Nghệ An: Các khu công nghiệp 'khát' hàng chục nghìn lao động
(Baonghean) - Nguồn cung lao động dồi dào là một trong những lợi thế của Nghệ An. Thế nhưng, khi đã và đang thu hút được các dự án, nhất là dự án đầu tư nước ngoài FDI cần lượng lao động lớn, tỉnh lại đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lao động.
Cầu sử dụng lao động ngày càng lớn
Theo Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam, với những tín hiệu tích cực trong thu hút đầu tư, nhu cầu sử dụng lao động trên địa bàn tại các Khu công nghiệp (KCN) ngày càng lớn. Cụ thể, nếu như năm 2016, Khu kinh tế (KKT) với 6 KCN sử dụng 17.150 lao động, trong đó số tuyển dụng là 2.489 người thì đến năm 2021 với 132 doanh nghiệp đi vào hoạt động đã sử dụng 30.079 người, trong đó tuyển dụng 6.440 người; 6 tháng đầu năm 2022, số lao động trong KKT là 29.247 người và dự kiến đến cuối năm cần thêm 10.006 người.
Lao động tiếp xúc, tìm hiểu cơ hội việc làm tại Hội chợ kết nối việc làm do KCN VSIP Nghệ An phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam tổ chức. Ảnh: Nguyễn Hải |
Đại diện Ban quản lý KKT Đông Nam cho biết: Bên cạnh các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, dự kiến giai đoạn 2022-2025, trong KKT, KCN thu hút trên 100 dự án đầu tư.
Cùng các dự án quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động là Công ty TNHH cơ khí chính xác Goertek Vina, Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam, sắp tới, khi dự án lắp ráp điện tử Juteng (Việt Nam) và Dự án sản xuất giày dép của Tập đoàn Hoa Lợi tại Hoàng Mai đi vào hoạt động thì nhu cầu lao động sẽ tăng lên dự kiến từ 80-100 nghìn người.
Một góc Khu công nghiệp VSIP Nghệ An tại xã Hưng Tây, Hưng Nguyên. Ảnh: Nguyễn Hải |
Những năm lại đây, để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động trong Khu kinh tế, thông qua các diễn đàn kết nối cung-cầu, tỉnh đã chuẩn bị nguồn để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp sản xuất điện tử và đầu tư, kinh doanh hạ tầng cũng chủ động phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ cho công tác tuyển dụng của doanh nghiệp. Điển hình là Công ty TNHH cơ khí chính xác Goertek Vina, Công ty Công nghệ Everwin Precision; các nhà đầu tư, kinh doanh hạ tầng KCN như Công ty TNHH VSIP Nghệ An ký kết hợp tác với Trường Đại học Vinh, Đại học Công nghiệp Vinh, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh đào tạo, tuyển dụng lao động, Công ty CP WHA Industrial Zone Nghệ An kết hợp với Trường ĐH công nghệ Vạn Xuân đào tạo, tuyển dụng lao động.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đã hợp tác với 90 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đào tạo, tuyển dụng 7.042 lao động.
Trên 1.200 lao động đã đến tìm hiểu, kết nối để tìm việc làm tại Hội chợ việc làm tháng 6 năm 2022 do KCN VSIP Nghệ An tổ chức. Ảnh: Nguyễn Hải |
Theo ông Trần Phi Hùng - Trưởng Phòng việc làm, Sở Lao động, TB&XH, Nghệ An hiện có 1,6 triệu người trong độ tuổi lao động, hàng năm từ 45-50 nghìn lao động trẻ bổ sung vào lực lượng lao động nên có thể nói nguồn lao động rất dồi dào. Nhu cầu việc làm cho lao động ngày càng lớn. Tuy vậy, vì nhiều lý do, các doanh nghiệp tại KKT rất khó tuyển lao động và hiện hữu nguy cơ thiếu trong tương lai.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2015-2020, trong số 189.056 lao động được giải quyết việc làm mới thì trong tỉnh là 55.013 người, chiếm 29,09%; ngoại tỉnh 69.300 người chiếm 36,65%, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 64.743 người chiếm 34,2%; 9 tháng đầu năm 2022, có 18.864 người đi nước ngoài làm việc, chiếm 46% trong số 40.954 việc làm mới trên địa bàn.
Sở dĩ lao động Nghệ An thường chọn làm việc ngoại tỉnh hoặc xuất khẩu lao động vì bình quân lương tháng tại Nghệ An khá thấp (6,0 triệu/tháng) so với cả nước là 6,6 triệu đồng; trong khi đó xuất khẩu lao động cho thu nhập gấp 5-8 lần.
