu dài cần được các nhà quản lý tỉnh chú trọng, đó là: Phải tạo dày thêm “bức tường xanh” ở các địa phương ven biển, trước mắt cần phải có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, tránh để tình trạng người dân ồ ạt phá rừng phòng hộ nuôi tôm, sử dụng sai mục đích, trái pháp luật.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng phòng hộ ngập mặn cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa.
Minh Thư
TIN LIÊN QUAN