Nghệ An: Đảm bảo cung ứng kịp thời, đầy đủ, chất lượng sách giáo khoa mới cho học sinh
(Baonghean.vn) - Từ năm học tới, học sinh lớp 2 và lớp 6 trên toàn tỉnh sẽ học sách giáo khoa mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Chính vì vậy việc lựa chọn sách giáo khoa sao cho phù hợp và cung ứng sách giáo khoa đã được ngành Giáo dục chú trọng trên cơ sở hài hòa và sát với đối tượng học sinh.
Khách quan trong lựa chọn sách giáo khoa
Đây là năm thứ hai, Nghệ An thực hiện chọn sách giáo khoa nhằm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, nếu như những năm trước việc lựa chọn sách giáo khoa được giao cho các nhà trường thì năm nay được giao cho Hội đồng thẩm định sách giáo khoa của tỉnh nghiên cứu và bỏ phiếu lựa chọn. Thành viên hội đồng lànhững người có chuyên môn, có năng lực, trong đó 2/3 là tổ trưởng chuyên môn và giáo viên trực tiếp đứng lớp. Mỗi bộ môn sẽ có một hội đồng thẩm định riêng và có đại diện cho từng vùng, miền.
Giáo viên thành phố Vinh tập huấn triển khai chương trình sách giáo khoa mới. Ảnh: MH |
Trước đó, để đảm bảo khách quan, Nghệ An đã chuyển bản mẫu sách giáo khoa các môn học đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để các nhà trường lựa chọn dựa trên cơ sở đặc điểm kinh tế - xã hội địa phương, điều kiện dạy học của cơ sở giáo dục và năng lực, trình độ học sinh.
Từ ý kiến đóng góp của các nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp và chuyển cho Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa tỉnh. Sau đó, các thành viên Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa môn học tập trung thảo luận bỏ phiếu kín lựa chọn 1 hoặc một số sách giáo khoa cho mỗi môn học và tổng hợp, báo cáo kết quả nghiên cứu bằng văn bản về Chủ tịch Hội đồng.
Qua gần 2 tháng chuẩn bị, ngày 16/4/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1024/QĐ-UBND ngày 16/4/2021 về việc phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ năm học 2021 - 2022.
Theo đó, đối với sách giáo khoa lớp 2 các môn Toán, Đạo đức, Tự nhiên và xã hội, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm đều là các đầu sách của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành. Riêng môn Tiếng Việt, ngoài bộ sách do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành còn có 1 đầu sách của bộ sách Cánh Diều do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh phát hành; môn Hoạt động trải nghiệm có thêm 1 đầu sách của bộ Chân trời sáng tạo do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành.
Đối với sách giáo khoa lớp 6, có 23 đầu sách được lựa chọn, trong đó 13 đầu sách do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành, 5 đầu sách do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh phát hành và 5 đầu sách do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm phát hành.
Các giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP. Vinh) tìm hiểu, nghiên cứu về sách giáo khoa mới dành cho học sinh lớp 2. Ảnh: MH |
Theo ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Việc lựa chọn sách giáo khoa đảm bảo theo nguyên tắc: Nghiên cứu, lựa chọn sách giáo khoa thuộc danh mục sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông. Việc lựa chọn sách giáo khoa phải đáp ứng các tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành về đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương, điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục, phù hợp với yêu cầu và trình độ học sinh. Quá trình triển khai, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, thể hiện đầy đủ tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân.
Quá trình triển khai cũng cho thấy, năm thứ 2 thực hiện thay sách giáo khoa mới ở Nghệ An diễn ra khá thuận lợi. Trước khi lựa chọn sách mới, ngành Giáo dục Nghệ An cũng đã có đánh giá khá đầy đủ về ưu, nhược điểm của sách giáo khoa lớp 1 sau một năm thực hiện.
Giờ học của học sinh lớp 1 huyện Tương Dương. Ảnh: MH |
Theo đó, dù Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có nhiều điểm ưu Việt so với các chương trình trước đây. Ngoài sách giáo khoa, các học liệu điện tử đi kèm đa dạng, phong phú, dễ khai thác, sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên xây dựng được các bài học hấp dẫn, thu hút, lôi cuốn học sinh; học sinh dễ hiểu, hứng thú hơn với các tiết học, đỡ nhàm chán; học sinh được tham gia nhiều hoạt động, trải nghiệm từ đó hình thành được nhiều kỹ năng quan trọng. Cuối năm học, học sinh đạt được nhiều kỹ năng vượt trội như: kỹ năng đọc, giao tiếp, tự chủ, tự học, tư duy phản biện; học sinh năng động, tự tin hơn nhiều.
Sớm cung ứng đủ sách giáo khoa cho học sinh
Để việc thay sách giáo khoa thuận lợi, ngay sau khi UBND tỉnh quyết định phê duyệt các đầusách giáo khoa lớp 2 và lớp 6, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng đã báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo về danh mục sách giáo khoa được lựa chọn. Đồng thời, cung cấp thông tin bằng văn bản cho các nhà xuất bản có sách giáo khoa được lựa chọn về danh mục, số lượng SGK mỗi nhà xuất bản cần cung ứng cho các cơ sở giáo dục tại địa phương để kịp xuất bản, cung ứng cho các cơ sở giáo dục phổ thông trước ngày khải giảng năm học mới.
Trường THCS Lê Mao (TP. Vinh) cho ý kiến về sách giáo khoa lớp 6. Ảnh: MH |
Điều này cũng để thực hiện đúng theo Văn bản hướng dẫn số 367/BGDĐT – GDTH của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm kịp thời “cung ứng đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ đến các cơ sở giáo dục phổ thông, các đơn vị liên quan, đáp ứng nhu cầu của giáo viên, phụ huynh và học sinh trên địa bàn trước ngày 15/8/2021”. Hiện các địa phương căn cứ theo kế hoạch năm học đã được phê duyệt cũng đã rà soát chính xác số lượng học sinh lớp 2 và lớp 6 cho năm học tới và đây sẽ là căn cứ để Nghệ An tổng hợp và phối hợp với các nhà xuất bản và các nhà cung ứng chuẩn bị sách giáo khoa cho năm học tới.
Liên quan đến vấn đề này, ngày hôm nay 4/6, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục ban hành văn bản yêu cầu thống kê nhu cầu sử dụng sách giáo khoa lớp 1, 2 năm học 2021-2022.
Nhờ được trang bị thiết bị dạy học hiện đại, việc áp dụng học liệu điện tử sẽ giúp cho việc triển khai sách giáo khoa mới được thuận lợi và hiệu quả. Ảnh: MH. |
Đối với sách giáo khoa lớp 1, các trường cần tiếp tục rà soát, thống kê sách hiện có, đối chiếu với nhu cầu, đăng ký sách bổ sung, thay thế, đảm bảo không để học sinh nào thiếu sách giáo khoa. Riêng các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, các trường gửi danh sách học sinh có hoàn cảnh khó khăn đề nghị Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tặng sách giáo khoa (theo nội dung tại Công văn số 1047/GDTH ngày 27/5/2021 của Sở GD&ĐT).
Văn bản hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: MH |
Sau khi thống kê, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành, thị tổng hợp nhu cầu từ các cơ sở giáo dục trực thuộc gửi về Sở danh mục, số lượng sách giáo khoa (lớp 1, 2 và lớp 6) hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn phối hợp với các đơn vị cung ứng sách giáo khoa để đảm bảo cung ứng sách giáo khoa đầy đủ, kịp thời, đảm bảo chất lượng.
Về vấn đề cung ứng sách giáo khoa cho năm học mới, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành khẳng định: Việc thống kê số lượng, nhu cầu sử dụng sách giáo khoa ở cơ sở là nhằm để báo cáo cho các nhà xuất bản chuẩn bị đủ sách giáo khoa cho tất cả học sinh trong năm học tới, đảm bảo không có học sinh nào bị thiếu sách giáo khoa.
Các phụ huynh, các nhà trường có thể lựa chọn các đơn vị cung ứng phù hợp, vừa đảm bảo khách quan, vừa thuận lợi nhưng quan trọng nhất là phải đảm bảo chất lượng do các nhà xuất bản có uy tín sản xuất, tránh tình trạng sách giả, sách lậu.
Trong năm học 2020 – 2021, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí942 triệu đồng để mua 5.050 bộ sách giáo khoa trang bị cho thư viện các trường tiểu học vùng khó khăn cho học sinh đăng ký mượn. Năm học 2020-2021, các Nhà xuất bản cung ứng đủ đảm bảo 100% HS có sách giáo khoa để học tập.
Dự kiến trong năm học 2021 – 2022, tỉnh sẽ cấp kinh phí để mua 2000 bộ sách giáo khoa mới để hỗ trợ 6 huyện miền núi cao và cấp cho học sinh nghèo, học sinh khó khăn.