Giải pháp để chủ động nguồn cung lao động
Tại các cuộc tiếp xúc gần đây với lãnh đạo tỉnh, đại diện Công ty Em-Tech Vinh và Công ty Lux share - ICT Việt Nam đều lo lắng về việc khó tuyển lao động và đề nghị tỉnh đồng hành, hỗ trợ trong tuyển dụng. Tương tự, dù đang trong giai đoạn khởi công xây lắp nhưng với nhu cầu lên đến gần 40 nghìn lao động, Công ty Everwin Precision Việt Nam và Juteng Việt Nam (tại KCN Hoàng Mai 1) cũng mong muốn tỉnh có kế hoạch cụ thể hơn về hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động là con em địa phương.
Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ Everwin Precision Việt Nam thông tin về nhu cầu nhân lực của Công ty trong giai đoạn 2023-2026 sau khi hoàn thành xây lắp và đi vào hoạt động. Ảnh: Nguyễn Hải |
Theo ông Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở Lao động, TB&XH, để thu hút lao động vào các KCN làm việc, góp phần gỡ các điểm nghẽn, hạn chế trên, thời gian qua, Sở đã phối hợp với KKT Đông Nam và các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng tổ chức hội chợ kết nối cung cầu lao động. Tuy nhiên, về lâu dài, tỉnh cần nắm chắc diễn biến của cung - cầu lao động, đặc biệt về số lượng, ngành nghề, trình độ để có kế hoạch, giải pháp kết nối cung - cầu lao động, chủ động giải quyết khó khăn về thiếu hụt lao động tại các địa phương, khu vực sản xuất trọng điểm.
Ông Nguyễn Văn Khoa - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cung cấp thông tin về kết quả phân luồng, hướng nghiệp, đào tạo nghề để các doanh nghiệp lựa chọn, xây dựng phương án. Ảnh: Nguyễn Hải |
Để làm được điều này, các doanh nghiệp tuyển dụng cần phối hợp với các cơ quan quản lý lao động để hỗ trợ khâu tuyển dụng lao động. Thời gian qua, dù là đơn vị quản lý chuyên ngành, Sở này không nhận được phương án, kế hoạch sử dụng lao động của các doanh nghiệp theo các dự án đầu tư nên khá bị động.
Lãnh đạo Sở Lao động, TB&XH phân tích cơ cấu, xu hướng chọn việc làm của lao động tỉnh hàng năm tại Hội thảo kết nối cung cầu lao động chiều 10/10. Ảnh: Nguyễn Hải |
Bên cạnh đó, Ban quản lý KKT Đông Nam đề xuất cần có cơ chế thu hút và giữ chân người lao động làm việc tại doanh nghiệp ổn định, lâu dài bằng cách quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động; xây dựng chế độ tiền lương, thu nhập xứng đáng; các doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ người lao động về tiền lương, tiền ăn ca, thâm niên công tác (tăng lương định kỳ), phụ cấp trách nhiệm và các chế độ bảo hiểm, phúc lợi xã hội khác để lao động yên tâm gắn bó lâu dài, tăng năng suất lao động, đem lại lợi nhuận và sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
Hội thảo kết nối cung cầu lao động tại các KCN, Khu Kinh tế lần thứ 2 do Ban quản lý KKT Đông Nam và Sở Lao động, TB&XH phối hợp tổ chức. Ảnh: Nguyễn Hải |
Sắp tới, 11 doanh nghiệp cũng xác nhận cần khoảng 100 nghìn lao động, trong đó năm 2022, cần 10 nghìn lao động nhưng chỉ cần 13 lao động trên trung cấp, năm 2023 cần 2.194 người, năm 2024 cần 3.461 người và năm 2025 cần 2.595 lao động có trình độ trung cấp trở lên, còn lại đều là lao động phổ thông.
(Theo Phòng Doanh nghiệp và lao động, KKT Đông Nam)
Ký kết thỏa thuận cung ứng lao động giữa Trường Cao đẳng nghề Việt Hàn với các đơn vị sử dụng lao động. Ảnh tư liệu Báo Nghệ An |
Cùng quan điểm, đại diện Trung tâm dịch vụ lao động Nghệ An chia sẻ: Các doanh nghiệp trong khu kinh tế chủ yếu cần lao động phổ thông nhưng lại ưu tiên biết ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Trung) nên không dễ tuyển và phải đào tạo. Vì thế, ngay từ lúc này, từng doanh nghiệp phải có kế hoạch nhu cầu lao động theo từng ngành nghề, “đặt hàng” với cơ quan quản lý Nhà nước để có kế hoạch hỗ trợ, phối hợp với các trường và các trung tâm dịch vụ việc làm để chuẩn bị nguồn nếu không muốn rơi vào bị động, thiếu hụt.