Nghệ An: Mới chỉ có 15% cơ sở lưu trú du lịch đăng ký xếp hạng

17/04/2017 19:22

(Baonghean.vn) - Đó là thông tin được đại diện sở Du Lịch Nghệ An nêu ra tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Du lịch sửa đổi do đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức vào chiều 17/3.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh; Hoài Thu
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Hoài Thu

Tham dự hội nghị có đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh, MTTQ tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan. Ông Trần Văn Mão - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị.

Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi có 3 chương, 83 điều, dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 3 - Quốc hội Khóa XIV. Việc lấy ý kiến góp ý lần này tập trung các phạm vi điều chỉnh như: quy định về khách du lịch; tài nguyên du lịch; quy hoạch phát triển du lịch; khu du lịch, tuyến du lịch, điểm du lịch và đô thị du lịch; hoạt động kinh doanh du lịch; xúc tiến du lịch; hợp tác và hội nhập quốc tế về du lịch và quản lý nhà nước về du lịch.

Tại hội nghị đã có 18 ý kiến góp ý về 18/21 vấn đề, tập trung các nội dung như: Kết cấu bố cục dự thảo; phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ, nguyên tắc phát triển du lịch, tham gia của cộng đồng dân cư; khách du lịch; điểm du lịch; kinh doanh vận tải du lịch; cơ sở lưu trú; dịch vụ du lịch; quản lý nhà nước về du lịch…

Trong đó đại diện Sở Du lịch góp ý các nội dung cần điều chỉnh như quy định việc cấp biển hiệu cho phương tiện vận tải khách du lịch cần giao cho ngành Giao thông vận tải; về quy định xếp hạng các cơ sở lưu trú du lịch, nếu không bắt buộc các cơ sở đăng ký sẽ gây khó cho công tác quản lý, bởi hiện tại chỉ mới có 15% cơ sở lưu trú du lịch đăng ký xếp hạng. Về quy định cấp các thẻ hướng dẫn viên du lịch cần bổ sung sơ yếu lý lịch có xác nhận của chính quyền địa phương với thời hạn không quá 6 tháng.

Tổ chức JICA Nhật bản tập huấn phát triển du lịch cộng đồng cho người dân bản Nưa, xã Yên Khê, Con Cuông. Ảnh: Hoài Thu
Tổ chức JICA Nhật Bản tập huấn phát triển du lịch cộng đồng cho người dân bản Nưa, xã Yên Khê, Con Cuông. Ảnh: Hoài Thu

Đại diện Công ty cổ phần Du lịch Nghệ An đồng tình với ý kiến của Sở Du lịch về giao việc kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận tải du lịch cho Sở Giao thông -Vận tải; việc phát triển các địa phương du lịch cần có quy hoạch cụ thể, có đánh giá tác động, tiềm năng du lịch của địa phương trước khi quyết định triển khai dự án để tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, phát triển theo ngẫu hứng, kém hiệu quả.

Đồng tình với các kiến nghị trong báo cáo tổng hợp của đoàn ĐBQH, đại diện MTTQ tỉnh cũng kiến nghị bổ sung các điều cấm trong hoạt động du lịch như: cấm xuyên tạc lịch sử, chèo kéo, tranh giành khách, các hành vi làm tổn hại đến lợi ích quốc gia...

Ông Nguyễn Xuân Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế phát biểu: việc ngành Du lịch ngày càng phát triển bên cạnh các ưu điểm cũng kéo theo các nguy cơ về y tế, đặc biệt là việc giao lưu đi lại xuyên quốc gia của khách du lịch dễ dẫn đến lây lan các dịch bệnh nguy hiểm đối với người. Vì vậy, cần bổ sung quy định bắt buộc khách du lịch khai báo y tế khi tham quan du lịch tại các địa phương.

Ngoài ra, các đại biểu cũng góp ý về nguyên tắc phát triển du lịch cần có điều khoản riêng về quy định quyền và lợi ích của khách du lịch. Sửa đổi, bổ sung một số từ ngữ tại Điều 2, Điều 9, Khoản 5 về quy định các hành vi bị cấm trong hoạt động du lịch. Cần thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Có biện pháp hạn chế, ngăn chặn tình trạng “xe dù” dẫn khách du lịch và các xe vận tải khách du lịch chất lượng không đảm bảo.

Du khách Thái Lan tham quan cánh đồng hoa hướng dương, huyện Nghĩa Đàn. Ảnh tư liệu
Du khách Thái Lan tham quan cánh đồng hoa hướng dương ở huyện Nghĩa Đàn. Ảnh tư liệu

Đồng tình với quan điểm này, đại diện Sở Du lịch nêu: hiện nay tình trạng xe hợp đồng chở khách du lịch không đảm bảo chất lượng, dễ gây tai nạn nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch. Bên cạnh đó, các dịch vụ hoạt động phục vụ khách du lịch như ăn uống tại các nhà hàng, khách sạn, các hoạt động vui chơi, giải trí như: hát karaoke, dịch vụ mát - xa chăm sóc sức khỏe cũng cần có sự thẩm định của cơ quan y tế về chất lượng dịch vụ.

Cũng tại hội nghị, đại diện Công ty du lịch quốc tế Thái Sơn bày tỏ lo ngại nếu bỏ quy định về điều kiện công nhận công ty du lịch kinh doanh lữ hành quốc tế khi không cần thẻ hướng dẫn viên quốc tế, điều này sẽ dẫn đến tình trạng các công ty du lịch nội địa sẽ chuyển hết sang hình thức công ty lữ hành quốc tế, làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ du lịch, hình ảnh du lịch quốc gia. Đề nghị có quy định về các chế tài quản lý chất lượng các cơ sở đào tạo, cấp chứng chỉ hướng dẫn viên du lịch.

Kết luận hội nghị, ông Trần Văn Mão tổng hợp các ý kiến góp ý để trình lên các cơ quan liên quan và kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Hoài Thu

TIN LIÊN QUAN

Nghệ An: Mới chỉ có 15% cơ sở lưu trú du lịch đăng ký xếp hạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO