Thu nhập cao từ lợn đen, vịt bầu Quỳ nức tiếng
Gia trại của ông Lương Văn Phi ở bản Liên Bận, xã Châu Thắng nằm yên bình giữa bốn bề rừng núi, khe, suối. Giữa cái nắng của tháng Tám, căn chòi nhỏ của ông Phi nằm cạnh con suối nhỏ vẫn mát mẻ vì có cây cối che nắng.
Phía sau căn chòi, ông Phi đào 1 ao cá nối thông nguồn nước với khe, suối. Trên mặt ao, ông nuôi đàn vịt bầu Quỳ hơn 1 tháng tuổi, số lượng gần 300 con. Số vịt bầu Quỳ giống bản địa 300 con này, gia đình ông được Nhà nước hỗ trợ cả giống lẫn thức ăn chăn nuôi và kỹ thuật chăm sóc.
“Trước đây, tôi cũng có nuôi vịt nhưng chỉ là nuôi dăm con phục vụ nhu cầu của gia đình. Hơn nữa, giống vịt cũng mua trôi nổi trên thị trường, chứ không có được nguồn vịt bầu Quỳ chính gốc bản địa như Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cung cấp như bây giờ. Được hỗ trợ giống, thức ăn và cán bộ nông nghiệp hướng dẫn cách chăm sóc nên chúng tôi rất yên tâm, vui mừng vì nhìn thấy được nguồn thu nhập ổn định từ chăn nuôi giống đặc sản của quê mình. Với lượng thức ăn thiên nhiên dồi dào, vịt lại thích nghi tốt với môi trường nơi đây, nên tầm 4 tháng là tôi có nguồn thu kha khá” - ông Phi bộc bạch.
Tiếp lời ông Lương Văn Phi, anh Lê Mỹ Trang - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quỳ Châu cho biết, ông Phi là 1 trong 10 hộ đã được hỗ trợ vịt giống cùng với 1 tháng thức ăn và tiêm phòng dịch cho vịt. Số lượng hỗ trợ mỗi hộ 300 con vịt chuẩn gen vịt bầu Quỳ bản địa.
Ví như các hộ gia đình ông Sầm Văn Thiếu, Lữ Văn Tiến ở bản Hoa Tiến 1, xã Châu Tiến được hỗ trợ mỗi hộ 150 con vịt bầu Quỳ, nguồn hỗ trợ trích từ ngân sách huyện theo chương trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2022. Được hướng dẫn kỹ thuật, cùng sự chăm sóc của bà con nên sau hơn 4 tháng chăn nuôi đã cho thu hoạch, bán với giá trung bình 300.000 đồng/con. Với quy định người nuôi phải duy trì gối vụ đàn vật nuôi, các hộ dùng tiền bán vịt thịt để mua vịt giống tiếp tục tái đàn.
Với cách làm này, nhiều hộ dân ở xã Châu Tiến cũng như các xã khác được thụ hưởng hỗ trợ đã có nguồn thu nhập ổn định. Với quy mô mỗi hộ nuôi 150 con - 300 con, cho thu nhập trên 20 triệu đồng/lứa, vừa có nguồn thu cao, vừa có vốn để quay vòng vật nuôi một cách bền vững.
Ngoài khôi phục, bảo tồn nguồn gen và nhân rộng chăn nuôi vịt bầu Quỳ, người dân huyện Quỳ Châu còn duy trì chăn nuôi giống lợn đen bản địa, vừa giúp tận dụng nguồn thức ăn phong phú ở địa phương, vừa giúp các hộ nuôi xóa nghèo, làm giàu từ con giống địa phương đặc trưng này. Ngoài ra, thịt lợn đen cũng là nguyên liệu quyết định chất lượng đặc trưng của các sản phẩm OCOP của huyện Quỳ Châu như thịt lợn gác bếp, xúc xích, lạp xưởng.
Ông Lô Văn Cương ở bản Na Pùa, xã Châu Nga cho biết, với đặc thù địa hình cách khá xa trung tâm huyện nên người dân xã Châu Nga đầu tư chăn nuôi quy mô hộ gia đình, quay vòng các lứa nuôi chứ không đầu tư quy mô lớn. Gia đình ông Cương cũng như các hộ khác, nuôi từ 5-7 con lợn đen giống bản địa. Thức ăn cho lợn chủ yếu là cây cối, rau, củ trồng được từ vườn nhà như chuối, rau khoai, sắn, kết hợp xay ủ thân cây cỏ voi, thân cây ngô… nên chỉ cần chịu khó là có thể có đủ nguồn thức ăn nuôi lợn. Vừa nuôi lợn thịt, vừa nuôi lợn nái đẻ, nên mỗi năm gia đình ông Cương cũng có thu nhập vài chục triệu đồng từ nuôi lợn đen.
