Kinh tế

Nghệ An nỗ lực tiêm phòng cho 80% đàn vật nuôi

Xuân Hoàng - Quang An 12/04/2025 08:45

Mỗi năm hai đợt, vào vụ xuân và vụ thu, những người làm công tác thú y tại Nghệ An lại tất bật lên đường, đến từng hộ dân để tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Công việc tưởng chừng đơn giản, nhưng thực tế là cả một hành trình nhiều gian nan, đòi hỏi sự kiên nhẫn.

Tổ tiêm phòng đi từng xóm nhỏ

Một ngày trung tuần tháng 4, chúng tôi theo chân tổ tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh dại chó và tiêm phòng dịch bệnh cho trâu, bò ở khối 5, thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương. 7h30 sáng, tổ tiêm phòng 5 người gồm chị Nguyễn Thị Hằng Mơ – Trưởng ban Mặt trận khối, cùng các thành viên là khối trưởng, an ninh viên, chi hội trưởng chi hội nông dân và cán bộ thú y đã chuẩn bị đủ các dụng cụ, vắc-xin… bắt đầu công việc của mình.

Clip: Xuân Hoàng - Quang An

Mỗi người một nhiệm vụ rõ ràng, công việc không hề nhẹ, bởi để tiêm được cho những con chó hung dữ hay trâu, bò to khỏe, cần cả một ê-kíp phối hợp nhịp nhàng.

“Từ ngày hôm trước, chúng tôi đã đăng kế hoạch tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi trên nhóm mạng xã hội, đồng thời phát thông báo trên hệ thống loa truyền thanh, nhắc nhở các hộ dân chủ động xích, nhốt vật nuôi. Nhờ vậy, sáng nay việc triển khai thuận lợi hơn”, ông Nguyễn Tiến Ái, Khối trưởng khối 5 cho hay.

tiem 8 (2)
Tổ tiêm phòng khối 5, thị trấn Dùng (Thanh chương) tiêm phòng vắc-xin dại chó. Ảnh: Quang An

Tại gia đình ông Hoàng Văn Hải, có 2 con chó và 1 con trâu đã được nhốt sẵn trong chuồng. Sau khi tiêm xong, ông đóng các khoản chi phí theo quy định và nhận giấy chứng nhận.

Không riêng gì ông Hải, nhiều hộ dân trong khối 5, cũng có ý thức chấp hành cao. “Chăn nuôi là nguồn thu của gia đình, nên chúng tôi luôn sẵn sàng phối hợp tiêm phòng, tránh rủi ro sau này. Không riêng đợt này, mà nhiều năm trước gia đình đều chủ động phối hợp với địa phương để tiêm phòng vắc-xin, nên đàn vật nuôi ít khi bị bệnh”, ông Hải bộc bạch.

tiem 5
Trong quá trình tiêm phòng, đôi khi cán bộ thú y gặp rủi ro, có thể bị vật nuôi hung dữ tấn công. Ảnh: Xuân Hoàng

Cả buổi sáng theo chân tổ tiêm phòng mới thấy hết sự vất vả. Không ít trường hợp vật nuôi hung dữ, người tiêm phải đối mặt với những cú húc bất ngờ hay bị chó cắn sượt. Dẫu vậy, các cán bộ vẫn kiên trì, cẩn trọng từng mũi tiêm, ghi chép đầy đủ các hộ vắng mặt để hôm sau quay lại bổ sung.

Ông Nguyễn Hữu Hiền – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Dùng cho biết: “Thị trấn Dùng có 18 khối. Chúng tôi xây dựng lịch tiêm cụ thể cho từng khối, theo đó, mỗi ngày tổ chức tiêm 3 khối, đồng thời cử cán bộ thú y cán bộ xã giám sát chặt chẽ. Phương châm là không để sót hộ nào”.

Thống kê trên địa bàn thị trấn có 785 con trâu, bò và gần 2.000 con chó, mèo. Theo kế hoạch, toàn xã hoàn thành tiêm phòng vụ xuân đến ngày 13/4. Trong quá trình tổ chức tiêm phòng, thị trấn thuê 3 thú y, với mức 300.000 đồng/người/ngày và đối với đội ngũ hỗ trợ tại các khối, hỗ trợ 150.000 đồng/người/ngày.

tiem 6
Chuẩn bị vắc-xin trước khi tiêm cho đàn vật nuôi. Ảnh: Quang An

Toàn huyện Thanh Chương có 28.857 con trâu, bò; 80.161 con lợn và 29.208 con chó. Đến ngày 11/4, 29/29 xã, thị trấn đã triển khai công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi, toàn huyện đã tiêm được 10.415 liều tụ huyết trùng trâu, bò đạt 45%kế hoạch; 8.900 liều lở mồm long móng trâu, bò đạt 39% kế hoạch và 15.440 liều dại chó đạt 53% kế hoạch. Đối với đàn lợn, cơ bản các trang trại, hộ gia đình khi thực hiện nhập đàn thì chủ trang trại và hộ dân đã tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh.

Những địa phương tiêm phòng vắc-xin vụ xuân năm 2025 có tỷ lệ cao: Thanh Xuân, thị trấn Dùng, Thanh Quả, Thanh An, Thanh Tiên, Thanh Thủy, Hạnh Lâm…

Mục tiêu tiêm phòng 80% tổng đàn

Nghệ An hiện có gần 800.000 con trâu, bò; hơn 1 triệu con lợn và gần 400.000 con chó. Việc đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt từ 80% tổng đàn trở lên theo Quyết định số 3669/QĐ-UBND ngày 30/12/2024 về ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thuỷ sản trên địa bàn tỉnh năm 2025, là yêu cầu bắt buộc nhằm phòng tránh các đợt dịch lớn từng xảy ra trong quá khứ. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 8 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 4 huyện; 2 ổ bệnh dại; 1 ổ dịch lở mồm long móng và 1 ổ dịch cúm gia cầm.

tiem 1
Đối với trâu, bò, bắt buộc phải dùng dây thừng để cột chặt. Ảnh: Xuân Hoàng

Năm 2024, một số huyện như Đô Lương, Nam Đàn, Hưng Nguyên… làm tốt công tác tiêm phòng. Tuy nhiên, còn nhiều địa phương đạt tỷ lệ thấp, có nơi chỉ từ 20 - 50%. Đó là nguy cơ lớn cho sự bùng phát dịch bệnh.

Trước tình hình đó, cuối tháng 2/2025, UBND tỉnh đã có Công văn số 1365/UBND-NN yêu cầu các địa phương chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nghiêm túc kế hoạch tiêm phòng năm 2025. Theo đó, đợt tiêm phòng vụ xuân diễn ra từ 15/3 đến 15/4, với các loại vắc-xin như: lở mồm long móng, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục cho trâu, bò; dịch tả, tụ huyết trùng cho lợn; dại cho chó mèo. Đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi, cần tăng cường tuyên truyền, vận động, khuyến cáo người chăn nuôi chủ động mua vắc-xin để tiêm phòng cho đàn lợn thịt, hạn chế dịch bệnh phát sinh và lây lan.

Đặc biệt, vắc-xin dại chó, mèo và viêm da nổi cục trâu, bò chỉ tiêm 1 mũi/năm. Những huyện được hỗ trợ vắc-xin theo chương trình mục tiêu quốc gia phải triển khai tiêm hết số được cấp. Nếu thiếu, địa phương phải vận động người dân tự chi trả hoặc bố trí ngân sách hỗ trợ.

tiem 4
Sau khi tiêm xong, các gia đình nhận phiếu chứng nhận. Ảnh: Xuân Hoàng

Việc ghi nhận thực tế tại Thanh Chương cho thấy tinh thần trách nhiệm của cán bộ cơ sở, nhưng cũng đặt ra câu hỏi: Làm sao để mỗi hộ dân đều tự giác phối hợp? Thực tiễn cho thấy, chỉ khi ý thức cộng đồng được nâng lên, hiểu rõ vai trò của vắc-xin, khi đó công tác tiêm phòng mới thực sự hiệu quả và bền vững.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Nghệ An nỗ lực tiêm phòng cho 80% đàn vật nuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO