Nghệ An: Nhiều địa phương có biên chế nhưng vẫn khó tuyển dụng giáo viên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Mặc dù được giao chỉ tiêu biên chế nhưng với nhiều địa phương ở Nghệ An để tuyển dụng đủ giáo viên cũng không phải dễ dàng bởi mỗi địa phương có những đặc thù riêng.

Giải bài toán thiếu giáo viên

Trường Tiểu học Nghi Phong (Nghi Lộc) có 25 lớp, nhưng chỉ có 30 giáo viên văn hóa, tỷ lệ giáo viên đứng lớp còn rất thấp so với yêu cầu. Để phần nào giúp cho việc tổ chức dạy học được đảm bảo, hiện nay nhà trường đang phải hợp đồng 5 giáo viên, gồm 2 giáo viên văn hóa, 1 giáo viên Tổng phụ trách Đội, 1 giáo viên Tin học và 1 giáo viên Tiếng Anh. Ngoài ra, nhà trường đang có 4 giáo viên biệt phái từ bậc THCS xuống với thời gian biệt phái từ 1 - 2 năm, gồm 2 giáo viên Tiếng Anh và 2 giáo viên văn hóa.

Trong số những giáo viên đang hợp đồng, trường được hỗ trợ một phần tiền chi trả lương từ ngân sách huyện với số tiền 4 triệu đồng/giáo viên. Phần còn lại, nhà trường đang phải tự chi trả từ nguồn thu dạy học buổi thứ 2 của nhà trường và còn khá nhiều chật vật.

Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Nghi Phong (Nghi Lộc). Ảnh: Mỹ Hà

Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Nghi Phong (Nghi Lộc). Ảnh: Mỹ Hà

Chia sẻ về những khó khăn hiện nay, cô giáo Nguyễn Thị Minh Thương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghi Phong cho biết: Trường chúng tôi đang thiếu giáo viên trầm trọng, vì hiện nay, nếu tính cả giáo viên hợp đồng thì tỷ lệ mới đạt 1,25 giáo viên/lớp. Năm tới, nếu giáo viên biệt phái hết thời gian công tác thì nhiều môn học sẽ không còn giáo viên đứng lớp. Trong thời gian qua, chúng tôi cũng đã nhiều lần đề xuất với huyện bổ sung thêm giáo viên cho nhà trường và nếu tính đủ theo quy định thì cần khoảng 7 giáo viên nữa mới đủ định biên.

Tình trạng thiếu giáo viên diễn ra trên địa bàn huyện Nghi Lộc nhiều năm nay, thậm chí ở bậc tiểu học có thời điểm chỉ có 1 giáo viên/lớp, trong khi quy định để dạy học 2 buổi/ngày là 1,5 giáo viên/lớp. Với số lượng thiếu rất lớn, nên dù mới đây, UBND tỉnh đã giao bổ sung cho huyện 171 biên chế thì chỉ mới đáp ứng được một phần nhu cầu.

Qua trao đổi, ông Nguyễn Văn Thông - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Trong đợt tuyển dụng này chúng tôi được bổ sung 133 giáo viên mầm non. Ngoài tuyển dụng ưu tiên 19 giáo viên thuộc diện 06, 09 thì chúng tôi sẽ được tuyển dụng thêm 114 giáo viên mới bậc mầm non. Điều này, rất cần thiết trong thời điểm hiện nay và nếu tuyển đủ chúng tôi sẽ nâng được tỷ lệ giáo viên mầm non của huyện từ 1,2 lên 1,6 giáo viên/lớp, chưa đủ theo định biên như quy định, nhưng về cơ bản sẽ giúp được các nhà trường giải quyết được bài toán thiếu giáo viên hiện nay.

Ở bậc tiểu học, nếu chỉ có 29 biên chế thì chưa đủ, nhưng phần nào cũng giúp các nhà trường có thêm giáo viên đứng lớp và chúng tôi đang tham mưu tuyển dụng giáo viên văn hóa và ưu tiên thêm giáo viên dạy môn Âm nhạc, Mỹ thuật. Ở bậc THCS, chúng tôi sẽ tham mưu để tuyển dụng giáo viên Sinh học, Hóa học để đủ giáo viên đứng lớp theo chương trình mới.

Thiếu giáo viên đứng lớp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy học của các nhà trường. Ảnh: Mỹ Hà.

Thiếu giáo viên đứng lớp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy học của các nhà trường. Ảnh: Mỹ Hà.

Tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra tại tất cả 21 huyện, thành, thị trên toàn tỉnh, bởi hiện nay Nghệ An đang thiếu trên 5.000 giáo viên. Trong bối cảnh đó, việc UBND tỉnh vừa bổ sung hơn 2.800 biên chế từ bậc tiểu học đến bậc THPT đã giúp cho nhiều địa phương trong việc bố trí giáo viên đứng lớp ở các nhà trường. Thời điểm này, các địa phương cũng đang cân đối số lượng biên chế được giao, nhu cầu thực tế tại các địa phương để xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên và dự kiến sẽ bắt đầu tuyển dụng từ năm 2023 sau khi đã được Sở Nội vụ thẩm định và được UBND tỉnh phê duyệt. Mặc dù vậy, việc tuyển dụng cũng cần phải cân nhắc, bởi mỗi địa phương có những đặc thù riêng.

Cân nhắc trong quá trình tuyển dụng

Trước đó, ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3298/QĐ-UBND bổ sung 2.820 biên chế giáo viên năm học 2022 - 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã có văn bản hướng dẫn tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục. Trong đó, có lưu ý một số đối tượng cần được quan tâm, ưu tiên hoặc các đối tượng không đủ bằng cấp theo quy định.

Giờ học của học sinh Trường THCS thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn). Ảnh: Mỹ Hà

Giờ học của học sinh Trường THCS thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn). Ảnh: Mỹ Hà

Qua quá trình triển khai, mỗi địa phương lại có những đặc thù riêng, vì vậy, việc tuyển dụng giáo viên cũng đang được thực hiện một cách cân nhắc. Tại huyện Yên Thành, qua trao đổi, ông Trần Xuân Tĩnh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Huyện Yên Thành được giao bổ sung 292 biên chế và chúng tôi đang đề xuất, tham mưu với huyện để tuyển đủ giáo viên. Trong đó, sẽ tuyển dụng 238 giáo viên mầm non hợp đồng 06, 09. Với giáo viên tiểu học, ngoài giáo viên văn hóa, chúng tôi sẽ tuyển dụng các giáo viên môn đặc thù như Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật. Tuy nhiên, việc tuyển dụng khó có thể tuyển dụng mới, bởi trước mắt huyện Yên Thành đang có hơn 100 giáo viên hợp đồng và ưu tiên tuyển dụng trong số này. Riêng bậc THCS, dù có chỉ tiêu nhưng sẽ không tuyển dụng, vì thực tế hiện nay huyện đang thừa hơn 100 giáo viên THCS.

Việc tuyển dụng giáo viên THCS cũng sẽ khó thực hiện ở nhiều địa phương khác dù hiện nay hầu hết các huyện đều được giao chỉ tiêu. Lý do hiện nay, bậc THCS đang thừa khá nhiều, thậm chí có những huyện như Thanh Chương năm nay phải điều khoảng 50% giáo viên thừa ở bậc THCS xuống dạy ở bậc tiểu học. Chính vì lẽ đó, dù có chỉ tiêu giáo viên ở bậc THCS nhưng huyện Thanh Chương cũng rất khó tuyển dụng.

Nhiều địa phương đang thừa giáo viên THCS nên sẽ khó tuyển dụng mới. Ảnh: Mỹ Hà

Nhiều địa phương đang thừa giáo viên THCS nên sẽ khó tuyển dụng mới. Ảnh: Mỹ Hà

Quy trình tuyển dụng cũng đang được các địa phương xem xét trên tổng số biên chế chung toàn huyện và đang phải tính tới cả việc tinh giản giáo viên. Tại huyện Tân Kỳ, qua trao đổi, đại diện Phòng Nội vụ cho biết: Việc tuyển dụng phải đúng quy trình, trong đó, ưu tiên giáo viên 06, 09 ở bậc mầm non. Ở các bậc học còn lại, dù có chỉ tiêu nhưng chúng tôi đang phải cân nhắc. Bởi lẽ, theo quy định, ngành Giáo dục, trong đó, có huyện Tân Kỳ mỗi năm phải tinh giản 10% giáo viên (tương đương mỗi năm khoảng 45 người). Tuy nhiên, nếu số tinh giản không đủ, sẽ tác động đến định mức biên chế chung và chúng tôi chỉ tuyển dụng trong số định mức biên chế cho phép. Nếu tuyển dụng quá theo quy định, nguồn chi trả lương gặp nhiều khó khăn.

Đến thời điểm này, Kỳ Sơn là huyện đã hoàn thành khá sớm việc xây dựng kế hoạch tuyển dụng biên chế theo chỉ tiêu mà UBND tỉnh vừa bổ sung cho huyện. Tuy vậy, sau khi thông qua huyện và chuyển xuống Sở Nội vụ, kế hoạch tuyển dụng đang yêu cầu được điều chỉnh lại để phù hợp với định biên chung của huyện.

Qua trao đổi, ông Lầu Bá Thái - Phó Phòng Nội vụ huyện cho biết: Toàn huyện Kỳ Sơn có gần 1.900 giáo viên và từ nay đến năm 2026 huyện cần tinh giản 208 người, trung bình mỗi năm gần 50 người. Qua rà soát bước đầu, năm 2023, số giáo viên về hưu hoặc nghỉ theo Nghị định 108 chỉ khoảng 10 người. Thế nên, nếu tuyển mới, chúng tôi sẽ thừa định biên và không có ngân sách để chi trả lương.

Việc thiếu giáo viên đặc thù đang diễn ra tại nhiều địa phương. Trong ảnh: Giờ học Âm nhạc của học sinh Trường THCS Hà Huy Tập (TP. Vinh). Ảnh: Mỹ Hà

Việc thiếu giáo viên đặc thù đang diễn ra tại nhiều địa phương. Trong ảnh: Giờ học Âm nhạc của học sinh Trường THCS Hà Huy Tập (TP. Vinh). Ảnh: Mỹ Hà

Ngoài khó khăn trên, huyện Kỳ Sơn cũng đang gặp những đặc thù riêng như dù được bổ sung 23 biên chế giáo viên tiểu học và huyện đã dự kiến tuyển dụng giáo viên Tin học và Tiếng Anh, nhưng cơ hội rất khó vì không có hồ sơ đăng ký. Giáo viên mầm non diện 06, 09 có 22 người, nhưng chỉ có 3 người đủ bằng cấp theo quy định. 19 người còn lại hiện đang học và cuối năm 2023 mới có bằng. Trước thực tế này, Phó phòng Nội vụ huyện Kỳ Sơn nói thêm: Chúng tôi sẽ giữ chỉ tiêu giáo viên mầm non cho các giáo viên 06,09 và không tuyển mới. Nhưng các giáo viên còn lại, chúng tôi mong có những cơ chế riêng, vì hiện nay nếu theo đúng quy định sẽ không có ứng viên lên Kỳ Sơn. Trong khi đó, sinh viên tốt nghiệp ngành Tin Học, Tiếng Anh trên địa bàn còn nhiều, nhưng lại chưa có bằng đại học theo như quy định mới.

Với những khó khăn trên, rõ ràng dù đã có biên chế nhưng việc tuyển dụng sẽ không thể thực hiện sớm mà cần phải rà soát, sắp xếp để phù hợp với từng địa phương và phù hợp với các quy định theo các văn bản hướng dẫn. Việc cân nhắc này cũng là cần thiết để đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích và phù hợp với bối cảnh hiện nay.

tin mới

Thư viện

Để sách trở thành người bạn của học trò

(Baonghean.vn) - Internet phát triển, điện thoại di động, mạng xã hội và rất nhiều mối quan tâm khác khiến giới trẻ ngày nay không còn nhiều người mặn mà với sách. Chính vì thế, gây dựng và phát triển văn hóa đọc trong các nhà trường là điều hết sức cần thiết, dù với ở độ tuổi nào.

Sáp nhập

Sáp nhập trường lớp ở huyện Thanh Chương: Trao cơ hội học tập tốt nhất cho học trò

(Baonghean.vn) - Sáp nhập trường lớp là xu hướng tất yếu nhằm tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học của các trường. Đây cũng là mục tiêu huyện Thanh Chương đang kiên trì thực hiện, với mong muốn đem đến môi trường giáo dục tốt nhất cho các học trò.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

(Baonghean.vn) - Trên cơ sở 2.187 biên chế giáo viên được Trung ương bổ sung cho Nghệ An, UBND tỉnh đã xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh thẩm tra trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 19, khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, dự kiến tổ chức vào ngày 25/4/2024.

Trường nghề

Trường nghề loay hoay trước 'bài toán' giáo viên hợp đồng

(Baonghean.vn)- Nghệ An đang rà soát lại nhân viên hợp đồng ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 111 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Lớp 12

90 ngày 'đếm ngược' của sỹ tử lớp 12

(Baonghean.vn) - “90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024” là phong trào thi đua đang được các trường học trong toàn tỉnh triển khai, với mục tiêu cùng với ngành Giáo dục tỉnh nhà tăng ít nhất 4 bậc về thứ hạng trong mùa thi năm nay.

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

(Baonghean.vn) - Việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường chọn sách giáo khoa, đòi hỏi các giáo viên cần phải có trách nhiệm, tận tâm trong quá trình thẩm định để đảm bảo có thể chọn được những bộ sách đúng, trúng đối tượng, phục vụ hiệu quả công tác dạy và học.

Du học sinh

Cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định du học

(Baonghean.vn) - Du học nay đã không còn là lựa chọn của những học sinh có năng lực, có điều kiện. Thay vào đó, hiện nay, nhiều học sinh đã lựa chọn du học bởi đây là con đường gần nhất để các em vừa vẫn đảm bảo việc học nhưng sớm có cơ hội có nghề, tìm kiếm việc làm.