Nguồn thu quanh năm từ cây lùng
Ở huyện Quỳ Châu, với điều kiện tự nhiên đặc trưng, mỗi hộ dân được hướng dẫn tạo sinh kế bền vững từ chăn nuôi, trồng trọt các loại cây, con bản địa thường kết hợp nuôi trồng theo hướng gia trại, trang trại tổng hợp vườn rừng.
Ví như hộ ông Lương Văn Phi ở bản Liên Bận, xã Châu Thắng. Ông Phi ngoài chăn nuôi 300 con vịt bầu Quỳ, 4 con bò vàng địa phương còn khoanh nuôi bảo vệ hơn 2 ha cây lùng. Rừng lùng vừa là thức ăn cho bò, vừa che chắn cho nhà cửa, ruộng vườn trong mùa bão lũ khỏi xói mòn, sạt lở. Ông Phi bày tỏ, cây lùng dễ chăm sóc và cho thu nhập quanh năm. Ông khai thác cây lùng theo kiểu “cuốn chiếu” từng vùng rừng, mỗi lần khai thác khoảng 0,5 ha cũng cho thu nhập trung bình 10 triệu đồng.
“Cây lùng tươi được doanh nghiệp thu mua với giá 12.000 - 13.000 đồng/yến. Còn lùng khô thì được giá hơn, tầm 38.000 - 40.000 đồng/yến, nên người dân chúng tôi thường tranh thủ sơ chế để bán lùng khô. Cây lùng sau khi chặt về, người dân cào sạch lớp vỏ xanh mỏng gọi là tinh lùng, cắt khúc theo kích thước đặt hàng của doanh nghiệp, chẻ thành tẻ nhỏ và phơi khô” - ông Phi chia sẻ.
Mỗi vùng rừng lùng khi khai thác người dân sẽ chọn chặt cây già, giữ lại cây nhỏ và bảo vệ các mầm măng. Trung bình rừng lùng sau 2 năm sẽ bắt đầu cho thu hoạch quanh năm. Mỗi hộ dân trồng 1 ha sẽ cho thu về khoảng 15-20 triệu đồng/lứa khai thác. Toàn xã Châu Thắng có khoảng 110 ha lùng được giao cho người dân khoanh nuôi, bảo vệ, đem lại nguồn lợi kinh tế không hề nhỏ cho bà con nhân dân, là cây xóa đói, giảm nghèo ở địa phương này.
Nhân rộng các mô hình sinh kế bền vững
Bảo tồn nguồn gen, chăn nuôi vịt bầu Quỳ, nuôi lợn đen địa phương, hay trồng và bảo vệ rừng lùng… là những nội dung Đề án số 06 ngày 24/11/2020 của Huyện ủy Quỳ Châu về phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực giai đoạn 2020-2025, và Quyết định số 1363 ngày 15/12/2020 của UBND huyện Qùy Châu.
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi giống đặc sản như lợn đen, vịt bầu Quỳ là một trong các nội dung thực hiện chương trình phát triển chăn nuôi gia súc hàng hóa theo hướng tập trung bán công nghiệp, khuyến khích mở rộng quy mô sản xuất trang trại, gia trại gắn với kinh tế vườn đồi mà UBND huyện Quỳ Châu đang triển khai. Trong đó, chú trọng tập trung phát triển vật nuôi có giá trị kinh tế cao như: lợn địa phương, vịt bầu Quỳ và nhân rộng các mô hình chăn nuôi bò sữa, bò thịt giống mới (Bò 3B, bò chất lượng cao). Nhờ vậy, hiện nay, ở huyện Quỳ Châu gia súc, gia cầm tái đàn sau đợt dịch phát triển ổn định, sản lượng thịt hơi chủ yếu xuất chuồng bình quân đạt 4.773 tấn/năm.
Huyện Quỳ Châu hiện đang duy trì và phát triển 10.000 con vịt bầu trên 9 xã (trừ Châu Thắng, Châu Bính và thị trấn Tân Lạc). Trong đó, tập trung nhiều ở một số xã có điều kiện thuận lợi như Châu Tiến, Châu Hạnh, Châu Bình, Diên Lãm… và dựa trên cơ sở bình tuyển đàn vịt hiện có trên địa bàn và giống gen vịt bầu Quỳ được lưu tại Viện Chăn nuôi. Khôi phục và phát triển bền vững 958,9 ha rừng lùng, nứa tự nhiên để đảm bảo nguồn vật tư cho ngành sản xuất hương trầm, làng có nghề truyền thống ở các điểm du lịch cộng đồng.
Ông Lương Trí Dũng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳ Châu cho biết, thời gian tới, Quỳ Châu sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các đề án sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; tiếp tục tái cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp hợp lý, đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Bảo tồn và phát triển cây gỗ bản địa, cây dược liệu dưới tán rừng, xây dựng các mô hình trồng cây dược liệu và dần hình thành các vùng trồng dược liệu để tăng thu nhập trên đơn vị diện tích. Chú trọng chế biến lâm sản, làm chủ được giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng, tạo sinh kế bền vững cho người dân và trở thành nền kinh tế chủ lực tại địa phương.