Nghệ An: Nhiều cụm công nghiệp vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải

Tiến Đông 15/03/2021 18:50

(Baonghean.vn) -Mặc dù toàn tỉnh có đến 23 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động, thế nhưng hiện chỉ mới có 10 CCN có hệ thống xử lý nước thải. Việc thiếu hệ thống xử lý nước thải khiến cho nguy cơ ô nhiễm tại các CCN trở thành vấn đề nhức nhối của các địa phương.

Thiếu hệ thống xử lý nước thải đồng bộ

Theo quy hoạch phát triển CCN, toàn tỉnh sẽ xây dựng 52 CCN với tổng diện tích 1.216,76ha. Tính đến thời điểm này đã có 23 CCN đi vào hoạt động, thu hút 251 dự án đầu tư, trong đó chủ yếu là các lĩnh vực chế biến khoáng sản, dệt may, gia công cơ khí, tái chế kim loại, tái chế sản phẩm nhựa, sản xuất bao bì… Mặc dù các nhóm lĩnh vực này đều có nguy cơ ô nhiễm cao, nhất là ô nhiễm nguồn nước, thế nhưng trên thực tế hiện nay, chỉ mới có 10 CCN có hệ thống xử lý nước thải, tuy vậy chủ yếu cũng là xử lý theo kiểu hồ lắng.

Hồ lắng tại CCN Diễn Hồng mấy năm nay đã bị bèo phủ đầy. Ảnh: Tiến Đông
Hồ lắng tại CCN Diễn Hồng - Diễn Châu mấy năm nay đã bị bèo phủ đầy. Ảnh: Tiến Đông

Tại địa bàn huyện Diễn Châu hiện nay có 2 CCN đang hoạt động, đó là CCN Diễn Hồng và CCN Tháp – Hồng – Kỷ. Đối với CCN Diễn Hồng, do trước đây có sự phát triển nóng về các cơ sở nấu thép, thu mua và tái chế phế liệu trong khu dân cư, nên ngày 3/8/2004 UBND tỉnh đã có Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết số 3940/QĐ-UBND.CN, gom các cơ sở sản xuất về một mối để quản lý vận hành một cách quy củ. Hiện nay tại CCN này có diện tích 10ha, với 41 cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động, chủ yếu trong lĩnh vực thu mua, chế biến phế liệu.

Có nhiều thời điểm, các hộ thu mua, chế biến phế liệu đã đổ phế liệu tràn ra đường trong CCN Diễn Hồng, buộc chính quyền địa phương phải ra quân xử lý. Ảnh: Tiến Đông
Có nhiều thời điểm, các hộ thu mua, chế biến phế liệu đã đổ phế liệu tràn ra đường trong CCN Diễn Hồng, buộc chính quyền địa phương phải ra quân xử lý. Ảnh: Tiến Đông

Mặc dù CCN Diễn Hồng đã có 3 hồ lắng nước thải, tuy nhiên các hồ lắng này hiện nay đã phủ đầy bèo. Hơn nữa nước thải trong khu vực không hoàn toàn được thu gom về đây. Một người dân tại xã Diễn Hồng cho biết: Vào lúc trời mưa, nước thải từ phế liệu chảy tràn cả ra đường, ngấm xuống đất khiến ai nấy chứng kiến đều cảm thấy rùng mình.

Nằm cách CCN Diễn Hồng không xa là CCN Tháp - Hồng - Kỷ, phía Tây đường Quốc lộ 1A. Đây là một trong những CCN tập trung có quy mô lớn ở Diễn Châu, được UBND tỉnh ra Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết số 3981/QĐ-UBND.CN ngày 05/10/2007, với diện tích 26ha. Đến ngày 31/3/2014 thì được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM theo Quyết định 1184/QĐ-UBND, sau đó bắt đầu đi vào hoạt động. Hiện tại CCN này có 31 cơ sở đăng ký hoạt động.

Hệ thống xử lý nước thải tập trung tại CCN Tháp - Hồng - Kỷ được đầu tư hơn 6 tỷ đồng nhưng rất ít khi hoạt động. Ảnh: Tiến Đông
Hệ thống xử lý nước thải tập trung tại CCN Tháp - Hồng - Kỷ được đầu tư hơn 6 tỷ đồng nhưng rất ít khi hoạt động. Ảnh: Tiến Đông

Năm 2010, UBND huyện Diễn Châu đã quyết định xây dựng trạm thu gom và xử lý nước thải, có công suất xử lý khoảng 300 m3/ngày, đêm, trị giá 6,1 tỷ đồng tại CCN Tháp - Hồng - Kỷ. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành và tiến hành chạy thử năm 2012 đến nay, công trình này chủ yếu hoạt động cầm chừng. Dù rất ít khi hoạt động nhưng hàng năm, địa phương này đang phải trích gần 100 triệu đồng thuê 2 người trông coi bảo vệ.

Dù đã có trạm xử lý nước thải nhưng không vận hành liên tục nên lâu nay hầu hết các cơ sở sản xuất trong CCN Tháp – Hồng – Kỷ gần như đang tự xử lý nước thải, sau đó xả ra môi trường theo các con mương.

Ở Quỳ Hợp, nơi có đến 6 CCN với 93 cơ sở sản xuất, bao gồm các CCN: Thung Khuộc, Châu Quang, Châu Hồng, Thọ Sơn 1, Thọ Sơn 2, Châu Lộc. Cũng như nhiều nơi khác, các CCN ở đây chưa hề có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

CCN Thung Khuộc ở thị trấn Quỳ Hợp được thành lập từ năm 2005 với 26 cơ sở hoạt động. Nhưng do chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung nên nước thải của các cơ sở hầu hết được xử lý sơ sài rồi đổ thẳng ra môi trường.

Hay như tại xã Thọ Hợp có 2 cụm công nghiệp Thọ Sơn 1 và 2, được phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2015, có tổng cộng 34 doanh nghiệp hoạt động nhưng vẫn không có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Người dân địa phương đã từng kiến nghị xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm nguồn nước từ các CCN này.

Hiện nay cả 6 CCN tại huyện Quỳ Hợp đều chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ảnh: Tiến Đông
Hiện nay cả 6 CCN tại huyện Quỳ Hợp đều chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ảnh: Tiến Đông

Ông Lang Văn Dũng – Chủ tịch UBND xã Thọ Hợp cho biết: Ở các CCN này hầu như doanh nghiệp về mở xưởng từ trước, sau đó thì chính quyền mới đi theo quy hoạch cho họ. Do không có điểm xử lý nước thải tập trung nên dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Chưa có một mô hình quản lý CCN

Ông Kim Thành Xuyên – Trưởng phòng KT-HT huyện Quỳ Hợp cho biết Đặc thù của các CCN trên địa bàn huyện Quỳ Hợp là doanh nghiệp tự phát, tự chọn vị trí đặt cơ sở sản xuất sau đó mới quy hoạch để quản lý. Lý do chưa có khu xử lý nước thải tập trung theo ông Xuyên là do không có kinh phí, bởi vì để đầu tư một hệ thống như vậy cần khoảng 10 tỷ đồng. Mặc dù theo Quyết định 45/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh vào ngày 26/8/2015 quy định mức hỗ trợ tối đa 6 tỷ đồng cho việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại cụm công nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế thì rất khó bố trí được nguồn để triển khai xây dựng.

Chúng tôi đặt vấn đề về những bất cập trong các CCN ở địa phương, nhất là hệ thống xử lý nước thải tại CCN Diễn Hồng và CCN Tháp – Hồng – Kỷ, ông Lê Mạnh Hiên – Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết: Tại CCN Tháp – Hồng – Kỷ, do không có ban quản lý, và kinh phí để vận hành (mua hóa chất, tiền điện, máy móc), nên lâu nay trạm xử lý nước thải tại đây hoạt động chưa hiệu quả. Ở CCN Diễn Hồng thì do ý thức của các cơ sở sản xuất quá kém, tập kết phế liệu tràn ra đường, gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước.

Dù được đầu tư tiền tỷ nhưng trạm xử lý nước thải tập trung tại CCN Tháp - Hồng - Kỷ chủ yếu nằm
Dù được đầu tư tiền tỷ nhưng trạm xử lý nước thải tập trung tại CCN Tháp - Hồng - Kỷ chủ yếu nằm "đắp chiếu". Ảnh: Tiến Đông

Ông Lê Mạnh Hiên cũng cho biết, kinh phí xây dựng, nâng cấp các hệ thống xử lý nước thải do địa phương bỏ ra, đáng lẽ chi phí xử lý thì các doanh nghiệp phải đóng, nhưng đến nay ở cả 2 CCN, các cơ sở sản xuất chưa phải đóng bất cứ chi phí nào.

Đặc biệt, bất cập lớn nhất hiện nay tại các CCN là dù thuộc cấp huyện quản lý, nhưng hiện nay chưa có quy định, mô hình tổ chức bộ máy nào để quản lý các CCN. Vì thế, các địa phương đang phải cử cán bộ kiêm nhiệm làm công tác quản lý. Điều này khiến cho mô hình hoạt động của các CCN đạt hiệu quả không cao. Nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh, nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước nhưng rất khó xử lý dứt điểm.

Mới nhất

x
Nghệ An: Nhiều cụm công nghiệp vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO