'Nghệ An nên cự tuyệt hoàn toàn với các dự án có tác động xấu đến môi trường'

11/11/2016 19:50

(Baonghean.vn)- PGS.TS. Nguyễn Trọng Xuân, Viện Kinh tế Việt Nam góp ý với Nghệ An về một số chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và CNH, HĐH và phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn tại Hội thảo 'Phát triển Nghệ An đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị'.

…Trên hầu hết các lĩnh vực của phát triển, trong những năm gần đây tỉnh Nghệ An đã ban hành khá nhiều chương trình, dự án, mà theo chúng tôi, là tương đối nhiều và khá toàn diện (thể hiện tính nghiêm túc, quyết liệt trong việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 26 ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020). Tuy nhiên, cho đến nay tốc độ triển khai, mức độ tác động, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh trên thực tế chưa nhiều. Vì vậy, phải chăng trong những năm tiếp theo cần có sự tổng kết, đánh giá tính khả thi của từng chương trình, dự án, qua đó giành sự ưu tiên, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình, dự án có tác dụng thúc đẩy sự phát triển đã được tỉnh ban hành (chưa cần lập thêm các chương trình, dự án mới trong khi các nguồn lực của tỉnh còn có hạn).

Thành phố Vinh đang vươn tầm trung tâm Bắc Trung bộ.
Thành phố Vinh đang vươn tầm trung tâm Bắc Trung bộ.

Về thu hút đầu tư và đầu tư trực tiếp nước ngoài:

- Nghệ An cần rút bài học kinh nghiệm về những vấn đề chưa thành công, những tác động xấu đến môi trường sinh thái và xã hội từ các dự án đầu tư mà 2 tỉnh láng giềng (Hà Tĩnh, Thanh Hóa) đã gặp phải. Từ thực tiễn vấp váp đó mà Nghệ An nên cự tuyệt hoàn toàn với tất cả các dự án đầu tư có tác động xấu hoặc có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái (cho dù các dự án đó có thể đưa lại nguồn thu lớn trong thời gian trước mắt).

- Về đối tác: Trên cơ sở quan sát, đánh giá các đối tác đã và đang có dự án đầu tư tại Việt Nam, chúng tôi thấy nhiều dự án của các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc đều có công nghệ chưa cao (thậm chí lạc hậu), có nhiều tác động xấu đến môi trường, một số dự án gây nên những vấn đề xã hội bức xúc,… Vì vậy, đề nghị Nghệ An giảm thiểu việc thu hút các dự án đến từ Trung Quốc (ý kiến riêng của tác giả).

- Về khai thác tài nguyên: Cần đánh giá và so sánh chi phí và lợi ích, nhất là những lợi ích mà Nhà nước thu lại (thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp) và những tổn thất mà xã hội phải gánh chịu (hạ tầng đường sá bị hủy hoại nhanh, môi trường ô nhiễm, cảnh quan bị phá hoại, sức khỏe và sự an toàn của nhân dân vùng xung quanh các mỏ bị đe dọa). Theo chúng tôi, với trình độ công nghệ của ta hiện nay, phải chăng Nghệ An tạm dừng khai thác những tài nguyên, khoáng sản chưa thật hiệu quả theo nguyên lý “để dành cho các thế hệ mai sau” khai thác khi công nghệ đạt tới trình độ đưa lại hiệu quả.

Về CNH, HĐH và phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn:

- Nghệ An không nhất thiết phải tiến hành công nghiệp hóa theo mô hình đẩy nhanh phát triển công nghiệp truyền thống (để tăng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế bằng mọi giá) với khối lượng nguyên nhiên vật liệu nhiều, mà trong thời gian trước mắt (đến năm 2025) nên tập trung ưu tiên cho CNH, HĐH kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

- Hình thành một số ngành sản xuất, kinh doanh nông sản chủ lực (mũi nhọn) của tỉnh trên thị trường tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Giảm dần diện tích trồng lúa, tăng diện tích trồng cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Hình thành diện tích trồng cây dược liệu (có thể kết hợp với lâm nghiệp), cây chế biến thức ăn gia súc. Phát triển nhanh chăn nuôi sạch, công nghệ cao (nhất là phát triển chăn nuôi đại gia súc tập trung, quy mô lớn, hiện đại theo chuỗi giá trị sản phẩm).

- Huy động sự tham gia rộng rãi của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế vào quá trình phát triển của tỉnh. Xem doanh nghiệp là điều kiện, là một trong những động lực quyết định tốc độ và chất lượng của phát triển. Chú trọng thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào lĩnh vực chế biến để nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa xuất khẩu như: Chế biến nông sản, hải sản, rau quả, dược liệu, sản phẩm chăn nuôi, sản phẩm gỗ,...

- Cần thay đổi phương thức công nghiệp hóa theo hướng tăng trưởng xanh với những tỉnh ưu việt đặc trưng là tiêu thụ năng lượng, nguyên vật liệu ít hơn, chi phí vận tải thấp, tiết kiệm đầu tư hạ tầng và chi phí giao thông vận tải, giảm mạnh ô nhiễm môi trường và hướng tới hình thành cảnh quan xanh, sạch, đẹp cả ở các trung tâm công nghiệp, đô thị và nông thôn. Không phân tán các nguồn lực vào quá nhiều mục tiêu cùng một lúc.

Trong thời gian tới, tỉnh nên tập trung, ưu tiên phát triển: (1) Đẩy mạnh đào tạo lực lượng lao động có trình độ tay nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động trong nước cũng như của “Cộng đồng kinh tế ASEAN” và của nhiều quốc gia đang có nhu cầu nhập khẩu lao động khác. (2) Phát triển nông lâm nghiệp gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến hiện đại. (3) Phát triển công nghiệp dược phẩm và gắn với nó là sản xuất nguyên liệu dược. (4) Phát triển du lịch và các ngành sản xuất, dịch vụ gắn với du lịch. (5) Từng bước đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ thông tin...

PGS.TS. Nguyễn Trọng Xuân

Viện Kinh tế Việt Nam

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
'Nghệ An nên cự tuyệt hoàn toàn với các dự án có tác động xấu đến môi trường'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO