Nghệ An gắn trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu với kết quả công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông
UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Kế hoạch số 44/KH-UBND tuyên truyền pháp luật về ATGT năm 2025.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu:
- Ban ATGT tỉnh, các cấp, các ngành, các đoàn thể, các địa phương đổi mới, đa dạng các hình thức, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền để phù hợp với nhận thức của từng đối tượng tham gia giao thông, phù hợp với từng khu vực, lứa tuổi và vùng miền, góp phần xây dựng văn hoá giao thông trong cộng đồng dân cư, hướng tới một xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn trong quá trình tham gia giao thông.
- Triển khai đồng bộ các giải pháp từ cấp tỉnh đến cơ sở, chú trọng tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông là nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu gây ra tai nạn giao thông như: Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, sử dụng rượu bia trong khi lái xe, giao phương tiện cho người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông, hành vi lấn, chiếm vỉa hè, hành lang an toàn giao thông để sản xuất, kinh doanh, buôn bán,...; mức xử phạt và hình thức xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
- Gắn trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu với kết quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị, thành viên Tiểu ban tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
- Việc tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông được triển khai cho tất cả mọi công dân, nhưng chủ yếu tập trung vào các nhóm đối tượng sau:
Cán bộ, công chức phụ trách lĩnh vực về đảm bảo an toàn giao thông tại địa bàn cấp xã; Trưởng thôn, khối, xóm, bản dọc hai bên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh;Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông và chủ các doanh nghiệp có kinh doanh vận tải; Lao động tự do, học sinh, sinh viên, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân sống tại các vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn...
- Nội dung tuyên truyền tập trung vào:
+ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật; Nghị định số 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ; các quy định về trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe; Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP) và các quy định pháp luật khác liên quan đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.
+ Các văn bản của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về đảm bảo an toàn giao thông, đẩy mạnh xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng dân cư; xây dựng các điển hình tại địa phương, đơn vị, cơ quan, trường học không có người vi phạm trật tự an toàn giao thông và không có tai nạn giao thông.
+ Các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, đặc biệt là việc sử dụng phương tiện tham gia giao thông khi chưa đủ điều kiện điều khiển, sử dụng mô tô, xe máy phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, uống rượu bia khi tham gia giao thông, tuyên truyền về hậu quả, tác hại của tai nạn giao thông.
Tại Kế hoạch số 44/KH-UBND, UBND tỉnh cũng phân công nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương, các sở ngành liên quan cùng phối hợp thực hiện nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo đảm ATGT; góp phần đạt mục tiêu giảm trên 3 tiêu chí: về số vụ tai nạn, số người chết và người bị thương so với năm 2024; phòng ngừa, hạn chế tai nạn giao thông nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; không để ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm, tại các đô thị trên địa bàn tỉnh.